A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát biểu của đồng chí Trương Thị Mai Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTN,TC cấp tỉnh năm 2023

Ngày 10/01/2024, ngành Nội chính Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc trực tiếp kết hợp với trực tuyến tổng kết công tác Ngành Nội chính Đảng và hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Tại Hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Cổng thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng giới thiệu những nội dung quan trọng trong bài phát biểu này

1. Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo, tình hình trong nước sau 03 năm đại dịch có nhiều khó khăn, thách thức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã đi qua hơn nửa nhiệm kỳ của Đại hội lần thứ XIII với  nhiều nỗ lực lớn và đạt được nhiều kết quả tích cực về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao đời sống của Nhân dân. Qua đó, chúng ta tiếp tục tăng cường sự đồng thuận, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và trong đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Nội chính Đảng, của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương và cấp tỉnh đã luôn chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quyết tâm cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ, nâng cao uy tín, sự tin tưởng của Đảng, của hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, được dư luận xã hội đồng tình, đánh giá cao.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo (ảnh Đặng Phước)

Tôi tán thành với Báo cáo tổng kết năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 của ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; phát biểu của các cơ quan Trung ương và các địa phương đã tiếp tục bổ sung và  làm rõ thêm nhiều vấn đề. Hiện nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đang trong quá trình tiếp thu các ý kiến và sẽ ban hành Chương trình công tác của của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2024; khi đó, các ban xây dựng Đảng, trong đó có Ban Nội chính Trung ương sẽ tiếp tục bổ sung, điều chỉnh theo nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.

    Tôi nhấn mạnh và phát biểu thêm 04 kết quả nổi bật đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ cũng như trong năm 2023 của ngành Nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các địa phương. 

    Một là, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh đã nghiêm túc thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị sơ kết 01 năm thành lập, khẩn trương kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện các quy định, quy chế, quy trình làm việc và đưa hoạt động của các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh sau một thời gian ngắn được thành lập đi vào nền nếp, tạo được sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương. Số liệu của Báo cáo tổng kết cho thấy, trong năm 2023, riêng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nỗ lực, đôn đốc để các cơ quan tiến hành tố tụng ở địa phương khởi tố mới hơn 830 vụ án tham nhũng (tăng 02 lần so với năm 2022, tăng gấp 03 lần so với năm 2021), thể hiện quyết tâm cao của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh mà trực tiếp là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy với nhiệm vụ được phân công là Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Một số vụ án kéo dài từ nhiều năm trước ở địa phương đã được khẩn trương xem xét, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ trước đây, được sự ủng hộ, đồng tình của Nhân dân, cán bộ, đảng viên.

    Hai là, với chức năng, nhiệm vụ được giao của Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các chủ trương, chính sách lớn về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp, Ban Nội chính Trung ương đã luôn chủ động trong tham mưu các chủ trương, chính sách lớn, mang tính chiến lược. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các đồng chí đã nghiên cứu, đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương 18 đề án lớn; không chỉ trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mà còn tham mưu chủ trương, giải pháp để góp phần xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; cơ chế kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ chế chỉ đạo, phối hợp để phát hiện, xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, cơ chế để phân hóa xử lý hình sự một số vụ án lớn, vụ việc lớn mà dư luận xã hội quan tâm, góp phần tăng cường sự đồng bộ, sự thống nhất, phối hợp chặt trong xử lý, kỷ luật của Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự; bảo đảm vừa nghiêm minh, vừa nhân văn đúng như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

    Đến nay, trong công tác tham mưu, xây dựng thể chế đã đạt được kết quả mà chưa nhiệm kỳ nào làm được, đó là đã ban hành 03 quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực (kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và trong hoạt động kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, thanh tra, kiểm toán; kiểm  soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ). Tới đây, chuẩn bị ban hành tiếp 02 quy định nữa, là kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật và kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Có thể nói, với 05 quy định này hợp lại thành một hệ thống thể chế về kiểm soát quyền lực, góp phần hoàn thiện việc thực hiện nguyên tắc về tổ chức bộ máy nhà nước, đó là, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa 03 quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và kiểm soát quyền lực. Lần đầu tiên, chúng ta ban hành được các quy định của Đảng để làm cơ sở thể chế hóa chính sách, pháp luật đối với vấn đề về kiểm soát quyền lực, đặc biệt, không chỉ kiểm soát quyền lực mà còn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quan trọng nhất là phải làm sao cho các quy định của Đảng đi vào cuộc sống, để quyết tâm của Đảng phải được thể hiện trong cuộc sống thì đó mới là niềm tin của Nhân dân, cán bộ, đảng viên đối với Đảng, Nhà nước ta.

