A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin, hoạt động trong nước nổi bật số tháng 6/2021

Triển khai thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ trong tình hình mới

Tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới, đặc biệt là ở một số nước có chung đường biên giới với nước ta, với số ca nhiễm bệnh và tử vong ngày càng tăng. Trong nước, sau hơn 30 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng, ngày 27/4/2021 đã xuất hiện những ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng tại tỉnh Hà Nam. Tính đến ngày 14/6/2021 Việt Nam có tổng cộng gần 11.000 ca mắc Covid-19 do lây nhiễm trong nước.

Ngay sau khi xuất hiện chùm ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đáng chú ý, chiều ngày 07/5/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tối cùng ngày, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã làm việc trực tuyến với lãnh đạo Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện K…

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ, ngành, địa phương, đơn vị, đặc biệt là các lực lượng tuyến đầu (y tế, quân đội, công an) đã và đang ngày, đêm không mệt mỏi, nỗ lực triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch trong thời gian qua. Trước diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cấp ủy và chính quyền địa phương cần khắc phục ngay khuynh hướng: Chủ quan, lơ là, mất cảnh giác khi không có dịch trong cộng đồng; hoang mang, dao động, hoảng hốt, mất bình tĩnh khi dịch bùng phát. Các cơ quan chức năng, nhất là các lực lượng tuyến đầu cần phát huy kết quả và kinh nghiệm phòng, chống 3 đợt dịch bệnh trước đây, bình tĩnh, sáng suốt, bám sát tình hình thực tế, chủ động, tích cực, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các biện pháp phù hợp, theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ. Trong đó lưu ý một số nội dung sau: (1) Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành quản lý của chính quyền và huy động sự tham gia của nhân dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc; chủ động phát huy nội lực với tinh thần: “Phòng” là cơ bản, chiến lược lâu dài, quyết định; “Chống” là cấp bách, quyết liệt, nhanh chóng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; chuyển từ trạng thái phòng ngự là chủ yếu sang trạng thái kết hợp hài hòa, hợp lý giữa phòng ngự và tấn công, trong đó, lấy tấn công là chủ yếu, quan trọng; thực hiện nghiêm phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”;… (2) Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác phòng, chống dịch trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao theo tinh thần cấp trên kiểm tra cấp dưới, tỉnh kiểm tra huyện, huyện kiểm tra xã, xã kiểm tra thôn, bản, ấp; thôn, bản, ấp kiểm tra dòng họ, gia đình theo tinh thần đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng; (3) Đẩy mạnh phân cấp và thực hiện nghiêm trách nhiệm được giao bảo đảm chủ động, nếu có khó khăn phải kịp thời báo cáo Trung ương xem xét, giải quyết; (4) Tăng cường chỉ đạo, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra; (5) Bảo đảm các yêu cầu an ninh, an toàn, an dân, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, thực hiện mục tiêu kép,…

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh, thành phố đã xử lý nghiêm các vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và thực hiện các giải pháp khẩn cấp ứng phó với dịch. Đến nay, tình hình dịch bệnh trong nước vẫn cơ bản được kiểm soát, mặc dù nguy cơ bùng phát dịch bệnh ở diện rộng là rất cao, luôn thường trực, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Để góp phần vào việc phòng, chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả, công tác tuyên truyền cần tập trung một số nội dung sau đây:

Một là, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm thông tin về đợt bùng phát dịch lần này, nhấn mạnh tính chất phức tạp hơn, liên quan nhiều ổ dịch, xuất hiện biến thể mới, đặc biệt là biến thể từ Ấn Độ gây lây nhiễm nhanh, tỷ lệ tử vong cao để nhân dân biết, chủ động phòng, chống dịch Covid-19.

Hai là, thường xuyên thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình dịch bệnh ở các tỉnh, thành phố để nhân dân biết, yên tâm, ổn định tư tưởng, tâm trạng, không gây hoang mang cho nhân dân trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm trạng của người dân, kịp thời định hướng thông tin và dư luận trước các thông tin sai sự thật về dịch bệnh.

Ba là, tiếp tục thông tin, tuyên truyền để nhân dân biết, nắm rõ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của các cơ quan chức năng để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao, tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong cuộc chiến chống dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp tục thực hiện nghiêm quy định “5K” của Bộ Y tế, kết hợp với các biện pháp khác để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho bản thân, gia đình và xã hội.

