A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin trong nước nổi bật tháng 5/2020

Những nội dung cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay

(1) Tuyệt đối trung thành với lợi ích của dân tộc và giai cấp, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên cơ sở Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh

Đảng ta lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động, phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa trí tuệ của nhân loại, nắm vững quy luật khách quan, xu thế thời đại và thực tiễn đất nước để đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân.

Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ cùng với sự phát triển bùng nổ của Internet, các mạng xã hội toàn cầu và những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của kinh tế thị trường; các thế lực thù địch, phản động có những chiêu thức, thủ đoạn mới chống phá Đảng, Nhà nước và công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng còn những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; lấy đó làm nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội; xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

(2) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh

Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh là nhân tố quyết định tạo nên những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới ở Việt Nam gần 35 năm qua. Đảng ta ngày càng trưởng thành hơn trong lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế cầm quyền, tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, khơi dậy tiềm năng sáng tạo, phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và quản lý nhà nước, quản lý xã hội.

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI và khóa XII về xây dựng Đảng đã khẳng định, phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết, mạnh mẽ, nhằm tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt hơn nữa trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng; tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động; củng cố tổ chức chặt chẽ; tăng cường mối liên hệ mật thiết với nhân dân; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta.

Phương hướng chung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng, khoa học và tính tiên phong của Đảng, xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tăng cường mối quan hệ mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.

(3) Tiếp tục phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn luôn là một trong những nguồn lực quan trọng nhất, mạnh mẽ nhất để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển đất nước nhanh, bền vững, cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp cần phải quan tâm, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng phát triển và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; bồi dưỡng sức dân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút trọng dụng nhân tài; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học-công nghệ; xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh con người Việt Nam; quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; tăng cường quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(4) Tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII); đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, coi đó là công việc quan trọng cần triển khai thường xuyên; học tập, vận dụng sáng tạo và thực hiện có hiệu quả Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; kịp thời lựa chọn, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các mô hình điểm, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, thiết thực trong các phong trào thi đua ở địa bàn cơ sở; các gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới trong các phong trào thi đua yêu nước để tuyên truyền động viên, cổ vũ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng... Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

An ninh lương thực và vấn đề xuất khẩu gạo

Bảo đảm an ninh lương thực là vấn đề chiến lược, trọng đại liên quan đến việc bảo đảm đời sống nhân dân và an ninh, quốc phòng.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 và thời tiết, biến đổi khí hậu đang diễn ra hết sức phức tạp, khó lường; dự báo ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp và nguồn cung lúa gạo trong nước; một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã phong tỏa và tăng cường dự trữ lương thực. Do đó, việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan. 

Dư luận trong nước đánh giá cao sự điều hành của Chính phủ trong việc thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế nói chung và vấn đề xuất khẩu gạo nói riêng…

Gần đây, những động thái của các doanh nghiệp cung ứng lúa gạo trong việc cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia càng dấy lên sự lo lắng của người dân về vấn đề này. Trong khi gạo cho dự trữ quốc gia chưa được bảo đảm thì hàng loạt doanh nghiệp đã ngang nhiên bỏ thầu, hủy hợp đồng cung ứng gạo cho dự trữ quốc gia, trong đó có nhiều doanh nghiệp vừa bỏ thầu gạo dự trữ lại đăng ký thành công tờ khai xuất khẩu gạo. Dư luận nhân dân hết sức bất bình trước thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của các doanh nghiệp trên; yêu cầu các lực lượng chức năng cần có những biện pháp xử phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, dư luận nhân dân cũng tỏ ra lo ngại trước sự điều hành của các cơ quan chức năng trong vấn đề xuất khẩu lúa gạo, cho rằng sự thiếu minh bạch trong điều hành của các cơ quan liệu có liên quan đến lợi ích nhóm hay không. Nhiều chuyên gia kinh tế đã lên tiếng và cho rằng, ở đây có lỗ hổng trong công tác điều hành, quản lý, việc cho đăng ký mở tờ khai theo hệ thống tự động sẽ nảy sinh tình trạng khai khống “Chiếm chỗ” trước. Nếu vậy, những lần sau nữa, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu xưa nay cũng khó chen chân. Dư luận mong muốn Chính phủ có ý kiến chỉ đạo làm rõ vấn đề này…

Để thực hiện tốt các chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ trong việc cân đối các lợi ích kinh tế của người dân, doanh nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực, công tác tuyên truyền cần chú trọng những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, chú trọng tuyên truyền các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống, trong đó có các giải pháp về vấn đề xuất khẩu lúa gạo. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giải quyết hài hòa các vấn đề lợi ích.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, góp phần tạo ổn định tâm trạng, tư tưởng của người dân và doanh nghiệp thông qua việc đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc chung tay cùng Chính phủ tháo gỡ các khó khăn chung do tác động của dịch Covid-19 gây ra đối với cộng đồng.

Thứ ba, phê phán, lên án các hành động vì lợi ích riêng mà bỏ qua trách nhiệm, nghĩa vụ chung của các cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất khẩu, nhất là đối với các doanh nghiệp bỏ hợp đồng với dự trữ quốc gia để chạy theo lợi ích kinh tế khi xuất khẩu; góp phần tạo sự đồng thuận trong cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện các nhiệm vụ chính trị của quốc gia.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 15
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 15
Năm 2024 : 505.361