A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin, hoạt động trong nước nổi bật số tháng 5/2021

Một số kết qủa đạt được sau 10 năm thực hiện cải cách hành chính ở Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) giai đoạn 2011-2020, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP, ngày 08/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011-2020, CCHC đạt được nhiều kết qủa quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế của đất nước.

1. Về cải cách thủ tục hành chính

Tính từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đến tháng 11/2020, đã cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 thủ tục hành chính (TTHC), 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm. Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch tại các địa phương đã tiến hành cấp số định danh cá nhân cho hơn 1,39 triệu trường hợp đăng ký khai sinh; từ năm 2012 đến nay, Bộ Công an đã cấp được 15 triệu thẻ Căn cước công dân.

Cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông, trung tâm phục vụ hành chính công và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh, cấp huyện đã được triển khai ở các địa phương với nhiều đổi mới về phương thức hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tạo sự chuyển biến rõ nét trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

2. Về tổ chức và bộ máy

Đến nay, tại các bộ, cơ quan ngang bộ (không tính Bộ Quốc phòng và Bộ Công an), giảm 12 vụ và tương đương. Tại các tỉnh, thành phố, giảm 05 tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh; giảm 973 tổ chức cấp phòng; 127 tổ chức cấp chi cục; 1.179 tổ chức cấp phòng thuộc chi cục; ở cấp huyện giảm 294 tổ chức cấp cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.

Bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương đã được phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý; cơ bản đảm bảo tinh gọn; hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng cao, gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương được tăng cường.

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam được đánh giá thăng hạng cả ở chỉ số Môi trường kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia 4.0.

Chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2021-2030 đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thông qua nêu rõ 03 đột phá chiến lược, trong đó có: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, nhất là quản lý phát triển và quản lý xã hội. Xây dựng bộ máy Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền bảo đảm quản lý thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các cấp, các ngành…”.  Với nhận thức về tính cấp thiết đó, CCHC giai đoạn 2021-2030 cần tiếp tục triển khai, quán triệt thực hiện các nội dung cơ bản sau: (1) Tiếp tục đẩy mạnh CCHC nhằm xây dựng nền hành chính dân chủ, hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình; (2) Nâng cao vai trò chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của các tổ chức chính trị, xã hội, người dân, doanh nghiệp đối với công tác CCHC; (3) Cải cách, đơn giản hóa các TTHC, nhất là thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp; tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, bãi bỏ các TTHC đang gây trở ngại cho phát triển sản xuất, kinh doanh; (4) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động để tinh gọn đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải và trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập; (5) Hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý và xây dựng cơ sở dữ liệu nền tảng phục vụ cho việc triển khai phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Tăng cường đầu tư tái cấu trúc hạ tầng công nghệ thông tin các bộ, ngành, địa phương.

Để chương trình cải cách hành chính ở nước ta đạt được các mục tiêu đề ra, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Thứ nhất, tuyên truyền những kết quả đạt được về cải cách hành chính của nước ta trong thời gian qua, trong đó nhấn mạnh những tiến bộ vượt bậc trong cải cách thủ tục hành chính, nổi bật là việc tinh gọn tổ chức và bộ máy từ Trung ương đến cơ sở… nhằm hướng đến một nền hành chính vì dân phục vụ.

Thứ hai, phổ biến, tuyên truyền việc triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo lộ trình của Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm chi phí và thời gian cho người dân.

Thứ ba, tuyên truyền, hướng dẫn để cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức, hiểu biết và hướng tới sử dụng thành thạo một số tiện ích phổ biến trong giao dịch với các cơ quan nhà nước, nhất là các dịch vụ công để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân và thực hiện quyền lợi của người dân.

Công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thời gian gần đây; một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

1. Một số kết qủa nổi bật

- Thứ nhất, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới và sẵn sàng chiến đấu

Trong năm 2020, Bộ đội Biên phòng đã kịp thời nắm chắc tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên các tuyến biên giới, phục vụ hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước; phối hợp với các lực lượng xử lý kịp thời, hiệu qủa các tình huống, nhất là trên Biển Đông, vùng biển Tây Nam. Duy trì thực hiện nghiêm hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước; phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương giám sát, xử lý, giải quyết đối với hoạt động vi phạm của các nước láng giềng khi xây dựng các công trình trên biên giới…

- Thứ hai, tích cực, quyết liệt triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và quản lý chặt chẽ cửa khẩu

Với tinh thần Chống dịch như chống giặc” và phương châm “4 tại chỗ”, toàn lực lượng Bộ đội Biên phòng đã thực hiện thắng lợi Nhiệm vụ kép” vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa tham gia tích cực, hiệu quả phòng, chống dịch; huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tổ chức ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan qua biên giới vào Việt Nam.

- Thứ ba, tích cực, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm; sáng tạo thực hiện tốt công tác đối ngoại Biên phòng

Lực lượng trinh sát đã thu thập, nghiên cứu, đánh giá, dự báo sớm tình hình; triển khai 95 kế hoạch nghiệp vụ đấu tranh với hoạt động của các đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia; phối hợp đấu tranh với 09 vụ/16 đối tượng liên quan đến tổ chức phản động lưu vong, 01 vụ/52 đối tượng phản động lợi dụng dân tộc Mông. Tăng cường gặp gỡ trên biên giới (bằng hình thức gặp hẹp) với các lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới tương ứng của Trung Quốc, Lào và Campuchia để phối hợp quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh chống tội phạm, kiểm soát cửa khẩu, phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Kết hợp trao đổi tình hình và ủng hộ, trao tặng vật tư phòng dịch, khắc phục hậu qủa lũ lụt…

- Thứ tư, công tác xây dựng lực lượng và tham gia xây dựng khu vực biên giới vững mạnh

Các cơ quan chức năng của Bộ đội Biên phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo thành công đại hội Đảng các cấp trong Bộ đội Biên phòng và Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ đội Biên phòng lần thứ XV nhiệm kỳ 2020-2025. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình, phong trào, cuộc vận động phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững, xây dựng “Thế trận lòng dân” vững chắc trên khu vực biên giới.

2. Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Trong những năm tới, môi trường chính trị, an ninh thế giới, khu vực tiếp tục dự báo có những diễn biến phức tạp. Vì vậy, công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: (1) Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; (2) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao về tư tưởng, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị trong bảo vệ biên giới quốc gia; (3) Tập trung xây dựng, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới; (4) Đẩy mạnh phát triển KT-XH, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; (5) Xây dựng lực luợng toàn dân bảo vệ biên giới rộng khắp; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách; (6) Tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và đối ngoại nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia; (7) Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Để góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, thông tin, tuyên truyền những kết quả nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia thời gian qua, trong đó nhấn mạnh những kết quả đạt được trong công tác phân giới, cắm mốc, việc thực hiện thắng lợi Nhiệm vụ kép” vừa quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, vừa tham gia tích cực, hiệu qủa phòng, chống dịch và chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm; sáng tạo thực hiện tốt công tác đối ngoại Biên phòng.

Hai là, phổ biến, tuyên truyền những nhiệm vụ, giải pháp của lực lượng Bộ đội Biên phòng cần thực hiện tốt trong thời gian tới, góp phần quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên các tuyến biên giới.

Ba là, tuyên truyền hoạt động đối ngoại quốc phòng giữa Việt Nam với các nước; đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch, luận điệu chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị xung quanh vấn đề chủ quyền, biên giới lãnh thổ quốc gia của Việt Nam.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.575
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.827
Năm 2024 : 505.213