A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin, hoạt động trong nước nổi bật số tháng 3/2021

Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã đặt nền móng cho sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS). Hội nghị đã thông qua: “Án nghị quyết về tình hình Đông Dương và nhiệm vụ cần kíp của Đảng”. Đặc biệt là thông qua “Án nghị quyết về Cộng sản thanh niên vận động”-văn kiện nền tảng về lý luận vận động thanh niên đầu tiên của Đảng, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi của phong trào yêu nước trong thanh niên đang phát triển và thực sự tạo nên những chuyển biến quan trọng trong sự nghiệp xây dựng Đoàn.

Tháng 3/1961, theo đề nghị của Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, được sự đồng ý của Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3 (tháng 3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 làm ngày kỷ niệm thành lập Đoàn hằng năm.

Từ khi thành lập đến nay, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã không ngừng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; chủ động tìm tòi những hướng đi mới, phù hợp với tiến trình cách mạng của dân tộc, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ và nhân dân dành cho thế hệ trẻ. Tổ chức Đoàn đã nghiên cứu phát triển lý luận, tổng kết thực tiễn, đề ra nhiều nghị quyết, kết luận, chương trình, kế hoạch để triển khai các mặt công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Công tác chỉ đạo luôn đổi mới, sáng tạo, kiên trì, quyết liệt, trong đó luôn ưu tiên tập trung hướng về cơ sở, chăm lo giải quyết những vấn đề bức thiết của thanh thiếu niên.

Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030 được xác định là nội dung xuyên suốt, nhiệm vụ căn bản, bao trùm trong công tác giáo dục của Đoàn, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức của tuổi trẻ. Các sản phẩm tuyên truyền trên internet và mạng xã hội như: Infographic, video clip, bộ ảnh, video ca nhạc, poster cổ động, phóng sự, phim ngắn... do các cấp bộ Đoàn xây dựng nhân các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị quan trọng được thanh thiếu niên yêu thích, đón nhận.

Các phong trào có sự đổi mới trong phương thức tổ chức, phát triển về quy mô, hiệu quả từng bước được nâng lên. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai diễn biến phức tạp, nhất là dịch Covid-19, các cấp bộ đoàn đã chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức triển khai phong trào, kịp thời cập nhật các nội dung mới theo tình hình thực tế và theo chỉ đạo của Đảng, Chính phủ đã mang lại hiệu quả tích cực. Phong trào Thanh niên tình nguyện, “Tuổi trẻ sáng tạo”,“Tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốcđược đẩy mạnh thực hiện ngay từ đầu nhiệm kỳ với nhiều nỗ lực, cố gắng của các cấp bộ Đoàn đã thúc đẩy tinh thần sáng tạo thường trực trong mỗi đoàn viên, thanh thiếu nhi.

Công tác quốc tế thanh niên tiếp tục có những bước phát triển mới về chiều sâu, chất lượng được nâng lên, đóng góp tích cực vào thành công chung của công tác đối ngoại nhân dân.

Công tác kiểm tra, giám sát của Đoàn có chuyển biến tích cực. Nội dung và phương thức đoàn kết tập hợp thanh niên được đổi mới theo hướng đáp ứng với nhu cầu, sở thích của thanh niên, tỷ lệ đoàn kết tập hợp thanh niên tăng so với đầu nhiệm kỳ.

Công tác Đoàn tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; Cuộc vận động “Đoàn viên phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam” tiếp tục được triển khai có hiệu quả, chất lượng giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp ngày càng được nâng cao. Các cấp bộ Đoàn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội cùng cấp thực hiện việc phản biện các dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền địa phương về các vấn đề phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội tại địa phương.

