A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin trong nước nội bật số tháng 11/2019

Một số kết quả chủ yếu Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Từ ngày 07-12/10/2019, tại thủ đô Hà Nội diễn ra Hội nghị lần thứ 11, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Các đồng chí Ủy viên Trung ương và đại biểu dự Hội nghị đã tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung chủ yếu sau:

(1) Ban Chấp hành Trung ương Đảng thảo luận, cho ý kiến về dự thảo các văn kiện Đại hội XIII: Dự thảo Báo cáo chính trị và Dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030; dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2021-2025; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.

(2) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận, cho ý kiến về Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2019, tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020; dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và Kế hoạch tài chính ngân sách 03 năm 2020-2022.

(3) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét, thảo luận, cho ý kiến vào các văn bản: Báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 10, khoá XII đến Hội nghị Trung ương 11, khoá XII; Báo cáo công tác tài chính đảng năm 2018.

(4) Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung 04 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII, nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương; xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khoá X, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Minh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban Cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông…

Về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền

Ngày 23/9/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Quy định 205 là một bước tiếp theo trong thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; là lần đầu tiên vấn đề kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền chính thức được đề cập trong văn bản mang tính pháp quy của Đảng do Bộ Chính trị ban hành; lần đầu tiên có một quy định chỉ rõ các hành vi chạy chức, chạy quyền (06 hành vi), các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền (08 hành vi).

Quy định cũng nêu rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền: (1) Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: a) Phát hiện, tiếp nhận thông tin liên quan hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý; b) Cung cấp thông tin và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong quá trình kiểm tra, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền ở cơ quan, đơn vị mình; c) Bảo vệ và khen thưởng kịp thời những cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo đúng các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền; đồng thời, xử lý nghiêm những người tố cáo sai sự thật làm ảnh hưởng uy tín người khác; (2) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội và các cơ quan dân cử thông qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, nếu phát hiện hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra và xử lý, đồng thời giám sát việc thực hiện kiến nghị theo quy định; (3) Cán bộ, đảng viên có trách nhiệm phát hiện và lắng nghe ý kiến của nhân dân để phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền về hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.

- Về xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền:

(1) Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành. Ngoài ra, nếu là cán bộ đang công tác tùy theo hình thức bị kỷ luật còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau: a) Bị khiển trách thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 18 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra; b) Bị cảnh cáo thì xem xét cho thôi tham gia cấp ủy, thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm. Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 30 tháng kể từ ngày quyết định cho thôi cấp ủy, chức vụ mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra; c) Bị cách chức thì đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ (nếu đang có trong quy hoạch). Sau thời hạn ít nhất 60 tháng kể từ ngày đưa ra khỏi quy hoạch mới được xem xét quy hoạch cán bộ. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra; d) Bị khai trừ ra khỏi Đảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động.

(2) Đối với các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm giữ lại để xử lý hành chính.

Để chống chạy chức, chạy quyền và giám sát có hiệu quả công tác cán bộ, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Quy định đến chi bộ và đảng viên, cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề ở một số cấp ủy có kinh nghiệm xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh.

Hai là, công khai, minh bạch công tác quy hoạch cán bộ, công khai danh tính cũng như chương trình hành động của người ứng cử để nhân dân và đảng viên tham gia giám sát. Lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, đảng viên, nhân dân nơi cư trú, trong cơ quan, đoàn thể chính trị.

Ba là, tổ chức thực hiện gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 8
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 8
Năm 2024 : 505.354