A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin trong nước nổi bật số tháng 9/2019

Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới

(1) Nhận diện các thế lực thù địch thực hiện tấn công nền tảng tư tưởng của Đảng ta hiện nay

Có 3 nhóm chính: (i) các lực lượng thù địch, bao gồm cả những người nghiên cứu lý luận, thực tiễn ở các nước trong cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản; (ii) các lực lượng cực đoan người Việt ở nước ngoài luôn lôi kéo, kết hợp với số chống đối, bất mãn ở trong nước lập ra các tổ chức như Việt Tân, Việt Nam phục quốc, Triều đại Việt...; (iii) một số cán bộ, đảng viên (Có đảng viên đã từng giữ chức vụ trung, cao cấp trong bộ máy, hệ thống chính trị của nước ta) suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

(2) Một số nội dung, phương thức, thủ đoạn chống phá chủ yếu

- Về nội dung: Một là, phủ định chủ nghĩa Mác-Lênin: Sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, nhiều nhà lý luận tư sản rêu rao rằng, chủ nghĩa Mác đã lỗi thời... Hai là, đối với tư tưởng Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch tấn công trên hai khía cạnh: (i) Phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh, nói rằng Hồ Chí Minh không có tư tưởng; (ii) tuyệt đối hóa và đề cao tư tưởng Hồ Chí Minh, tách tư tưởng Hồ Chí Minh ra khỏi chủ nghĩa Mác-Lênin. Ba là, chống phá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trên tất cả các lĩnh vực... Bốn là, chúng phủ nhận những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đã đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Về phương thức và cách thức chống phá của các thế lực thù địch nổi lên một số điểm sau: (i) sử dụng truyền thông đại chúng; (ii) sử dụng internet và truyền thông xã hội để chống phá; lợi dụng các sai sót trong công tác quản lý nhà nước của ta để kích động biểu tình trái phép và xuyên tạc; (iii) tổ chức các hội thảo để xem xét lại các vấn đề liên quan đến lịch sử; (iv) tấn công vào nội bộ, phủ nhận các thành tựu đã đạt được của địa phương, đơn vị, kích động để tấn công vào quá khứ...

(3) Một số nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới

Thứ nhất, tập trung đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng. Tăng cường bồi dưỡng và cập nhật kiến thức, xây dựng đội ngũ giáo viên lý luận chính trị đạt yêu cầu.

Thứ hai, tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận thực tiễn, phát triển và hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta trong tình hình mới.

Thứ ba, phát huy vai trò của báo chí truyền thông. Với phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả.

Thứ tư, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng internet và mạng xã hội.

Thứ sáu, thành lập ban chỉ đạo từ Trung ương đến các tỉnh ủy, thành ủy, xây dựng lực lượng để thực hiện việc đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chú ý xây dựng cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy trong giải quyết vấn đề này.

Một số thành tựu quan trọng trong 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thực hiện Di chúc của Người, trong 50 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã giành được 05 thành tựu quan trọng, đó là:

(1) Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân cả nước đã đứng lên, sức mạnh của cả dân tộc được huy động cao độ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...

(2) Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, bước đầu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho Nhân dân, trải qua 09 kỳ Đại hội Đảng, kể từ Đại hội IV đến Đại hội XII, Đảng ta đã ngày càng xác định rõ hơn những quan niệm về chủ nghĩa xã hội và về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Thực hiện đường lối đổi mới toàn diện, Đảng ta luôn coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, đồng thời ra sức xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển kinh tế - xã hội…

(3) Xây dựng Đảng thực sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong Đảng và trong toàn xã hội, để thực hiện những điều căn dặn về xây dựng Đảng của Bác trong Di chúc, Đảng ta đã xác định xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt trong mỗi giai đoạn cách mạng. Đảng ta luôn luôn ý thức tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng nhằm tăng cường sức mạnh và tính chiến đấu của Đảng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

