A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin, hoạt động trong nước nổi bật số tháng 01/2021

Một số tình hình kinh tế-xã hội năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Năm 2020, bối cảnh khu vực và thế giới có những yếu tố thuận lợi và khó khăn đan xen, đặc biệt, đại dịch Covid-19 chưa từng có trong nhiều thập kỷ xảy ra trên toàn cầu đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Tuy nhiên, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt bậc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), Việt Nam đã vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, cụ thể: Kinh tế tăng trưởng từng bước vững chắc và ngày càng được cải thiện, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. An sinh xã hội và các hoạt động văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế… đều được quan tâm thực hiện đồng bộ. Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến rõ rệt, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình, đánh giá cao, các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng được nâng cao, an ninh, chính trị được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được chủ động đẩy mạnh, nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, KT-XH nước ta năm 2020 phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới và ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân nước ta. Các ngành, lĩnh vực và hoạt động xuất khẩu tuy tiếp tục tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp. Số doanh nghiệp ngừng hoạt động vẫn ở mức cao. Thiên tai, bão lũ, sạt lở đất xảy ra liên tiếp gây thiệt hại lớn về người và tài sản…

Năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam, là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm 2021-2025 theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Tuy nhiên, tình hình thế giới năm 2021 dự báo còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, có khả năng tác động lâu dài đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Vì vậy, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, tuyên truyền kết quả đạt được của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 đặt trong sự so sánh với các nền kinh tế khác trong khu vực và trên thế giới, để từ đó thấy được mức tăng trưởng 2,4% mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo là một thành công lớn gắn với sự nỗ lực cao của mỗi người dân, doanh nghiệp và sự điều hành linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt của Chính phủ.

Hai là, từ việc thông tin kết quả kinh tế năm 2020, cần tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bên cạnh sự lạc quan về các thành tựu đất nước đã đạt được, đặc biệt là thắng lợi trong việc thực hiện “Mục tiêu kép”: Vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, cần xác định tâm lý tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nâng cao ý thức trách nhiệm trước những khó khăn, thách thức nội tại của đất nước để từ đó đúc rút những bài học kinh nghiệm, tạo nên quyết tâm chính trị cao trong toàn Đảng và sự đồng tâm, hiệp lực của toàn dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH đất nước năm 2021.

Ba là, tuyên truyền Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 theo Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội (thông qua ngày 11/11/2020), trong đó chú trọng các mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu chủ yếu, một số nhiệm vụ, giải pháp đề ra cho năm 2021.

Bốn là, phối hợp các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện cải cách hành chính, thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể nhân dân, tạo đồng thuận xã hội.

Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020; nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

Kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (ngày 01/02/2013), đến nay, nhất là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, được quốc tế ghi nhận. Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Trong giai đoạn 2013-2020, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm toán của Nhà nước được tăng cường, phát hiện và xử lý nghiêm minh các sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, bộ máy nhà nước. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm, nhưng cũng rất nhân văn, có lý, có tình. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến công tác kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, từng bước khắc phục tình trạng “Trên nóng, dưới lạnh”, đã chú ý ngăn chặn, xử lý tệ “Tham nhũng vặt”; công tác cán bộ, cải cách hành chính, công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị và các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt kết quả tích cực; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý KT-XH và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh. 

Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được tăng cường và có nhiều đổi mới; sự giám sát của các cơ quan dân cử, vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nhân dân và báo chí, truyền thông trong phòng, chống tham nhũng được phát huy tốt hơn. Hợp tác quốc tế được tăng cường; hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước từng bước được mở rộng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng ở nước ta vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương còn yếu; nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa cao; một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn thấp…

Để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về phòng, chống tham nhũng, trong đó cần khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân, của cán bộ, đảng viên, tạo động lực mới, khí thế mới để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ.

Hai là, tăng cường phối hợp, kịp thời cung cấp, công khai thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, nhất là chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Chú trọng thông tin tuyên truyền gương “Người tốt, việc tốt”, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang hoặc quy kết về tội danh, mức án trước khi xét xử.

Ba là, báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng cần lan tỏa những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm khắc việc đưa tin sai sự thật, các hành vi vu cáo, bịa đặt.

Bốn là, tuyên truyền ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, lãng phí.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.590
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.842
Năm 2024 : 505.228