    Tôi biểu dương ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy trong năm 2023 đã tham mưu ban hành hơn 5.000 văn bản để các cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp ở các địa phương, tạo điều kiện để đường lối, chủ trương của Đảng đi vào cuộc sống được thực hiện có hiệu quả ở các địa phương. 

    Ba là, ngành Nội chính Đảng, nhất là Ban Nội chính Trung ương đã luôn chủ động, thực hiện tốt nhiệm vụ là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề xuất kịp thời nhiều vấn đề sát với thực tiễn, góp phần tạo bước đột phá mới cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các đồng chí đã tăng cường hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện chương trình công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn; trong đó, có nhiều vấn đề rất khó, nhưng các đồng chí đã kiên quyết, kiên trì tham mưu, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng bộ tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng, như công tác giám định, định giá tài sản, xử lý tin báo, tố giác tội phạm và thu hồi tài sản tham nhũng. Qua đó, khắc phục được vấn đề tồn tại, kéo dài của một số vụ án, nhất là khó khăn, vướng mắc trong giám định, định giá tài sản. 

    Đáng ghi nhận là việc tham mưu chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nơi có nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc trong dư luận và kiểm tra, giám sát để giải quyết những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn. Vừa rồi đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng đã thông tin về kết quả kiểm tra việc xử lý tin báo, tố giác tội phạm ở Đồng Nai, qua quá trình kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo đã thúc đẩy được việc giải quyết hàng nghìn tin báo, tố giác tội phạm tồn đọng của địa phương này. Tôi cũng nhấn mạnh, các cơ quan nếu không làm đúng theo quy định của pháp luật sẽ bị quy trách nhiệm. Bên cạnh đó, các ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy đã chủ trì, phối hợp tham mưu cho Bí thư cấp ủy tổ chức các cuộc tiếp dân, đối thoại, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, góp phần giải quyết dứt điểm một số vụ khiếu kiện kéo dài, phức tạp, bảo đảm cho an ninh chính trị, an toàn xã hội. 

    Bốn là, trên cơ sở kết quả tích cực đạt được trong thời gian qua, chúng ta đã thấy rất rõ tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ của ngành Nội chính Đảng được tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ. Cán bộ ngành Nội chính Đảng qua đó được rèn luyện năng lực, bản lĩnh, phẩm chất đạo đức, gương mẫu, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đề ra. Vừa qua, có một số địa phương đề nghị tổ chức mở lớp tập huấn về giáo dục liêm chính, theo tôi, liêm chính là phải tự mình rèn luyện; Đảng, Nhà nước đưa ra các quy định để tăng cường sự liêm chính của cán bộ, đảng viên, từng cán bộ, đảng viên phải tự rèn luyện.

    Trong những vụ án gần đây, có một trường hợp nguyên lãnh đạo của Sở Y tế Bình Dương vi phạm quy định đấu thầu, nhưng dứt khoát không nhận tiền, không nhận quà; đâu phải cán bộ nào cũng nhận tiền, nhận quà; hay ở Đồng Tháp, trong xử lý vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, có cán bộ tự nguyện đề xuất mức kỷ luật cho mình với trách nhiệm người đứng đầu. Cái đó là có niềm tin đối với cán bộ của mình, như vậy liêm chính phải được động viên, tuyên truyền để cán bộ tự soi, tự sửa, đặc biệt là trong các cơ quan kiểm soát quyền lực phải được nâng cao. Bên cạnh đó, qua báo cáo, phát biểu và qua thực tiễn, tôi thấy vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm, đó là tiếp tục khắc phục các hạn chế, tồn tại, vướng mắc đã nêu trong Báo cáo. Thực tiễn vừa qua cũng cho chúng ta thấy, kết quả đạt được cũng chưa thật sự đồng bộ, có nơi chất lượng, hiệu quả chưa đáp ứng yêu cầu; nơi này, nơi kia việc thực hiện nhiệm vụ nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn hạn chế, chưa thật sự quyết liệt, quyết tâm cao, có nơi còn dè dặt, e ngại, sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích, phần nào ở quan hệ địa phương còn tình trạng người này bao che người kia. Những việc này cần cố gắng khắc phục. Một số địa bàn vẫn còn xảy ra những vụ, việc lớn, hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, dư luận bức xúc.