Những điểm mới, điểm đáng chú ý của Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2021

1. Về Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2021

a) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn Kỳ thi

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 16/4/2021 về tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) và tuyển sinh Đại học (ĐH), giáo dục nghề nghiệp năm 2021; Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2021; chỉ đạo các sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức cho thí sinh đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển sinh (từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 11/5/2021); công bố đề thi tham khảo giúp giáo viên, học sinh có định hướng phù hợp trong dạy, học, ôn tập; xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi phục vụ ra đề thi; rà soát, hoàn thiện Phần mềm quản lý thi, Phần mềm chấm thi trắc nghiệm; phối hợp với Bộ Công an tổ chức tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng phần mềm quản lý thi cho các địa phương; tổ chức Hội nghị tập huấn quốc gia về thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để quán triệt quy chế, tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi và nghiệp vụ sử dụng phần mềm quản lý Kỳ thi tốt nghiệp THPT; tổ chức hội nghị tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm 2021 với các cơ sở giáo dục đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo; dự kiến các phương án tổ chức Kỳ thi trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp.

b) Một số điểm mới, điểm đáng chú ý trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021:

- Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 16/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: (1) Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm toàn diện về Kỳ thi, trực tiếp thực hiện: Ban hành các văn bản chỉ đạo, quy chế, hướng dẫn; công tác đề thi; hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác tổ chức thi và chấm thi trắc nghiệm bằng máy tính; công tác thanh tra, kiểm tra. (2) Tiếp tục phân cấp mạnh cho địa phương, theo đó, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức Kỳ thi trên địa bàn.

- Bộ GD&ĐT có thẩm quyền quyết định phương án xử lý các trường hợp đặc biệt do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và các tình huống bất thường khác.

- Bổ sung môn tiếng Hàn vào danh mục các môn thi cho thí sinh đã học chương trình giáo dục phổ thông, đăng ký dự thi môn tiếng Hàn xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển trình độ cao đẳng, đại học năm 2021.

- Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12 (đề thi tham khảo đã được công bố vào tháng 3/2021). Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 (năm học 2019-2020 và 2020-2021) sẽ không được đưa vào đề thi năm 2021.

- Đổi mới và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thi phù hợp với Luật Thanh tra và sát thực tiễn, mang lại hiệu quả.

- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT và các địa phương đã đẩy mạnh công tác truyền thông, giải đáp các câu hỏi liên quan đến Kỳ thi thông qua điện thoại và email.

2. Về công tác tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2021

Cơ bản, việc tổ chức xét tuyển ĐH, CĐ năm 2021 được giữ ổn định, trong đó đa số các trường sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để làm căn cứ xét tuyển sinh. Tuy nhiên, chính sách tuyển sinh có điều chỉnh một số nội dung nhằm phù hợp với điều kiện mới về công nghệ cũng như điều kiện thực tiễn nhu cầu của thí sinh trong các năm qua, đáp ứng mục tiêu của kỳ tuyển sinh là gọn nhẹ, giảm tối đa áp lực cho thí sinh, giảm tối thiểu các sai sót trong công tác tuyển sinh từ các đối tượng tham gia. Một số điểm mới mà thí sinh cần lưu ý trong công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021, đó là: (1) Bổ sung phương án, với các địa phương có đủ điều kiện về công nghệ tổ chức thí sinh đăng ký các nguyện vọng xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo hình thức trực tuyến; (2) Sau khi có kết quả thi THPT, thí sinh chỉ điều chỉnh nguyện vọng theo phương thức trực tuyến, tối đa 03 lần trong thời gian quy định; (3) Quy định thí sinh trúng tuyển phải xác nhận nhập học thông qua việc nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi (đối với thí sinh tham dự kỳ thi THPT của năm tuyển sinh); (4) Để tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh, kết hợp với chính sách tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2021 ban hành Quy chế đào tạo trình độ ĐH, theo đó các thí sinh có thể chuyển trường, chuyển địa điểm đào tạo giữa phân hiệu và trường, chuyển ngành đào tạo khi đã trúng tuyển vào trường và đáp ứng các điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và của các trường.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ GD&ĐT đã ban hành các văn bản Hướng dẫn các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xây dựng đề án tuyển sinh công khai trên trang website của các cơ sở đào tạo, phương tiện thông tin đại chúng làm căn cứ để thí sinh nghiên cứu lựa chọn phương án tuyển sinh vào trường, bảo đảm tính chính xác, minh bạch. Từ ngày 27/4-16/5/2021, thí sinh tiến hành đăng ký dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2021 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt kết quả cao, công tác tuyên truyền cần tập trung một số nội dung sau:

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh lớp 12 về một số điểm mới, đáng chú ý trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh ĐH năm 2021.

