A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Trung bình chủ nghĩa, nhìn từ thực tiễn cơ sở trong lực lượng vũ trang tỉnh Hà Giang

CTTBTG - “Trung bình chủ nghĩa” là căn bệnh mãn tính, nguy hại đến sự phát triển của mỗi tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, quần chúng. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng ta chỉ rõ “trung bình chủ nghĩa” là một trong 27 biểu hiện của “tự diễn biến", "tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị Quyết số 847-NQ/QUTW, Quân uỷ Trung ương  cũng chỉ rõ 10 biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân trong Quân đội, trong đó biểu hiện thứ Năm là trung bình chủ nghĩa: “ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, “thấy đúng không bảo vệ”, “thấy sai không đấu tranh”; tinh thần tự phê bình và phê bình thấp, lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ và mục đích không trong sáng; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức”.

Ở Đảng bộ và đơn vị cơ sở trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh Hà Giang, biểu hiện của “trung bình chủ nghĩa” rất đa dạng; một số biểu hiện lại được che đậy dưới nhiều lớp áo, vỏ bọc khác nhau nên khó nhận diện một cách đầy đủ. Trong phạm vi bài viết này, xin đề cập trên một số vấn đề cụ thể sau:

Hội nghị gặp mặt các cơ quan phối hợp tuyên truyền năm 2023

Thứ nhất, một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân viên “bình bình ở giữa”, không vươn lên đầu sợ sóng gió, hoặc “ba phải” không có chính kiến rõ ràng, gió chiều nào che chiều ấy, dần dần biểu hiện sa sút ý chí, không phấn đấu hết mình để hoàn thành tốt hơn công việc mình đảm nhiệm; ngại va chạm, dĩ hòa vi quý, tự phê bình và phê bình thấp, “im lặng là vàng”, "không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng", "trong hội nghị im tiếng, ngoài hội nghị nhiều mồm" hoặc khi trà dư tửu hậu thì mới bàn tán, bình luận, nói bóng nói gió, đá thúng đụng nia...Một bộ phận khác, là những người chuẩn bị nghỉ hưu (tác giả không có ý đánh đồng tất cả) hoặc vì lý do này, lý do kia mà chủ động xin thôi phục vụ Quân đội, trong khoảng thời gian chờ quyết định, biểu hiện “chợ chiều cuối khóa”, không làm việc, hoặc làm việc chiếu lệ, cầm chừng, ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm của người khác và kết quả chung của đơn vị.

Thứ hai, thỏa mãn dừng lại. Đây là những cán bộ, đảng viên khi đề ra quyết tâm phấn đấu nhưng không đạt được mục đích, do nhiều nguyên nhân, ví như năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức, mức độ tích lũy chưa đủ tiêu chí để điều động, bổ nhiệm hoặc bình xét khen thưởng, thăng quân hàm, nâng lương... bắt đầu nảy sinh tư tưởng không còn gì để phấn đấu, phấn đấu thì cũng chỉ đến thế mà thôi. Lầm tưởng bản thân mình là người có tài đức mà không được tổ chức nhìn nhận, sau dần có những lời nói, hành động, phát ngôn thiếu tính xây dựng, ngại va chạm, ai nói gì cũng mặc kệ, không dám nghĩ, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm…

Thứ ba, “tự mãn” hay nói cách khác là bằng lòng với chính mình. Đây thường là những cán bộ có vị trí cao trong cơ quan, đơn vị. Khi mới được phong, thăng quân hàm, nâng lương, mới được bầu vào cấp ủy, hay mới được bổ nhiệm chức vụ cao hơn vị trí hiện tại thì luôn tỏ ra hăng hái, nhiệt tình, trách nhiệm với công việc chung. Nhưng thời gian về sau, khi đã có kinh nghiệm trong công việc, hay có được một chút kết quả đáng kể, là bắt đầu hả hê tự mãn, không có tinh thần cầu tiến, không cố gắng học tập và rèn luyện, không tự giác khép mình vào khuôn khổ tổ chức, không tự kiểm soát bản thân sa vào hưởng lạc, luôn tự cho mình là nhất, coi thường tập thể, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ, ngộ nhận quyền lực, vi phạm kỷ luật…

Thứ tư, cào bằng “không làm nhưng muốn hưởng” hoặc “làm ít nhưng muốn hưởng nhiều”, dẫn đến kén chọn vị trí, kén chọn công việc, chỉ thích làm việc dễ, nhàn hạ mang lại nhiều quyền lợi cho bản thân, lảng tránh việc khó, né tránh những nơi khó khăn, gian khổ. Thực tế cho thấy, trong LLVT tỉnh hiện nay, chỗ thừa thì vẫn thừa, chỗ thiếu thì vẫn cứ thiếu quân số so với biên chế, hoặc tình trạng có tên trong tổ chức biên chế của đơn vị, nhưng không thấy người…Một thực tế nữa là, rất khó tìm và sắp xếp được cán bộ, nhân viên về làm việc ở các cơ quan có tính chất công việc động, phức tạp, chịu nhiều áp lực hoặc ở những đơn vị vùng sâu, vùng xa, đường sá đi lại khó khăn lại không có chế độ đặc thù, những đơn vị làm nhiệm vụ nguy hiểm, sẵn sàng chiến đấu, như: Ban CHQS huyện Hoàng Su Phì; đại đội 19 công binh; Tiểu đoàn bộ binh 1, Trung đoàn 877…

