A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đảng bộ tỉnh Hà Giang lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022, định hướng năm 2023

ĐẶNG QUỐC KHÁNH

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV,  đơn vị tỉnh Hà Giang

 

CTTBTG - Năm 2022 là năm thứ hai tỉnh Hà Giang thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm (giai đoạn 2021 - 2025) trong bối cảnh đối mặt với rất nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp; tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh không thuận lợi, gây nhiều thiệt hại đến sản xuất; giá xăng, dầu và nguyên vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực và đời sống nhân dân... Tuy nhiên, dưới sự lãnh, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm, kịp thời của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đã khắc phục khó khăn tạo được sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất cao trong toàn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Cấp ủy, chính quyền các cấp  chủ động đề ra các giải pháp chỉ đạo kịp thời, ban hành các nghị quyết, chỉ thị, lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị tổ chức thực hiện hiệu quả, tỉnh ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu và thắng lợi mới.

 

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh thăm hỏi, động viên bà Đỗ Thị Châm, hộ nghèo xã Tân Quang (Bắc Quang) được hỗ trợ xây dựng nhà ở.                                                                                                                                                                                                                                                                            Ảnh: DUY TUẤN

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh thăm hỏi, động viên bà Đỗ Thị Châm, hộ nghèo xã Tân Quang (Bắc Quang) được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ảnh: DUY TUẤN

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt, đồng bộ. Năm 2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành 5 nghị quyết, 12 chương trình, 11 đề án nhằm tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và tập trung “3 đột phá”, “5 nhiệm vụ trọng tâm” Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, với mục tiêu, nhiệm vụ, lộ trình và giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh; tạo sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị. Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, định hướng các chủ trương đường lối, chính sách của Đảng đến tận người dân và sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng bài bản, kỹ lưỡng có chiều sâu nên đã làm tốt công tác chính trị tư tưởng trong toàn Đảng bộ và nhân dân. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên từng bước được nâng lên; công tác kiện toàn cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn hiệu lực, hiệu quả được quan tâm chú trọng và có nhiều đổi mới. Cấp ủy và Ủy ban kiểm tra các cấp triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch kiểm tra, giám sát; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề, chú trọng kiểm tra dấu hiệu vi phạm ở những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội và xử lý nghiêm các sai phạm. Công tác dân vận được tăng cường đổi mới, bám sát cơ sở gắn với các nhiệm vụ thực tiễn, nắm bắt tốt tâm tư, nguyện vọng của người dân; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thuận, tích cực tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình của tỉnh, các dự án đầu tư trên địa bàn, các phong trào thi đua yêu nước của các cấp,  ngành.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh trao quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Mèo Vạc.         Ảnh: TRÂM ANH

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh trao quà cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Ảnh: TRÂM ANH

Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, kịp thời, thống nhất, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 gắn với phục hồi phát triển KT-XH và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kết quả năm 2022, 29/36 chỉ tiêu phát triển KT-XH đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn tỉnh tăng 7,8%; tiềm năng về du lịch tiếp tục được phát huy, khai thác có hiệu quả, bền vững, đến nay đã thu hút trên 2,2 triệu lượt khách đến với Hà Giang, tăng 142,3%; nông nghiệp được mùa, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,04%; sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, có mức tăng khá, công nghiệp - xây dựng tăng 15,25%; dịch vụ tăng 5,97%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 132,7% dự toán Trung ương giao; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 34,3 triệu đồng/người, tăng 12,2%; xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh tiếp tục được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu làm đổi thay bộ mặt đô thị và nông thôn toàn tỉnh. Sản xuất công nghiệp tiếp tục có bước phát triển quan trọng, đã thu hút được các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển các lĩnh vực có thế mạnh như: Chế biến nông lâm sản, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch và xuất khẩu. Du lịch tiếp tục phát triển mạnh, các hoạt động truyền thông quảng bá, xúc tiến du lịch được tăng cường, thiết thực, hiệu quả; Hà Giang trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong nước và quốc tế. Sản xuất nông nghiệp ổn định và tiếp tục đà tăng trưởng, xu hướng tích tụ, tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa đặc trưng với quy mô phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và nhu cầu thị trường. Nhiều địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, tổng sản lượng lương thực ước đạt  419.972 tấn, tăng 0,54% so với năm trước. Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững đi vào cuộc sống của người dân với hơn 2.325 vườn được cải tạo. Hiện có 1.935 vườn đã cho hiệu quả kinh tế với thu nhập bình quân 18,8 triệu đồng/hộ/năm (cao gấp 2-3 lần so với trước thời điểm chưa thực hiện cải tạo vườn tạp).

