A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin, hoạt động trong nước nổi bật số tháng 7/2021

Tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công với cách mạng

Chính sách đối với người có công (NCC) với cách mạng là một trong những chính sách xã hội cơ bản và đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, góp phần to lớn vào việc ổn định và phát triển xã hội. Thực hiện chính sách đối với NCC chính là thực hiện đạo lý, truyền thống cao quý của dân tộc “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”…

Trong nhiều năm qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng với sự tham gia tích cực, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện chính sách ưu đãi NCC và thân nhân NCC ngày càng đi vào chiều sâu và đạt những kết quả quan trọng. Đặc biệt, trong năm 2020, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng chính sách ưu đãi NCC với cách mạng vẫn được thực hiện đầy đủ, cụ thể là: 

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã rà soát, tổng hợp tình hình giải quyết tồn đọng hồ sơ đề nghị xác nhận NCC tại các địa phương; ban hành Kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ. Tiếp tục thực hiện Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; tổ chức gắn bia ghi tên trên mộ liệt sĩ và báo tin tới thân nhân liệt sĩ; phối hợp với Bộ Xây dựng hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng có khó khăn về nhà ở.  

Bên cạnh đó, các hoạt động huy động nguồn lực của xã hội, cộng đồng chăm lo đời sống NCC với cách mạng; phong trào nhận phụng dưỡng các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được tiếp tục đẩy mạnh, góp phần tích cực chăm lo đời sống của các đối tượng và gia đình có công với cách mạng. Tính đến tháng 7/2020, cả nước có 4.952/138.337 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được các đơn vị nhận phụng dưỡng. Các hoạt động điều dưỡng, thăm hỏi, tiếp đón NCC ở các tỉnh, thành phố được thực hiện chu đáo. Ngân sách Nhà nước đã hỗ trợ trên 500 tỷ đồng để tu sửa, nâng cấp mộ liệt sĩ, các công trình nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm đảm bảo khang trang. Đến cuối năm 2020, có 99,7% hộ gia đình NCC có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99,5% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, NCC. Đặc biệt, trong năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn các địa phương tặng quà Tết của Chủ tịch nước cho 1,7 triệu đối tượng NCC với cách mạng nhân dịp tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 với tổng kinh phí hơn 358 tỷ đồng; tặng quà nhân dịp ngày 27/7 với kinh phí hơn 330 tỷ đồng...

Để thực hiện tốt hơn nữa chính sách NCC với cách mạng, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, thông tin, tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với NCC; những cống hiến to lớn, ý nghĩa của NCC đối với cách mạng của dân tộc và địa phương, trong đó chú trọng quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc nắm vững nội dung, yêu cầu, thực hiện hướng dẫn cụ thể, kịp thời về các chính sách đối với NCC cho thân nhân NCC.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức sâu sắc về mục đích, giá trị to lớn, ý nghĩa nhân văn của việc thực hiện tốt chính sách đối với NCC với cách mạng ở nước ta.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình, hoạt động tri ân tình nghĩa, thiết thực; tăng cường hơn nữa sự quan tâm, giúp đỡ về vật chất, động viên về tinh thần đối với các gia đình chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn, các gia đình thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và NCC với cách mạng để ổn định đời sống, phát triển sản xuất kinh doanh. 

Thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp và để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác phòng, chống dịch, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, chăm lo đời sống nhân dân, ngày 11/6/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, Bộ Chính trị yêu cầu Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, ban, bộ, ngành và các tỉnh, thành phố thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thoả mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, đang xuất hiện các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

2. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm triệt để tiết kiệm chi ngân sách, nhất là chi thường xuyên để bảo đảm đầy đủ nguồn lực cho phòng, chống dịch. Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp chặt chẽ với Đảng đoàn Quốc hội tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, để hỗ trợ, duy trì, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; không để gián đoạn sản xuất. Nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vắc xin với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh, như: Phú Quốc, Kiên Giang.

Đẩy mạnh các giải pháp tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch tại các địa phương, nhất là các địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo kiểm soát tốt dịch bệnh trong chăn nuôi, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hiện tượng đầu cơ, tăng giá bất thường.

Khẩn trương có kế hoạch dạy, học và thi phù hợp cho từng cấp học tại từng địa phương; tiếp tục phát huy các cơ chế, chính sách, các giải pháp, các việc làm tình nghĩa để hỗ trợ có hiệu quả, thiết thực hơn đối với công nhân, người lao động, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

3. Tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hoá, phát triển “Quỹ vắc xin” phòng, chống Covid-19, xem xét cho phép tổ chức, cá nhân đủ điều kiện theo quy định của Nhà nước tham gia vào lĩnh vực mua, cung cấp vắc xin ngừa Covid-19. Đẩy nhanh việc mua và tổ chức tốt việc tiêm vắc xin cho người dân, trong đó, tập trung cho các đối tượng ở tuyến đầu phòng, chống dịch, vùng có nguy cơ cao, người lao động trực tiếp sản xuất ở các khu công nghiệp; nghiên cứu, xem xét việc tiêm vắc xin cho trẻ em.

Sớm xây dựng, công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắc xin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng với lộ trình thời gian cụ thể. Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, tiếp cận bình đẳng trong cung cấp vắc xin, nhất là với đối tác, bạn bè truyền thống có tiềm lực về nghiên cứu ứng dụng y khoa trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp vắc xin.

4. Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, đưa người về nước, có giải pháp đồng bộ, hữu hiệu về kiểm soát các tuyến biên giới, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép. Rà soát, hoàn thiện các quy định, quy trình, hướng dẫn để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả phòng, chống dịch.

5. Tiếp tục động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, những cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch; tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới; nhất là lợi ích của việc tiêm vắc xin, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo đời sống và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân.

Các tỉnh ủy, thành ủy, ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng và lãnh đạo các ngành, các cấp phải gương mẫu đi đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về các hoạt động phòng, chống dịch tại địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách.

Để công tác quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế-xã hội đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần tập trung một số nội dung sau:

Một là, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền các quan điểm chỉ đạo và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, nhấn mạnh tinh thần “Chống dịch như chống giặc”; tổng tiến công toàn lực, thần tốc để chặn đứng, đẩy lùi sự lây lan của dịch bệnh Covid-19. Từ đó, tạo sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với các hoạt động phòng, chống dịch.

Hai là, thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu tầm quan trọng của vắc xin trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong cuộc chiến với dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Kêu gọi mọi người tích cực tham gia ủng hộ Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19.

Ba là, tiếp tục thông tin, tuyên truyền để người dân thực hiện tốt phương châm “vắc xin + 5K” nhằm bảo đảm an toàn cho cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Đặc biệt, trong công tác thông tin, tuyên truyền nhất thiết phải nhấn mạnh sự cần thiết, tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin trong tình hình hiện nay và nỗ lực của ngành Y tế nhằm đảm bảo an toàn cho mọi người dân khi tham gia chương trình tiêm chủng. Qua đó, tạo sự an tâm, tin tưởng khi người dân tiêm vắc xin phòng Covid-19.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.435
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.687
Năm 2024 : 505.073