Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang: Thực hiện hoá khát vọng phồn vinh, hạnh phúc (Kỳ 2)
Quá trình thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang nảy sinh “nút thắt” khi 71 hộ dân có nhà ở, vật kiến trúc nằm trong hành lang an toàn đường bộ bị ảnh hưởng, gây xáo trộn cuộc sống cũng như lao động, sản xuất. Trước thực tế trên, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở đã nỗ lực gỡ “nút thắt” nhằm đảm bảo an dân, dân an.
Kỳ 2: Gỡ "nút thắt khu vực hành lang an toàn đường bộ
Nỗi lo mưa về
Tháng 5, 6… mỗi khi cơn mưa mùa Hạ trút xuống, gia đình ông Hoàng Văn Tính, thôn Tân Tiến, xã Hùng An (Bắc Quang) lại thấp thỏm lo âu. Bởi ngôi nhà sàn mà gia đình ông sinh sống ổn định hơn nửa thế kỷ qua, nay không còn giữ được sự bình yên vốn có. Dưới gầm sàn, nước lênh láng và ken dày những lớp đất. Xung quanh ngôi nhà, đất, đá nhỏ, to từ trên đồi cao cứ thế lăn về… Điều đáng nói ở đây, thực tiễn trên chỉ mới xảy ra khi thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang. Gia đình ông Tính là 1 trong số 71 hộ dân có nhà ở, vật kiến trúc nằm trong hành lang an toàn đường bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, khi chỉ cách mốc đường biên cao tốc 4 m và nằm dưới chân mái nền đất đắp cao của Dự án (đường chưa hoàn thiện cao hơn nền nhà gần 20 m).
Đất, đá từ trên cao lăn xuống khu vực sinh sống khiến gia đình ông Hoàng Văn Tính, xã Hùng An (người thứ 3 từ trái qua phải) không khỏi bất an.
Ông Tính chia sẻ: “Việc thu dọn đồ dùng, di chuyển lương thực dưới gầm nhà sàn để tránh ngập nước vốn đã mệt. Nước rút đi rồi, việc dọn dẹp, rửa gầm sàn còn mệt hơn gấp nhiều lần. Sau mỗi trận mưa, khoảng 30 m3 đất tràn vào gầm nhà sàn và khu vực xung quanh nhà, gia đình tôi phải huy động từ 15 – 20 người hộ dọn dẹp suốt nhiều giờ đồng hồ. Hơn nữa, nhà tôi có cháu nhỏ đang tuổi tập đi, tôi lo lắng vô cùng khi không thể lường trước được các tình huống đất, đá từ trên cao lăn xuống nhà để bảo vệ cháu an toàn”. “Kể tội” quá trình thi công đường cao tốc, ông Tính cho biết thêm: “Đất theo những cơn mưa tràn xuống ao nuôi cá khiến gia đình tôi mất trắng gần 20 triệu tiền cá giống. Trước đây, gia đình sử dụng nước nguồn dẫn từ khe núi xuống phục vụ sinh hoạt và nuôi cá Bỗng thì nay, nguồn nước cũng bị vùi lấp. Để có nước sinh hoạt, gia đình tôi buộc phải chi hơn 5 triệu đồng thuê người khoan giếng”.
Gia đình ông Hoàng Văn Tính huy động lực lượng dọn vệ sinh nhà sau mỗi cơn mưa.
Sau mỗi trận mưa lớn, nhiều hộ dân bị đất tràn vào nhà và khu vực chăn nuôi làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và gây thiệt hại về kinh tế.
Chung cảnh ngộ với gia đình ông Tính, chị Hoàng Thị Phượng xót xa: “Chỉ sau một trận mưa, đất từ trên cao tràn xuống khu vực chăn nuôi khiến gia đình tôi thiệt hại hơn 100 con gà và 2 con lợn”. Còn bà Hoàng Thị Nga không khỏi lo lắng khi hơn 2.000 m2 đất sản xuất lúa 2 vụ ken đặc đất, không thể khắc phục một sớm một chiều và nếu chủ động khắc phục thì cũng cần số tiền lớn, vượt xa so với nguồn lực kinh tế của một hộ cận nghèo như gia đình bà.
Chuồng gà ngập nước khiến gia đình chị Nguyễn Thị Uyên (xã Quang Minh) bị thiệt hại về kinh tế và phải di chuyển vật nuôi còn sót lại đến vị trí khác.
Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang đi qua địa bàn xã Quang Minh với chiều dài 7,85 km. Trong đó, để giải phóng mặt bằng, gia đình anh Nguyễn Tiến Chước, thôn Khiềm có hơn 1.800 m2 đất ở, đất lúa, đất trồng cây lâu năm thuộc diện thu hồi và có hơn 1.000 m2 đất bám đường cao tốc, dài khoảng 100 m. Anh Chước cho biết: “Về chủ trương thực hiện Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang, gia đình tôi hoàn toàn đồng tình, chủ động bàn giao mặt bằng theo quy định. Tuy nhiên, hiện nay, cốt đường của Dự án cao tốc cao hơn nóc nhà tôi ở dẫn đến đất đá lăn, rơi làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt và đe dọa sự an toàn của các thành viên trong gia đình. Quá trình thi công cao tốc đã làm thay đổi hiện trạng dòng chảy kênh mương thủy lợi phía sau nhà tôi. Sau những trận mưa lớn vừa qua, nước từ kênh mương thủy lợi tràn xuống gây thiệt hại bể nuôi cá, khu vực chăn nuôi gà và ngập úng cục bộ khu vực nhà ở của gia đình tôi. Hơn nữa, diện tích đất thu hồi cắt ngang thửa đất của gia đình và thu hồi hết phần đường vào nhà. Do vậy, gia đình tôi không có đường tiếp cận, không có lối vào nhà. Các phương tiện đi lại phải gửi nhờ hàng xóm, rất bất tiện cho việc đi lại, nhất là những ngày mưa”. Anh Chước cho biết thêm: “Từ khi thi công cao tốc đoạn qua khu vực gia đình tôi sinh sống thì nhà và bếp xây kiên cố xuất hiện các vết nứt tường, khiến gia đình vô cùng bất an”.
Do nằm dưới chân mái nền đất đắp cao của Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang và kênh mương thủy lợi nên sinh hoạt của gia đình anh Nguyễn Tiến Chước (xã Quang Minh) bị xáo trộn khi nước và đất tràn vào nhà sau mỗi trận mưa lớn.
Tương tự gia đình anh Chước, hộ ông Nguyễn Văn Hà, thôn An Dương (xã Hùng An) có nhà ở chỉ nằm cách mốc thu hồi đất 1,5 m. Quá trình thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang khiến ngôi nhà xây cấp IV của ông chằng chịt vết nứt. Để đảm bảo an toàn về người và tài sản, buộc gia đình ông Hà phải đi thuê nhà trọ. Điều này khiến cuộc sống của gia đình ông vốn đã nghèo nay lại thêm khó…
Chung tay gỡ "nút thắt"
Theo số liệu rà soát, thống kê của UBND huyện Bắc Quang: Toàn huyện có 71 trường hợp có đất ở, nhà ở nằm trong hành lang an toàn đường bộ bị ảnh hưởng bởi quá trình thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang. Trong đó, nhiều nhất là xã Quang Minh với 31 hộ bị ảnh hưởng, tiếp đến là xã Hùng An 22 hộ, xã Tân Quang 7 hộ… Ngoài ra, có 8 vị trí/4 xã, thị trấn, người dân không có đường vào nhà, không có đường vào để canh tác sản xuất. Điều này khiến việc lao động, sản xuất của 32 hộ dân thôn Mục Lạn, 26 hộ dân thôn Tân Tiến (xã Tân Quang), 25 hộ dân thôn Tân Lâm (xã Quang Minh), 19 hộ dân thôn Việt Tân (xã Việt Vinh) gặp khó khăn. Mặt khác, do không có đường vào nhà đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc đi lại của 7 hộ dân thôn Minh Thượng và thôn Khiềm (xã Quang Minh).
Đất từ trên cao tràn xuống khiến đường vào nhà và khu sản xuất của nhiều hộ dân trên địa bàn xã Hùng An, Quang Minh bị vùi lấp.
Tường nhà bếp của gia đình anh Nguyễn Tiến Chước (xã Quang Minh) xuất hiện vết nứt trong quá trình thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.
