A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin trong nước nổi bật tháng 3/2020

“Cuộc chiến” chống Covid-19: Bắt đầu chiến dịch mới

Ngày 08/3, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona (Covid-19) đã họp dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo. Phó Thủ tướng cho rằng, trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã thắng trong chiến dịch mở màn, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến và nhất định chúng ta phải chiến thắng cả cuộc chiến này.

Thực tế, chúng ta đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 khi ca bệnh thứ 17 xuất hiện. Giai đoạn 2 khó hơn giai đoạn đầu khi dịch đã lan ra hơn 100 nước. Chúng ta phải ngăn chặn dịch bệnh từ trăm ngả thay vì một vài ngả như trước đây...

Phó Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta đã lường trước mọi tình huống, có kịch bản sẵn sàng ứng phó với tình huống, ngay cả khi có hàng ngàn ca nhiễm. Vì vậy, những ngày tới đây nếu có vài chục, vài trăm ca nhiễm cũng không có gì bất ngờ. Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch, là ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Khi virus đã vào Việt Nam thì việc phát hiện sớm để ngăn chặn vô cùng quan trọng.

Phó Thủ tướng yêu cầu những ngày tới phải tiếp tục đề cao kỷ cương, trách nhiệm, thực hiện thật nghiêm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia… Bên cạnh đó, phải rà soát lại tất cả các hướng dẫn, hoàn thiện để có các hướng dẫn chính xác, đơn giản, dễ hiểu nhất giúp người dân hiểu rõ về dịch bệnh, những việc cần làm, những việc không được làm để chống dịch…; đồng thời sử dụng tất cả các phương tiện từ công nghệ thông tin cho đến áp phích, truyền thông đại chúng… sao cho mọi người dân được biết, được hướng dẫn trong mọi tình huống, từ nhà ra ngoài đường, sử dụng phương tiện giao thông công cộng, chỗ đông người vào nhà hàng, siêu thị, đi làm ở công sở, nhà máy; tăng cường các biện pháp ngăn chặn, khuyến cáo người Việt Nam hạn chế tối đa đi ra nước ngoài hoặc qua nước đã có người nhiễm Covid-19, chỉ đi khi thực sự cần thiết, và phải được trang bị đầy đủ kiến thức để đảm bảo trước lúc đi, khi ở nước ngoài, sau khi về Việt Nam phải được đảm bảo an toàn.

Về nhập cảnh, Ban Chỉ đạo đã thảo luận và thống nhất kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ tạm dừng miễn thị thực đơn phương với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Anh; với những nước ngoài EU có trên 500 ca nhiễm hoặc có trên 50 ca nhiễm tăng trong một ngày cũng đề nghị tạm dừng; từ chối cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam nếu có các triệu chứng, yếu tố dịch tễ theo quy định.

Phó Thủ tướng tin tưởng nếu toàn dân đồng lòng chống dịch nhất định chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh Covid-19 như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng.

Bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2021

Chiều ngày 04/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công đã họp dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc-Trưởng Ban chỉ đạo để thảo luận thống nhất triển khai lộ trình cải cách tiền lương.

Tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ấn định thời gian bắt đầu thực hiện cải cách tiền lương từ 01/7/2021. Thủ tướng nhấn mạnh, thang, bảng lương của hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, đối tượng chính sách, người về hưu là rất quan trọng trong bối cảnh hệ thống chính trị đa dạng của nước ta. Do đó, các thành viên Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành tiếp tục thảo luận để có sự thống nhất, trong đó cần phân thành các nhóm đối tượng khác nhau để lắng nghe ý kiến từ thực tiễn. Tinh thần là: Phải đảm bảo lương mới cải thiện hơn so với lương cũ, tương đối công bằng và mối quan hệ giữa các đối tượng hưởng lương.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn thiện các phương pháp tính để làm căn cứ thiết kế các bảng lương, đảm bảo tiền lương bằng lương cơ bản cộng phụ cấp. Trong đó đối với phụ cấp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn theo hướng giảm số loại phụ cấp, giúp công bằng hơn và dễ quản lý hơn. Nguyên tắc là phụ cấp ngành do Bộ trưởng bộ quản lý ngành, lĩnh vực có hướng dẫn cụ thể theo khung do Chính phủ quy định.