Thứ năm, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức. Qua không ít các cuộc kiểm tra, giám sát của nhiều cấp, hầu như cuộc nào cũng nói tới cái sự “mũ ni che tai”, “cả vú lấp miệng em”, “thỏa hiệp ngầm”, “tôi không đụng đến anh, thì anh đừng đụng đến tôi”… Cá biệt có đơn vị, biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, độc đoán, gia trưởng, xa rời Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị, không thực hiện nghiêm túc chế độ phê bình, tự phê bình, “tự soi, tự sửa” mang tính hình thức, nửa vời, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

Ảnh: Trao khen thưởng cho cá nhân có đóng góp cho công tác phối hợp tuyên truyền 

Ở đơn vị nọ, người đứng đầu, tỏ ra là dân chủ, trong cuộc họp, nêu vấn đề và bảo: “Các đồng chí cứ tranh luận thoải mái”, nhưng các thành viên đều biết rằng “đấu tranh thì tránh đâu” trước sau cũng sẽ bị định kiến, dẫn đến tình trạng “nhất ngồi lỳ, nhì đồng ý”. Khi có đại biểu cấp trên dự các buổi sinh hoạt phê bình, kiểm điểm, thì bằng cách này, kế nọ mà chuyện nội bộ luôn được giữ kín, “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”…Ở đảng bộ kia, đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên hằng ngày ăn cùng mâm, ở cùng nhà, đều nhìn thấy rất rõ, nhưng thiếu tinh thần đấu tranh với những hành vi sai trái, lệch chuẩn về đạo đức, lối sống của đồng chí, đồng đội mình. Dần dần, để đồng chí, đồng đội mình từ vi phạm khuyết điểm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm lớn, ảnh hưởng đến uy tín đơn vị và địa phương. Cá biệt và cũng là điều đáng sợ nhất là, tình trạng “uy tín giả”, “nói vậy, nhưng không phải vậy”, “mất đoàn kết ngầm”.

Nguyên nhân của căn bệnh “trung bình chủ nghĩa” có rất nhiều, cả khách quan và chủ quan, song chủ yếu là: từ những ảnh hưởng tàn dư của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp theo kiểu cào bằng, xấu đều còn hơn tốt lỏi; của nếp nghĩ cũ, sợ rằng “sự thật mất lòng” nên không dám nói điều phải trái; từ trình độ, nhận thức không đồng đều trong tập thể, nhất là nhận thức về hệ thống các nguyên tắc, quy chế, cơ chế, nhất là nhận thức không đầy đủ về nguyên tắc tập trung dân chủ và chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội theo Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị; từ tính chất nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị; từ tác động của cơ chế thị trường, so sánh trong môi trường Quân đội và ngoài Quân đội; tính toán thiệt hơn, cống hiến với hưởng thụ... từ vận hành vào thực tiễn, việc tuân thủ hay không tuân thủ, tuân thủ đến mức độ nào hệ thống các nguyên tắc về xây dựng Đảng, quy chế lãnh đạo, điều lệnh, điều lệ, chế độ quy định của Quân đội, địa phương, đơn vị; từ mức độ trong lành của môi trường văn hóa, bầu không khí dân chủ trong cơ quan, đơn vị; từ vai trò nêu gương của người đứng đầu, cấp ủy viên, cán bộ, đảng viên…

Để phòng, chống có hiệu quả, tiến tới loại bỏ “trung bình chủ nghĩa”, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ và LLVT tỉnh, thiết nghĩ cần phải tiến hành một cách ráo riết, quyết liệt, đồng bộ hệ thống các giải pháp, các nhóm giải pháp: về giáo dục chính trị tư tưởng; về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; về công tác tổ chức cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp; về cơ chế chính sách; về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật; thi đua, khen thưởng…trong đó, trước hết thực hiện tốt những việc sau:

Thứ nhất, tiếp tục giáo dục, quán triệt sâu kỹ các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy chế, quy định, hướng dẫn của trên về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII); Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm”; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị về tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng trong Quân đội, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với chế độ Chính ủy, chính trị viên; Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong Quân đội… Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Trong các tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm, đặc biệt chú ý về “ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình”… làm cho mỗi cán bộ, đảng viên thấu triệt và tự xác định tốt tư tưởng, động cơ, động lực phấn đấu của mình; nuôi dưỡng khát vọng hoàn thiện bản thân, khát vọng cống hiến.  

Thứ hai, trong công tác tổ chức cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp cần phải khách quan, khoa học hơn nữa, để đánh giá đúng năng lực của cán bộ, đảng viên; tăng cường luân chuyển, gắn với hợp thức hóa; mạnh dạn thay thế những cá nhân yếu kém, trung bình chủ nghĩa, bằng những nhân tố mới tốt hơn. Lựa chọn cho được những người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, quản lý “có tâm, đúng và đủ tầm”, có chuyên môn tốt, giàu nhiệt huyết, có sức quy tụ, thực sự tôn trọng, lắng nghe người thẳng thắn, có ý kiến khác mình… làm đầu tàu xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện mẫu mực tiêu biểu. Đối với mỗi cán bộ, đảng viên cần quan tâm đến tập thể, khiêm tốn, lắng nghe ý kiến, tôn trọng đồng chí, đồng đội. Những điều này, tưởng như ai cũng biết, ai cũng thuộc nhưng làm cho đúng, cho thực chất thì không phải dễ./.             

Đại tá Trần Đại Thắng

Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Quân sự tỉnh,

             Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh Hà Giang               


Tác giả: Đại tá Trần Đại Thắng
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.029
Hôm qua : 2.119
Tháng 05 : 68.504
Năm 2024 : 367.918