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức khởi động Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu chuyển đổi số.          Ảnh: PHI ANH

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thực hiện nghi thức khởi động Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu chuyển đổi số. Ảnh: PHI ANH

Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH năm 2022 - 2023 được triển khai quyết liệt, hiệu quả; Chương trình mục tiêu quốc gia được các cấp, ngành triển khai khẩn trương, đồng bộ; các chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi tín dụng đối với doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19 được triển khai kịp thời; tỉnh tổ chức thực hiện đột phá vào lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông: Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư tuyến đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang; nâng cấp các tuyến quốc lộ như: 4C, 279, 34… các tuyến tỉnh lộ 177, đường bờ đông Sông Lô, đường liên huyện được quan tâm cải tạo nâng cấp, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, từng bước hoàn thiện cơ bản, bền vững lâu dài, đảm bảo kết nối giao thông đối nội, đối ngoại. Chương trình hỗ trợ xi măng của tỉnh phát huy hiệu quả cao trong làm đường nông thôn, nhận được sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân. Công tác chỉnh trang đô thị theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp đảm bảo quy hoạch bền vững được triển khai sâu rộng tại các địa phương. Công tác quy hoạch được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo gắn với công khai quy hoạch, sắp xếp, bố trí dân cư hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được hoàn thiện thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; công tác quản lý quy hoạch xây dựng, đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường có bước chuyển biến tích cực. Chương trình chuyển đổi số của tỉnh được triển khai đồng bộ, bước đầu làm thay đổi nhận thức của cán bộ, công chức và nhân dân giúp thuận lợi trong giao dịch, trao đổi thương mại, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động quảng bá du lịch và tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa đặc trưng của tỉnh. Những nỗ lực đó đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trò chuyện với cử tri huyện Xín Mần.           Ảnh: trâm anh

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trò chuyện với cử tri huyện Xín Mần. Ảnh: Trâm Anh

Lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục có bước phát triển, an sinh, phúc lợi xã hội và đời sống nhân dân được quan tâm hơn. Qua 3 năm thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, cựu chiến binh và hộ nghèo toàn tỉnh, đến nay đã hoàn thành xây dựng 6.700 căn nhà cho nhân dân với số kinh phí huy động hơn 1.000 tỷ đồng. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, xây dựng đời sống văn hoá có nhiều đổi mới, tiến bộ. Tỉnh đã hoàn thành mục tiêu thành lập 11 trường phổ thông nội trú 3 cấp tại tất cả các địa phương đưa vào hoạt động hiệu quả; hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại thành phố Hà Giang. Cùng với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TU, ngày 01/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh đồng bộ, hiệu quả làm thay đổi tư duy nhận thức, từng bước xóa bỏ những hủ tục, phong tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong đời sống sinh hoạt của đồng bào các dân tộc với nhiều hình thức khác nhau, tiêu biểu như: Tổ chức hội thi bằng hình thức sân khấu hóa, xây dựng chuyên đề giảng dạy ở các cấp, trong các trường học; tổ chức mạn đàm, ký cam kết, ra mắt các mô hình, câu lạc bộ, tổ vận động ở thôn, trở thành phong trào sâu rộng ở các địa phương và trong tầng lớp nhân dân. Mạng lưới y tế thường xuyên được quan tâm đầu tư củng cố, liên kết khám chữa bệnh, phối hợp tốt với các bệnh viện tuyến Trung ương để chẩn đoán và điều trị các ca bệnh nặng, từ đó chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được nâng lên. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các vụ án, vụ việc nổi cộm, phức tạp được quan tâm chỉ đạo, sát sao, đảm bảo quy trình, quy định. Tình hình an ninh biên giới, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, quản lý tốt đường biên, mốc giới, chủ quyền quốc gia được giữ vững.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trò chuyện với cử tri huyện Xín Mần.           Ảnh: trâm anh

