A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin, hoạt động trong nước nổi bật số tháng 10

Kế thừa những giá trị của Cách mạng Tháng Mười Nga, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững

Ngày 25/10/1917 theo lịch cũ nước Nga (tức ngày 07/11/1917), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Nga, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga đã làm nên cuộc Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, những tinh hoa, giá trị thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga vẫn tỏa sáng, là nguồn động lực lớn thôi thúc và khơi dậy tinh thần cách mạng của nhân dân tiến bộ toàn thế giới, trong đó có nhân dân Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam trên con đường đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đánh giá về vai trò, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”; “Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười Nga đã dạy cho giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới nhiều bài học hết sức quý báu, bảo đảm cho sự nghiệp giải phóng triệt để của giai cấp công nhân và của cả loài người”.

Từ thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Lãnh tụ Hồ Chí Minh, sự nghiệp cách mạng Việt Nam 90 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử. Nhân dân ta kiên định sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; Xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng và hướng tới là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt tới mục tiêu cao cả đó, tất yếu phải trải qua nhiều chặng đường khó khăn, gian khổ với những bước đi, hình thức phù hợp trong suốt thời kỳ quá độ. Trước mắt cần thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, không ngừng học tập, nâng cao nhận thức và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ ba, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược, cơ cấu lại tổng thể và đồng bộ nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới.

Thứ tư, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Mở rộng và đưa vào chiều sâu các quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.

Thứ năm, chú trọng phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh và nâng cao phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ sáu, phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

Một số tác động của thiên tai, dịch bệnh đến tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta từ đầu năm đến nay

Tác động đối với nông nghiệp:

Tác động rõ nét nhất của dịch Covid-19 đến nông nghiệp là làm suy giảm sản xuất, đứt đoạn các chuỗi cung ứng nông nghiệp. Ở trong nước do nhu cầu tiêu dùng giảm, nhiều loại nông sản tồn đọng, thậm chí phải hủy bỏ (rau, hoa); giá nhiều mặt hàng giảm mạnh, nhất là các mặt hàng tươi sống như rau, hoa, quả, thủy sản. Do khó khăn trong lưu thông, phân phối, nên có tình trạng gia tăng khoảng cách giữa giá bán của nông dân và giá mua của người tiêu dùng. Riêng đối với mặt hàng lúa gạo, do nhu cầu nhập khẩu của các nước tăng, nên giá gạo trên thị trường thế giới tăng, kéo giá lúa gạo trong nước tăng theo.

Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản trong 8 tháng đầu năm 2020 đều giảm so với cùng kỳ năm 2019: Rau quả đạt 2,3 tỷ USD, giảm 11,3%; hạt điều đạt 02 tỷ USD, giảm 5,4% (lượng tăng 9%); cà phê đạt 02 tỷ USD, giảm 1,3% (lượng giảm 1,3%); cao su đạt 1,2 tỷ USD, giảm 12,7% (lượng giảm 5,9%); hạt tiêu đạt 445 triệu USD, giảm 20% (lượng giảm 7,4%); chè đạt 134 triệu USD, giảm 6,2% (lượng tăng 3,5%). Riêng sản phẩm gạo đạt 2,2 tỷ USD, tăng 10,4% (lượng giảm 1,7%).

Nhập khẩu cây, con giống từ Trung Quốc, Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác gặp khó khăn, giao dịch mua bán phân bón trên thị trường trong nước chậm, giá cả có nhiều biến động.

Tác động đối với nông thôn, việc làm và thu nhập của dân cư nông thôn:

Dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh phi nông nghiệp ở nông thôn. Các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có liên quan tới đô thị và xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều hơn chủ yếu do suy giảm thị trường tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp tồn kho tăng, khách hàng nhận hàng và thanh toán chậm hoặc hủy hợp đồng, không có hợp đồng mới nên phải giảm hoạt động, cho công nhân giảm giờ làm, nghỉ việc.

Trong xây dựng Nông thôn mới, các chương trình, dự án khó triển khai vì nguồn nhân lực của các cấp, các ngành tập trung vào công tác phòng chống dịch; thực hiện giãn cách xã hội, các dịch vụ cung ứng bị hạn chế; đóng góp của nông dân hạn chế hơn. Nhiều chỉ tiêu xây dựng Nông thôn mới sẽ khó đạt, như về tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm…

Từ đầu năm 2020 đến nay do dịch Covid-19 nên các hoạt động sản xuất kinh doanh lĩnh vực ngành nghề, làng nghề nông thôn bị tác động lớn, ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người dân nông thôn. Dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên vật liệu; các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch làng nghề, giới thiệu sản phẩm và xuất khẩu các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị tạm dừng hoặc hủy bỏ hợp đồng gây thiệt hại lớn cho sản xuất. Người lao động trong các cơ sở sản xuất thiếu việc làm và không có việc làm, mức thu nhập bình quân của người lao động giảm mạnh.

Theo Tổng cục Thống kê năm 2018, thu nhập bình quân đầu người nông thôn là 35,9 triệu đồng/năm, trong đó 22,7% từ nông nghiệp, còn lại 77,3% từ các hoạt động khác với 44,6% từ tiền lương, tiền công. Khi dịch Covid-19 xảy ra, giá nhiều loại nông sản giảm, khó tiêu thụ làm giảm thu nhập của các hộ làm nông nghiệp sản xuất nông sản hàng hóa như: Rau, hoa, trái cây, gia cầm, thủy sản. Các hộ thuần nông sản xuất tự cung, tự cấp ít bị ảnh hưởng. Đối với các hộ có làm công nghiệp và dịch vụ, hộ có lao động làm thuê, ảnh hưởng nặng nề hơn, thu nhập giảm mạnh.

Theo các chuyên gia, dịch Covid-19 có thể còn kéo dài sang năm 2021. Tăng trưởng, phát triển kinh tế của nước ta tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề, xuất khẩu suy giảm, nhất là với các thị trường chính như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ, EU và Nga,… tiêu dùng trong nước giảm, tiêu thụ nông sản sẽ còn gặp khó khăn, sản xuất nông nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, phục hồi chậm, ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, đời sống người dân nông thôn.

Để đạt được mục tiêu phát triển về sản xuất nông nghiệp đề ra của năm 2020, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; tiếp tục đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị dựa trên ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Thứ hai, tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, các rào cản, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ nông, lâm, thủy sản.

Thứ ba, phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, nhằm nâng cao thu nhập, đời sống của người dân nông thôn.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.577
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.829
Năm 2024 : 505.215