A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin trong nước nổi bật tháng 7/2020

Việt Nam chính thức thông qua Hiệp định Thương mại Tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA)

Ngày 08/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Việc Quốc hội nước ta phê chuẩn EVFTA và EVIPA, cùng với quyết định của Nghị viện châu Âu thông qua hai Hiệp định (tháng 02/2020), đã khẳng định mạnh mẽ mong muốn, lợi ích và quyết tâm của hai bên tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa và tạo những đột phá mới nâng tầm quan hệ Việt Nam-EU sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiệp định EVFTA và EVIPA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU) ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế-thương mại.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa sớm kết thúc, tác động sâu sắc đến kinh tế thế giới và kinh tế của Việt Nam, việc Quốc hội thông qua EVFTA và EVIPA có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: (1) Góp phần hồi phục sự phát triển kinh tế trong nước sau đại dịch; (2) Tiếp tục tạo đà cho việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; (3) Trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Chủ tịch ASEAN năm 2020, Chủ tịch AIPA năm 2020, việc thông qua hai Hiệp định này sẽ góp phần khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong các cam kết quốc tế qua đó nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, EVFTA mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt khi Việt Nam là nền kinh tế có trình độ phát triển thấp nhất so với các nước trong khu vực đã ký Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với EU. Trong khi đó, EU là một trong những thị trường đòi hỏi cao nhất trên thế giới. Để khai thác được tối đa lợi ích của hai Hiệp định nêu trên mang lại, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội các cấp cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về hai Hiệp định trên và thị trường của các nước EU cho cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ cán bộ nhà nước tại các địa phương hiểu rõ và thực hiện đúng cam kết trong các FTA thế hệ mới.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu của hội nhập quốc tế và các cam kết trong các FTA thế hệ mới một cách toàn diện, đồng bộ cả về kinh tế, chính trị. Rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho phù hợp với điều kiện áp dụng hiện hành, đặc biệt chú trọng đến các nội dung phi truyền thống như mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường...

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng ngành hàng, khuyến khích doanh nghiệp liên kết theo chuỗi sản xuất, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh và chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài, tham gia vào dây chuyền sản xuất cung ứng toàn cầu.

Một số kết quả của công tác chăm sóc người có công với cách mạng

1. Kết quả nổi bật

Từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Dịch bệnh Covid-19 đã và đang tác động đến nhiều mặt trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội; đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, trong đó tác động trực tiếp đến công tác chăm sóc người có công với cách mạng. Tuy nhiên, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tương thân tương ái, “Lá lành đùm lá rách”, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công vẫn được duy trì và đạt được kết quả nhất định.

Tổng kinh phí để tặng quà cho đối tượng người có công dịp Tết Nguyên đán 2020 là hơn 358 tỷ đồng, cho 1,75 triệu đối tượng. Các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh và nhiều gia đình chính sách người có công tại các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước với tổng số kinh phí quà tặng khoảng trên 1.670 tỷ đồng.

Thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin, trong 4 tháng đầu năm 2020, đã tiếp nhận 214 trường hợp (gồm 100 mẫu hài cốt liệt sỹ và 114 mẫu thân nhân liệt sỹ).

Bên cạnh những kết quả nổi bật của công tác chăm sóc người có công với cách mạng vẫn tồn tại một số khó khăn, đó là: Việc giải quyết hồ sơ xác nhận người có công không còn lưu giữ giấy tờ gốc là vấn đề phức tạp, cần được tiến hành thận trọng. Phần lớn hồ sơ tồn đọng là các đối tượng hoạt động cách mạng thời chống Pháp, chống Mỹ, thủ tục không đầy đủ, không đủ nhân chứng theo quy định, có những hồ sơ không có thông tin liên quan đến việc hy sinh hoặc bị thương của các đối tượng. Công tác xác định hài cốt liệt sỹ gặp nhiều khó khăn, chất lượng giám định ADN còn hạn chế...

2. Nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới

Một là, hoàn thiện thể chế về ưu đãi người có công với cách mạng nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật về người có công.

Hai là, tập trung rà soát, giải quyết hồ sơ còn tồn đọng sau chiến tranh, phấn đấu đến hết năm 2020 giải quyết căn bản hồ sơ đề nghị xác nhận người có công với cách mạng còn tồn đọng.

Ba là, phát triển hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công đồng bộ, hiện đại phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, khả năng đầu tư của ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội; đảm bảo người có công được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Bốn là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin; phối hợp các bộ, ngành, địa phương triển khai công tác xác định danh tính hài cốt liệt sỹ bằng phương pháp thực chứng và giám định gen.

Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nền kinh tế số ở nước ta hiện nay

Việt Nam hiện được đánh giá là nền kinh tế số đang tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, trong đó, thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những động lực quan trọng. Bên cạnh sự phát triển về TMĐT của các doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp, nổi lên là các nhà cung cấp nền tảng TMĐT, các trang bán hàng trực tuyến. Cùng với đó là sự phát triển lớn mạnh không ngừng của các đơn vị giao nhận hàng hóa; cung cấp dịch vụ mua bán hàng hóa; các hãng vận chuyển; thanh toán trực tuyến, ví điện tử hay trung gian tài chính là các tổ chức tín dụng ngân hàng cùng tham gia bảo lãnh và cung cấp dịch vụ…

Tuy nhiên, trong sự phát triển ấn tượng trên, lĩnh vực TMĐT vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức: Hạ tầng dịch vụ hỗ trợ cho TMĐT như hóa đơn và chứng từ điện tử, thanh toán, logistics hiện đang phát triển ở các mức độ khác nhau, thiếu sự đồng bộ và tính kết nối. Tiền mặt vẫn đang chiếm ưu thế trong các hình thức thanh toán phổ biến được người mua hàng trực tuyến lựa chọn (chiếm tới 88%). Tỷ lệ người dùng thanh toán bằng ví điện tử vẫn còn thấp (chỉ chiếm 17% trong năm 2018)

Để đẩy mạnh phát triển TMĐT, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tiên phong phát triển ứng dụng tiên tiến trên nền tảng công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của thị trường, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá toàn diện lại hạ tầng chính sách, pháp luật về TMĐT; ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn phù hợp với thực tiễn phát triển TMĐT tại Việt Nam; tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về TMĐT.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng logistics, hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, hạ tầng chứng từ điện tử trong thương mại, tích hợp các giải pháp thanh toán đảm bảo để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT.

Thứ ba, xây dựng thị trường TMĐT lành mạnh, có tính cạnh tranh cao nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh ngày càng hiệu quả và tích cực, hạn chế và loại bỏ những doanh nghiệp kinh doanh trá hình làm ảnh hưởng tới quy mô ngành TMĐT; có chế tài xử phạt đối với những trường hợp cung cấp hàng hóa trực tuyến chất lượng thấp, ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ , phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia về hệ thống thông tin quản lý, hệ quản trị cơ sở dữ liệu, mạng và truyền thông, chiến lược TMĐT, Tích cực phổ cập kiến thức về TMĐT cho mọi người dùng, đồng thời tuyên truyền về lợi ích do TMĐT mang lại để từng bước thay đổi tập quán, tâm lý của người tiêu dùng từ chỗ chỉ quen mua sắm trực tiếp tại các siêu thị, các chợ chuyển sang mua sắm qua internet và các phương tiện điện tử khác.

Thứ năm, chủ động hợp tác về TMĐT với các quốc gia và các tổ chức quốc tế thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới và thương mại phi giấy tờ; xây dựng và hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về trao đổi dữ liệu điện tử trong nước hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.575
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.827
Năm 2024 : 505.213