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Bắc Quang gắn biển tên công trình Quảng trường 15-5. Ảnh: DUY TUẤN

Có thể khẳng định, để có được những kết quả nổi bật trong năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy luôn là trung tâm đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo; giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, duy trì thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, với quyết tâm cao, nhiều cách làm sáng tạo, tạo sự lan tỏa, giải quyết tốt, hiệu quả các nhiệm vụ đề ra, đồng thời chủ động chỉ đạo giải quyết kịp thời các nhiệm vụ phát sinh. Hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội có sự chuyển biến tích cực hướng về địa phương cơ sở nhiều hơn, từ đó, sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong nhân dân, mối liên hệ giữa các cấp ủy với chính quyền và nhân dân được tăng cường.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế dự án tái định cư thị trấn Cốc Pài (Xín Mần).                    Ảnh: PHI ANH
Bí thư Tỉnh ủy Đặng Quốc Khánh cùng đoàn công tác kiểm tra thực tế dự án tái định cư thị trấn Cốc Pài (Xín Mần). Ảnh: PHI ANH

Bước sang năm 2023, mang theo biết bao niềm tin và hy vọng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang sẽ quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra. Đây sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, là năm bản lề thực hiện các bước đột phá kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong toàn tỉnh có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, vì vậy các cấp ủy Đảng cần phải tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước bằng các nhiệm vụ hiệu quả, sát với thực tiễn đáp ứng yêu cầu mới; đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động phản biện của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, gắn bó mật thiết, chặt chẽ với nhân dân hơn. Tăng cường chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không để suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nâng cao trách nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý, phát huy vai trò người đứng đầu. Tập trung hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt đồng bộ các quy hoạch và quản lý tốt các quy hoạch; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện các nhiệm vụ giải pháp quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đề ra. Tiếp tục quyết liệt việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục, đảm bảo thời gian chất lượng, nhất là giải quyết thủ tục đầu tư dự án về đất đai, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư để cải thiện môi trường đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ, nguồn lực xã hội hoá của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nghiên cứu xây dựng đề án chính sách chuyển đổi cây ngô sang trồng cây có giá trị kinh tế cao hơn. Triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế lâu dài, bền vững cho người dân, quan tâm phát triển lâm nghiệp, cây dược liệu, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát huy lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng. Ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, thương mại điện tử vào phát triển nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm. Thu hút các doanh nghiệp khoa học chế biến nông, lâm sản và cung ứng sản phẩm để hoàn thiện các chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Tiếp tục đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, quảng bá hình ảnh, nâng cấp dịch vụ để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch. Chú trọng giữ gìn, phát huy, bảo tồn bản sắc văn hoá các dân tộc, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người có công, người nghèo, người yếu thế; đẩy mạnh phong trào thi đua xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. Xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, tinh nhuệ, giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biên giới quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Chúng ta tin tưởng rằng với những chủ trương, định hướng đúng đắn và kịp thời cùng với sự đồng thuận của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, Hà Giang sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trước thềm Xuân mới 2023, các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị cần đặc biệt quan tâm làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo, đảm bảo mọi người, mọi nhà được đón Tết ấm no, hạnh phúc. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, tôi xin chúc các đồng chí cán bộ, đảng viên, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, người lao động và toàn thể đồng bào tỉnh nhà đón Tết cổ truyền Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, giành nhiều thắng lợi mới./.


Tác giả: Đặng Quốc Khánh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 101
Hôm qua : 4.744
Tháng 04 : 106.766
Năm 2024 : 295.106