Về nguồn thực hiện cải cách tiền lương, ngoài dành một phần các khoản vượt thu của các địa phương và Trung ương, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ quan trọng vẫn là tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước. Đây là nhiệm vụ cần thực hiện quyết liệt, coi đây là chủ trương nhất quán của Ban Chỉ đạo về cải cách tiền lương

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội bám sát Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm xã hội để có phương án xác định, tính toán điều chỉnh cho phù hợp với lương hưu từng thời kỳ, nhất là đối với lương hưu từ trước năm 1995.

Đối với điều chỉnh chính sách hỗ trợ cho người có công, thân nhân người có công, Thủ tướng chỉ đạo cần hết sức quan tâm, bởi đây là chính sách đặc biệt, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, thể hiện sự tri ân của đất nước, dân tộc. Trước mắt, năm 2020 tiếp tục điều chỉnh theo Nghị quyết của Quốc hội. Từ năm 2021 điều chỉnh theo lộ trình cải cách tiền lương.

Ra mắt ứng dụng khai báo sức khoẻ toàn dân

Chiều ngày 09/3, ứng dụng khai báo sức khỏe toàn dân mang tên NCOVI đã chính thức ra mắt. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế và một số bộ ngành, doanh nghiệp công nghệ thông tin đã tham dự lễ ra mắt.

Sau khi cài đặt ứng dụng NCOVI trên điện thoại thông minh, người dân nhập đầy đủ thông tin cá nhân theo yêu cầu để bắt đầu sử dụng. Người dân cung cấp các thông tin cá nhân và tình hình sức khỏe của bản thân trong mục “Khai báo y tế toàn dân” ở màn hình chính; cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày ở màn hình “Theo dõi sức khỏe”. Ngoài ra, ứng dụng này còn có mục để người dân phản ánh về những trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại nơi mình sinh sống. Các dữ liệu này được cập nhật trên thời gian thực và được định vị trên nền tảng bản đồ số Việt Nam (Vmap).

Với những người không sử dụng điện thoại hay máy tính, các thành viên khác trong gia đình có thể hỗ trợ khai báo y tế, sức khỏe. Để góp phần phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, người dân cần hết sức tự giác, có trách nhiệm không chỉ vì sức khỏe bản thân mà cho cả gia đình và cộng đồng. Việc khai báo sớm, trung thực sẽ giúp cơ quan chức năng cách ly, khoanh vùng ổ dịch kịp thời, tránh lây lan.

Sử dụng ứng dụng NCOVI người dân góp phần cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 một cách chủ động. Dựa trên dữ liệu gửi về, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể. Ứng dụng còn là kênh chính thức để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cập nhật tình hình dịch bệnh, gửi các khuyến cáo y tế, sức khỏe tới người dân…

Ứng dụng NCOVI cũng khắc phục tình trạng thông tin sức khoẻ của người dùng trên các ứng dụng tương tự trước đây không được chuyển giao cho cơ quan y tế để sử dụng, thậm chí thông tin cá nhân bị sử dụng vào mục đích khác. Là ứng dụng chính thức nên tất cả những thông tin do người dân cung cấp qua NCOVI đều được nhà nước quản lý chặt chẽ, chỉ sử dụng vào mục đích giúp người dân bảo vệ sức khoẻ và chống dịch, tuyệt đối không sử dụng vào mục đích thương mại, không xâm phạm đời tư.

Cũng tại lễ ra mắt, ứng dụng Vietnam Health Declaration đã được giới thiệu dành cho người nước ngoài khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình trạng sức khoẻ khi đến Việt Nam.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 12
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 12
Năm 2024 : 505.358