Hiện nay, đang bước vào mùa mưa bão, huyện Bắc Quang – “rốn mưa” của cả nước thường xuyên xảy ra mưa to, thậm chí rất to dẫn đến nước cuốn trôi đất, đá từ quá trình thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang tràn vào nhà các hộ dân nằm giáp mốc thu hồi (nằm dưới chân mái nền đất đắp cao), dẫn đến nguy cơ gây mất an toàn tài sản, tính mạng của nhân dân. Trước thực tế trên, UBND huyện Bắc Quang đã chỉ đạo các xã, thị trấn lập biên bản xác minh hiện trạng và có phương án di chuyển chỗ ở trước mắt cho các hộ dân để đảm bảo an toàn.
Đặc biệt, với tinh thần đồng tâm hiệp lực, cuối tháng 5 vừa qua, UBND huyện Bắc Quang chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan họp bàn giải pháp gỡ “nút thắt” đối với 71 hộ dân có nhà ở, vật kiến trúc nằm trong hành lang an toàn đường bộ bị ảnh hưởng bởi Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang, Phùng Viết Vinh đề nghị chủ đầu tư là Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với các cấp, ngành của huyện Bắc Quang, đơn vị tư vấn, nhà thầu thi công tiến hành kiểm tra, thẩm định mức độ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt đối với các hộ dân nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Tổ chức khảo sát các hộ, nhóm hộ không có đường vào nhà ở và đường để canh tác sản xuất; rà soát, điều chỉnh, bổ sung các hạng mục đường gom, cống hộp... để người dân có đường đi phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Trên cơ sở đó, tổng hợp, báo cáo đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương (thu hồi đất, bồi thường đối với các trường hợp không khắc phục được, bồi thường hạn chế sử dụng đất đối với diện tích phải thay đổi mục đích sử dụng đất, hỗ trợ các trường hợp bị thiệt hại...).
Diện tích lúa sản xuất 2 vụ của gia đình bà Hoàng Thị Nga, thôn Tân Tiến, xã Hùng An bị đất tràn vào khó có thể khôi phục.
Phó Trưởng phòng Quản lý dự án – Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Lê Ngọc Tuyên, cho biết: Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, đơn vị đã chỉ đạo nhà thầu thi công phối hợp với đơn vị bảo hiểm giám định, làm cơ sở bồi thường cho người dân. Hiện nay, đơn vị đang tổng hợp các trường hợp trên toàn tuyến bị ảnh hưởng. Chúng tôi nhận thấy cần phải di chuyển chỗ ở cho các hộ giáp mốc để đảm bảo cuộc sống lâu dài. Về vấn đề ngập úng tập trung chủ yếu ở xã Hùng An, Quang Minh. Các khu vực này nằm ngoài phạm vi Dự án phải bổ sung rãnh gom thoát nước, Ban quản lý sẽ chủ trì, phối hợp với các xã, nhà thầu giám sát, thi công để khắc phục. Dự kiến sẽ thu hồi bổ sung để xây dựng các mương dẫn ra vị trí thoát nước. Đơn vị cũng đang rà soát để bổ sung các hầm chui và đường gom nhằm đảm bảo cho người dân có đường đi lại…
Các nhà thầu huy động phương tiện hỗ trợ nhân dân san gạt mặt bằng sau mưa lớn.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, sự chung tay của các nhà thầu thi công trong việc hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn trước mắt đã tạo nên tình cảm gắn bó “đi dân nhớ, ở dân thương”. Anh Đào Ngọc Huấn (Tổng Công ty Vinaconex) thi công gói thầu số 03-XL cho biết: Cao tốc đang trong quá trình thi công nên hệ thống thoát nước chưa được đồng bộ dẫn đến ứ nước, gây ngập úng cục bộ khi xảy ra mưa lớn. Trước thực tế này, nhà thầu đã chủ động huy động công nhân vận chuyển đồ đạc cho nhân dân. Đồng thời, phối hợp với đơn vị bảo hiểm thống kê thiệt hại về hoa màu, tài sản của nhân dân để có giải pháp hỗ trợ.
Cán bộ các xã, thôn vùng Dự án thường xuyên sâu sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Kỳ vọng, với sự chung tay của các cấp, ngành, đơn vị thi công, cuộc sống của 71 hộ dân có nhà ở, vật kiến trúc nằm trong hành lang an toàn đường bộ sớm ổn định cuộc sống. Qua đó, tiếp tục nhân lên niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang để người dân sớm thụ hưởng thành quả mà Dự án mang lại.
Thu Phương - Hồng Cừ