Phát huy truyền thống vẻ vang trong 90 năm qua, các cấp Đoàn và tuổi trẻ cả nước giữ vững niềm tin sắt son với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế; khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong các tầng lớp thanh thiếu niên và nhi đồng. Luôn tiên phong đi đầu, phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, xung kích, sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Để góp phần phát huy những kết quả đạt được của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong 90 năm qua, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, tuyên truyền sâu rộng để các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về quá trình ra đời, phát triển và truyền thống vẻ vang của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; khẳng định vị trí, vai trò, những đóng góp to lớn của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, tuyên truyền khẳng định sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện và sáng suốt của Đảng đối với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tổ chức của tuổi trẻ Việt Nam; kết quả trong đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh các cấp trong thời gian qua. Đồng thời, tôn vinh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp giáo dục và bồi dưỡng thế hệ trẻ; trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; tuyên truyền về các hoạt động kỷ niệm diễn ra ở các cấp bộ Đoàn.

Thứ ba, công tác tuyên truyền kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cần bảo đảm đúng định hướng, hiệu quả, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú gắn với các hoạt động thiết thực, cụ thể của tổ chức Đoàn các cấp, khơi gợi và phát huy truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước để cổ vũ, động viên tinh thần tuổi trẻ hôm nay nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với đất nước, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tăng cường công tác quản lý lễ hội năm 2021 trong bối cảnh “bình thường mới”

Năm 2020, ngay sau khi có sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch. Nhìn chung, hoạt động lễ hội trong năm 2020 cơ bản đảm bảo nhu cầu tâm linh của người dân, bởi chỉ dừng tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người, phần nghi lễ vẫn được tổ chức theo nghi lễ truyền thống với đại diện cộng đồng tham gia.

Bước vào mùa lễ hội đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và có diễn biến phức tạp. Trước tình hình trên, chiều ngày 15/02/2021 (tức mùng 4 Tết), tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các địa phương dừng các lễ hội, các hoạt động tôn giáo, tập trung đông người; hạn chế đi chúc Tết, du Xuân trong những tháng đầu năm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch, trong đó tập trung một số giải pháp sau:

* Đối với các tỉnh tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thấp: (1) Thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, đặc biệt cần thống kê, phân loại lễ hội các cấp để có biện pháp quản lý phù hợp; (2) Giảm quy mô; thời gian tổ chức lễ hội; thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động hội trong lễ hội; (3) Đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế. Yêu cầu bắt buộc đối với người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động lễ hội, thăm quan di tích; (4) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân và du khách trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, phòng, chống dịch bệnh Covid-19; (5) Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; tổ chức tập huấn các biện pháp phòng dịch; (6) Trong trường hợp dịch Covid-19 bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP.

* Đối với tỉnh có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ: (1) Thực hiện dừng hẳn khai mạc, tổ chức các loại hình lễ hội tập trung đông người trên địa bàn đến khi tình hình dịch bệnh được khống chế; (2) Tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng nhiều biện pháp để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; (3) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân về  phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và các quy định của nhà nước về phòng, chống dịch bệnh; (4) Phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, dòng họ trong việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ cho gia đình, bản thân, cộng đồng; (5) Thực hiện đầy đủ hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch tại các di tích gắn với hoạt động lễ hội; (6) Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch bệnh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm.

Để thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về lễ hội năm 2021, góp phần bảo đảm an toàn cho người dân trong mùa lễ hội năm nay, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền đầy đủ đến các tầng lớp nhân dân các chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc dừng hẳn các hoạt động lễ hội để tập trung cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn về sức khỏe cho nhân dân.

Thứ hai, thông tin, tuyên truyền các biện pháp cụ thể trong công tác quản lý lễ hội đối với các tỉnh đã kiểm soát được dịch Covid-19, nguy cơ lây nhiễm thấp và đối với các tỉnh có nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng theo quy định của Thủ tướng Chính phủ để vừa đảm bảo được nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân, vừa nâng cao ý thức tự giác và tính chủ động của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Thứ ba, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống. Tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên, nhân dân thay đổi hành vi tham gia lễ hội để bảo đảm an toàn, tiết kiệm, chủ động phòng, chống nguy cơ lây lan của dịch bệnh.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.590
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.842
Năm 2024 : 505.228