A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin trong nước nổi bật tháng 6/2020

Một số kết quả chủ yếu Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII

Từ ngày 11-14/5/2020, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khoá XII họp Hội nghị lần thứ 12 để thảo luận, cho ý kiến về: Phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XIII của Đảng; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng năm 2019 và một số vấn đề quan trọng khác. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì, phát biểu khai mạc và bế mạc Hội nghị.

(1) Về phương hướng công tác nhân sự BCH Trung ương khóa XIII:

BCH Trung ương đã thảo luận kỹ lưỡng, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc và thống nhất cao với Báo cáo của Bộ Chính trị trình Hội nghị. Cụ thể là:

Về yêu cầu xây dựng BCH Trung ương khóa XIII, Trung ương nhấn mạnh: Là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội, BCH Trung ương khóa XIII phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội...

Về việc xác định tiêu chuẩn Ủy viên BCH Trung ương khoá XIII phải căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ được nêu trong các quy định của Đảng. Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải là những đồng chí thật sự tiêu biểu, mẫu mực của BCH Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý, ý thức tổ chức kỷ luật; có tầm nhìn và tư duy chiến lược, có khả năng phân tích, dự báo, tổng hợp, đề xuất những vấn đề mới một cách đúng đắn...

Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn, BCH Trung ương khoá XIII cần có số lượng và cơ cấu hợp lý để bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, có tính kế thừa, ổn định, đổi mới và phát triển. Tăng cường số lượng Ủy viên Trung ương ở các vị trí, địa bàn, lĩnh vực công tác trọng yếu; chú ý tăng tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc ít người. Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII cần có 3 độ tuổi (dưới 50; 50-60 và từ 61 tuổi trở lên). Trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình BCH Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.

(2) Về phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

BCH Trung ương nhấn mạnh: Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp lần này tiếp tục được tổ chức vào cùng một ngày trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới toàn diện và đồng bộ, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật về tổ chức bộ máy nhà nước mới được ban hành…

Trên cơ sở tổng kết, đúc rút kinh nghiệm việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các khóa gần đây và ý kiến đóng góp của Trung ương, nhất là về những hạn chế, khuyết điểm, cần có những điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử đại biểu Quốc hội do Trung ương giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người tự ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Căn cứ vào Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần này, Bộ Chính trị sẽ ban hành Chỉ thị; chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội khẩn trương hoàn chỉnh Đề án trình Quốc hội xem xét, quyết định để tổ chức thực hiện, bảo đảm chuẩn bị và tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

(3) Về việc phân bổ đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Với kinh nghiệm thực tiễn tổ chức đại hội đảng ở các cấp, các đồng chí Ủy viên Trung ương đã đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, xác đáng. Trung ương nhất trí cao với những nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đại biểu đối với các đảng bộ trực thuộc Trung ương và giao Bộ Chính trị quyết định cụ thể việc phân bổ đại biểu. Các đảng bộ trực thuộc cần thực hiện nghiêm túc các quyết định của Trung ương, lựa chọn các đại biểu thực sự xứng đáng, tiêu biểu, đại diện cho đảng bộ của mình dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

(4) Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019

BCH Trung ương tán thành Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; đánh giá cao công tác chuẩn bị, quá trình tiến hành và kết quả kiểm điểm; cho rằng việc kiểm điểm đã được tiến hành nghiêm túc, cầu thị, đúng nguyên tắc. Trung ương khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo đoàn kết, thống nhất cao về chính trị, tư tưởng; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia...

BCH Trung ương đánh giá cao Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã luôn bám sát các quan điểm, đường lối nêu trong Cương lĩnh, Chiến lược, Nghị quyết Đại hội toàn quốc của Đảng và tình hình thực tiễn để kịp thời có những chủ trương, quyết sách đúng đắn, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực về đối nội và đối ngoại. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo; hoan nghênh việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thẳng thắn nhận khuyết điểm trước Trung ương về những việc còn chưa làm được.

BCH Trung ương yêu cầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng của Trung ương để có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của năm 2020 và những năm sắp tới.

(5) Về công tác nhân sự

Thực hiện Kế hoạch số 11-KH/TW, ngày 06/11/2018 của Bộ Chính trị, BCH Trung ương đã tiến hành ghi phiếu giới thiệu nhân sự quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư khoá XIII theo đúng quy định của Đảng. BCH Trung ương đã bầu bổ sung 02 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII. Cũng tại Hội nghị này, BCH Trung ương đã xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với đồng chí Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

BCH Trung ương Đảng kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ và an ninh quốc gia, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho năm 2020 và cả nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng; tổ chức thực hiện thành công đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Một số nhiệm vụ, giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở nước ta diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường. Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2020, thiên tai còn diễn biến phức tạp với khoảng 11-13 cơn bão xuất hiện trên Biển Đông, trong đó có 05-06 cơn bão trực tiếp ảnh hưởng đến đất liền. Bên cạnh đó, hạn hán, mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất… vẫn là nguy cơ đối với nhiều vùng, nhất là nguy cơ mưa, lũ đặc biệt lớn có thể xảy ra sau các đợt khô hạn kéo dài tương tự như các năm 2006, 2010 và 2016.

Ngày 24/3/2020, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với các tình huống thiên tai, giảm thiểu thiệt hại, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội cần quán triệt và thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm Bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) gắn với xây dựng cộng đồng an toàn.

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột, bổ sung các quy định mới bảo đảm sự thống nhất, phù hợp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ ba, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy. Chú trọng ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu cơ bản về thiên tai, hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa và hiện đại. Tăng cường rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông xuyên biên giới.

Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Đa dạng hóa việc huy động nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn lực theo phân cấp, đúng thẩm quyền. Kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và ODA để thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình tổng thể, dự án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Thứ năm, nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước trên cơ sở củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai từ Trung ương đến cơ sở. Kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác này theo hướng tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo.

Thứ sáu, phát triển khoa học công nghệ và thúc đẩy hợp tác quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Thúc đẩy hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nhất là với các nước thượng nguồn sông Hồng, sông Mê Công và các quốc gia trong khu vực. Nâng cao hiệu quả về hỗ trợ quốc tế, thực thi có hiệu quả các cam kết quốc tế về phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai mà Việt Nam tham gia.

Thứ bảy, phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân phát huy vai trò tập hợp lực lượng, đặc biệt là lực lượng xung kích tại cơ sở; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giáo dục cập nhật kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức, năng lực, tính chủ động cho đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 17
Hôm qua : 1.708
Tháng 07 : 17
Năm 2024 : 505.363