A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin, hoạt động trong nước nổi bật số tháng 02/2021

Kết quả Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng họp từ ngày 25/01/2021 đến ngày 01/02/2021, tại Thủ đô Hà Nội, trong đó họp phiên trù bị ngày 25/01/2021, khai mạc chính thức ngày 26/01/2021 với sự tham gia của 1.587 đại biểu, đại diện cho hơn 5,1 triệu đảng viên cả nước. Đây là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng ta, đất nước ta và dân tộc ta, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới. Với phương châm: “Đoàn kết-Dân chủ-Kỷ cương-Sáng tạo-Phát triển” và chủ đề: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, Đại hội có nhiệm vụ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 2011-2020, 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 05 năm 2021-2025; xác định chiến lược phát triển KT-XH năm 2021-2030 và tầm nhìn phát triển đất nước tới năm 2045; tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng; kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng khóa XII và bầu BCH Trung ương Đảng khóa XIII.

Tại Đại hội, BCH Trung ương Đảng khóa XII đã trình bày các văn kiện gồm: Báo cáo Chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020; xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030; Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 05 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 05 năm 2021-2025; Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của BCH Trung ương Đảng khóa XII; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của BCH Trung ương Đảng khóa XII.

Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm cao, tại Đại hội, các đại biểu đã dành nhiều thời gian nghiên cứu kỹ các văn kiện và sôi nổi thảo luận với 788 lượt đồng chí phát biểu tại Đoàn; 36 đồng chí phát biểu tại Hội trường.

Đại hội đã thông qua danh sách bầu Ủy viên Trung ương chính thức gồm 203 đồng chí và biểu quyết bầu lấy 180 đồng chí (bằng số lượng Ủy viên Trung ương chính thức khóa XII). Thông qua danh sách bầu Ủy viên Trung ương dự khuyết 23 đồng chí và biểu quyết lấy 20 đồng chí (bằng số lượng Ủy viên Trung ương dự khuyết khóa XII).

Đại hội đã tiến hành bầu cử đúng Quy chế, bầu một lần đủ 180 đồng chí Ủy viên chính thức BCH Trung ương Đảng và 20 đồng chí Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng khóa XIII. BCH Trung ương Đảng khóa XIII đã họp Hội nghị lần thứ nhất để bầu các cơ quan lãnh đạo của Đảng, kết quả: Bộ Chính trị khóa XIII có 18 đồng chí, trong đó có 08 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII tái cử và 10 đồng chí lần đầu tham gia. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng khóa XII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được BCH Trung ương Đảng bầu tiếp tục làm Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng khóa XIII.

Ban Bí thư Trung ương khóa XIII gồm một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị được Bộ Chính trị phân công tham gia Ban Bí thư và 05 đồng chí được bầu tại Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương khóa XIII. Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII gồm 19 đồng chí; đồng chí Trần Cẩm Tú được bầu tiếp tục làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.

Đại hội kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giá trị văn hóa, khát vọng phát triển đất nước, sức mạnh con người Việt Nam, vai trò của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững hơn, lập nên kỳ tích phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc ta.

Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 ngay trong những ngày đầu năm

Năm 2021 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và là năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 10 năm 2021-2030, Kế hoạch phát triển KT-XH 05 năm 2021-2025 và các kế hoạch 05 năm trên các lĩnh vực theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội. Dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc. Ở trong nước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi và kế thừa những thành tựu quan trọng của 35 năm đổi mới, đất nước phải chịu tác động tiêu cực của nhiều yếu tố, như: Dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, yêu cầu bảo đảm an sinh xã hội và củng cố vững chắc quốc phòng-an ninh ngày càng cao trong khi nguồn lực còn hạn chế... đòi hỏi chúng ta tuyệt đối không chủ quan mà cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn, biến thách thức thành cơ hội, nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao, thực hiện thành công toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2021, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển nhanh và bền vững, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế theo các nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Trên cơ sở các thành tựu KT-XH đạt được năm 2020, ngày 01/01/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 (viết tắt là Nghị quyết số 01/NQ-CP). Chính phủ xác định phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 08 trọng tâm chỉ đạo điều hành; đồng thời đề ra 11 nhiệm vụ, giải pháp để các cấp, các ngành, địa phương thực hiện.