Thứ hai, tuyên truyền nhấn mạnh về cơ bản, việc tổ chức xét tuyển ĐH, CĐ năm 2021 được giữ ổn định, trong đó đa số các trường sẽ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021 để làm căn cứ tuyển sinh để phụ huynh và học sinh ổn định tâm lý, tập trung ôn tập để có được kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thúc đẩy nhanh chuyển đổi số để khôi phục và phát triển ngành du lịch

Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia, trình Đề án lên Thủ tướng trong năm 2019. Việc chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch được xem là giải pháp cốt lõi để tăng khả năng thích ứng do thế giới đang thay đổi nhanh chóng nhờ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động của đại dịch Covid-19.

Đại dịch Covid-19 diễn ra từ cuối năm 2019 và đến nay vẫn đang diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả các quốc gia trên thế giới. Kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, kinh tế Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Để khôi phục và phát triển ngành du lịch, nhiều quốc gia đã sử dụng công nghệ số vào phát triển du lịch thông minh, coi đó là giải pháp hiệu quả để khắc phục hậu quả của dịch Covid-19. Hình thức du lịch trực tuyến, khám phá các điểm đến trên thế giới bằng công nghệ thực tế ảo đã trở nên phổ biến hơn. Vì thế, chuyển đổi số để phát triển du lịch là khoản đầu tư siêu tiết kiệm.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp du lịch và một số địa phương cũng đã từng bước đưa công nghệ số vào hoạt động du lịch, cho phép du khách mua vé tham quan, thanh toán dịch vụ từ xa, sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, khám phá di sản bằng công nghệ 3D… Nhiều công ty du lịch hoạt động như: Vietravel, Hanoitourist, Vietrantour, Goldentour, VietSense… đều đã chuyển đổi số trong công tác quản lý, xây dựng sản phẩm mới. Một số địa phương như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu… và nhiều di tích, làng nghề như: Khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hỏa Lò, Làng gốm sứ Bát Tràng... đã ứng dụng công nghệ số để xây dựng sản phẩm du lịch thông minh.

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã yêu cầu Tổng cục Du lịch đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao dịch, quản lý du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt kịp thời xu hướng mới này, chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch. Bên cạnh đó, Tổng cục Du lịch hiện đang kiến nghị với các bộ, ngành liên quan xây dựng và triển khai các chính sách, đáp ứng yêu cầu đồng bộ để phát triển du lịch thông minh, du lịch số trên phạm vi cả nước. Xây dựng và triển khai đề án phát triển du lịch số, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và đến năm 2045 thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch số. Thời gian gần đây, ngành Du lịch Việt Nam đã ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” - ứng dụng du lịch trực tuyến kết hợp thanh toán điện tử và theo dõi sức khỏe y tế được tích hợp chỉ bằng một chiếc thẻ. Đây là công cụ hữu ích đối với du khách trong việc tìm các điểm đến an toàn và quảng bá điểm đến cho khách du lịch, đồng thời phục vụ hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa. Ứng dụng cũng được coi là một trong những hoạt động chuyển đổi số thiết thực của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Để góp phần khôi phục và phát triển ngành Du lịch Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về việc sử dụng công nghệ số vào phát triển du lịch thông minh, trong đó nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, cần được đẩy mạnh hơn nữa sau tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19.

Thứ hai, phổ biến, tuyên truyền đến các doanh nghiệp du lịch trong nước đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giao dịch, quản lý du lịch thông qua ứng dụng công nghệ thông tin; đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt kịp thời xu hướng mới này, chủ động ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động du lịch.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.582
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.834
Năm 2024 : 505.220