(4) Quan tâm chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, Đảng luôn chú ý đào tạo và bồi dưỡng thế hệ trẻ làm nguồn kế tục sự nghiệp cách mạng của thế hệ cha anh. Đảng cũng có nhiều nghị quyết, chỉ thị về công tác thanh niên. Các nghị quyết về giáo dục, đào tạo, về khoa học và công nghệ... đều đề cập nhiệm vụ giáo dục, chăm lo thế hệ trẻ, coi thanh niên là lực lượng xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…

 (5) Xây dựng tinh thần quốc tế vô sản chân chính, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế đất nước trong hội nhập quốc tế, Đảng ta do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, ngay từ khi ra đời đã giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa quốc tế vô sản, đề ra nhiệm vụ đoàn kết với giai cấp vô sản thế giới, với các dân tộc bị áp bức, coi đó là một nguyên tắc, một trong những nhân tố quyết định thành công của cách mạng nước ta…

Một số kết quả chủ yếu sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

(1) Một số kết quả cụ thể:

 Chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người sản xuất và người tiêu dùng. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể chính trị xã hội, cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí ở Trung ương và địa phương thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung Cuộc vận động; kịp thời phát hiện, nêu gương các điển hình tiên tiến trong thực hiện Cuộc vận động...

 Tăng cường công tác rà soát, ban hành bổ sung cơ chế thực hiện Cuộc vận động. Trong thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương đã tổ chức rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hàng ngàn văn bản pháp quy, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất, thiết lập hệ thống phân phối đưa hàng hóa Việt đến với người tiêu dùng trên cả nước...

Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp: Hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa. Các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, giới thiệu hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nhân được tổ chức hầu hết ở các địa phương nhằm đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.

Về công tác quản lý thị trường, kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường: Ban chỉ đạo Cuộc vận động các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với Ban chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng gian lận thương mại và Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra liên ngành, các đợt giám sát đối với các cơ sở sản xuất và dịch vụ vận chuyển, kinh doanh hàng hóa...

 Tạo sức lan tỏa, tham gia hưởng ứng của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác và các nhà sản xuất kinh doanh đã tích cực triển khai các giải pháp, hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động. Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời gian qua được các doanh nghiệp quan tâm và trở thành một trong các nội dung trọng tâm hưởng ứng Cuộc vận động…

(2) Một số hạn chế trong triển khai thực hiện Cuộc vận động

Nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Cuộc vận động chưa đầy đủ, chưa quan tâm đến các hoạt động và kết quả triển khai Cuộc vận động. Trong tổ chức thực hiện Cuộc vận động, công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát của các ban chỉ đạo chưa thường xuyên, chủ yếu thực hiện lồng ghép với các nội dung nhiệm vụ có liên quan của ngành hoặc các ngành tự giám sát, quản lý theo đối tượng...

(3) Một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và tổ chức thực hiện Thông báo Kết luận số 264-TB/TW, ngày 31/7/2009 của Ban Chấp hành Trung ương về tổ chức cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Kết luận số 107, ngày 10/4/2015 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; Chỉ thị số 24/CT-TTg, ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn mới.

Thứ hai, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức xã hội, nghề nghiệp, các cơ quan tuyên truyền, thông tấn, báo chí trong tuyên truyền về Cuộc vận động; vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam.

Thứ ba, rà soát, ban hành bổ sung cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất và bảo vệ thị trường trong nước phù hợp với các quy định của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) khuyến khích và định hướng tiêu dùng của Nhân dân.

Thứ tư, tổ chức điều tra, khảo sát thị trường, điều tra thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng; tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nhân…

Thứ năm, tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Cuộc vận động ở các cấp. Kiện toàn, củng cố về tổ chức và nâng cao hoạt động của Ban chỉ đạo Cuộc vận động ở Trung ương và cấp tỉnh.

Thứ sáu, tăng cường các hoạt động giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm; nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị-xã hội sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công…


Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 9
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 9
Năm 2024 : 505.355