Để góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH năm 2021, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, tập trung tuyên truyền, thông tin đầy đủ những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 01/NQ-CP đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, trong đó nhấn mạnh phương châm hành động của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” với 08 trọng tâm chỉ đạo điều hành và 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Chính phủ đã đề ra để vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KT-XH 05 năm giai đoạn 2021-2025.

Hai là, tuyên truyền sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực vượt khó của các ngành, các địa phương trong việc tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH, quốc phòng-an ninh, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh trong năm 2020, nhất là thực hiện có hiệu quả “Mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái “Bình thường mới”.

Ba là, các cơ quan thông tấn, báo chí từ Trung ương đến địa phương tăng cường mở các chuyên trang, chuyên mục, đăng tải các bài viết phản ánh kịp thời không khí thi đua tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, qua đó cổ vũ tinh thần của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo động lực, quyết tâm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu đề ra.

Bốn là, đẩy mạnh việc thông tin, truyền thông, kịp thời phản ánh, lan tỏa các nhân tố tích cực, góp phần củng cố niềm tin, tạo đồng thuận trong toàn xã hội. Tuyên truyền nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH đề ra.

Kết quả thực hiện tiến trình chuyển đổi số quốc gia và một số giải pháp trong thời gian tới

Xác định chuyển đổi số quốc gia là xu thế không thể khác trong yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập toàn cầu, là khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế của đất nước ta, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo mạnh mẽ việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số, xã hội số, “Năm 2020 là năm chuyển đổi số quốc gia, là năm khởi động tiến trình hướng tới một “Việt Nam số”. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực triển khai và đạt được những kết quả quan trọng trên các mặt sau: (1) Đã xây dựng, phát triển một số hệ thống thông tin nền tảng quan trọng phục vụ phát triển Chính phủ điện tử, đổi mới lề lối làm việc của các cơ quan nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số. Việc xây dựng hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng thông tin... bước đầu được thiết lập. Đây là cơ sở cho việc xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực. (2) Công nghệ thông tin được ứng dụng mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa quản trị công, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số. Việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử này giúp hạn chế tiếp xúc với cán bộ thi hành công vụ, góp phần giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Tuy nhiên, bên cạnh các cơ hội trên, việc thực hiện chuyển đổi số quốc gia cũng đặt ra các thách thức cho Việt Nam như: (1) Thách thức trong tư duy và nhận thức của mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, Chính phủ; (2) Nền tảng để thực hiện chuyển đổi số bao gồm: Hạ tầng thiết bị và truyền thông, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng, hạ tầng nghiên cứu và phát triển… Một trong các hạ tầng quan trọng là cơ sở dữ liệu thiết yếu của các bộ, ngành và địa phương; (3) Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý phù hợp với thời đại số và môi trường mạng an toàn; (4) Đào tạo nhân lực, gồm đào tạo lực lượng chuyên nghiệp về công nghệ số và kỹ năng số cho người lao động.

Để khắc phục những hạn chế của quá trình chuyển đổi số quốc gia ở nước ta, cần triển khai thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nền tảng góp phần đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, xây dựng công dân điện tử, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, nhất là các quy định về hoạt động kinh doanh; thực hiện tái cấu trúc quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc quy trình, chuyển đổi số...

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện các hệ thống nền tảng phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu số, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thứ tư, các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ để tiếp tục thực hiện tốt “Mục tiêu kép” là vừa phát triển kinh tế số, xã hội số, vừa phát triển để hình thành các doanh nghiệp có năng lực đi ra toàn cầu, cạnh tranh được với các doanh nghiệp trên thế giới...

Để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về Chương trình chuyển đổi số quốc gia, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về quá trình chuyển đổi số quốc gia để các cấp, các ngành và người dân hiểu, đồng thuận với những giải pháp mà Chính phủ đã, đang và sẽ triển khai trong thời gian tới nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong việc tiếp cận các dịch vụ.

Hai là, tuyên truyền để người dân yên tâm, tin tưởng khi Chương trình chuyển đổi số được triển khai, sẽ góp phần giảm áp lực về TTHC cho các cơ quan, doanh nghiệp, người dân.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, cơ quan hành chính, doanh nghiệp, cộng đồng về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số quốc gia. Thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu, sáng tạo, và thử nghiệm công nghệ số trong các lĩnh vực. Bảo đảm an toàn, an ninh, bảo mật thông tin trên môi trường mạng.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.590
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.842
Năm 2024 : 505.228