Tại Hội nghị Ngành Kiểm tra Đảng vừa rồi, tôi đã nêu con số trong số 83 cán bộ do Trung ương xử lý thì có 59 cán bộ là vi phạm trong các nhiệm kỳ trước, có 24 cán bộ vi phạm trong nhiệm kỳ này. Dẫn đến câu hỏi nhiệm kỳ gần đây, nhất là nhiệm kỳ XII, XIII, chúng ta đã đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt nhiều kết quả quan trọng và chưa từng có, chỉ số minh bạch đã thăng hạng rất đáng kể, nhưng tại sao vẫn còn tham nhũng, tiêu cực? Cán bộ chưa biết sợ hay là lòng tham không đáy? Vẫn còn xảy ra những vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, liên quan cả cán bộ Trung ương, cán bộ địa phương. Vụ việc nào cũng cơ bản có sự móc nối giữa cán bộ nhà nước với thành phần thoái hóa, biến chất bên ngoài xã hội, làm thiệt hại, thất thoát lớn đến tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Trước đây là đất đai, nhiều năm liền tại Quốc hội, Thanh tra Chính phủ báo cáo tất cả các vụ khiếu kiện phức tạp cơ bản là khiếu kiện về đất đai, bây giờ không dừng ở đất đai mà lan rộng ra đấu thầu, sử dụng tài sản công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân hàng, đăng kiểm (hơn 800 cán bộ đăng kiểm đã bị khởi tố mà bây giờ còn chưa hết) và cả những lĩnh vực mà xã hội dành sự quan tâm, tôn trọng như y tế, giáo dục, ngoại giao. Vì vậy, phải đặt câu hỏi về vấn đề này để tiếp tục quan tâm xử lý. 

Tôi đề nghị Ban Nội chính Trung ương và địa phương, các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, phân tích đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan của những vi phạm trong nhiệm kỳ này để có giải pháp khắc phục tốt hơn. Chúng ta hay nói là chính sách, pháp luật không rõ ràng, quản lý chưa chặt chẽ, nhưng rồi đến lúc chính sách, pháp luật tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, quản lý được tăng cường, nhưng vẫn xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Chỗ này cần tiếp tục phân tích nguyên nhân để có kết quả tốt hơn.

 

    Các đồng chí cần quan tâm phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, tôi vẫn muốn nhấn mạnh chỗ này, việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật trong những lĩnh vực vi phạm phổ biến thời gian qua rất quan trọng để tạo được khuôn khổ pháp lý cần thiết, vạch được ranh giới đỏ để cán bộ không dám bước qua, mà bước qua thì phải xử lý nghiêm, không để lờ mờ, không rõ ràng. Chỗ này các đồng chí Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, làm sao tạo khuôn khổ để cán bộ mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, biết được khuôn khổ để giới hạn không được làm, không phải e ngại, sợ sệt. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, quy chế, quy trình của Đảng để tiếp tục góp phần hiệu quả cho chính sách, pháp luật. Chúng ta đã quan tâm, Nghị quyết số 28-NQ/TW về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đề cập đến vấn đề này nhiều, nhưng tại sao hiện nay cũng có những nơi là Bí thư vẫn lấn quyền lực, có những nơi Chủ tịch vẫn lạm quyền, nguyên tắc tập trung dân chủ không được thực hiện tốt để xảy ra vi phạm, tiêu cực, chỗ này cần phải được quan tâm.

Tôi xin nhắc lại, từng cơ quan, từng tổ chức, từng địa phương phải hết sức chú trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Có những trường hợp khi ra Tòa, trích lại các phát biểu ngày trước thì thấy ngược hết, mặc dù số này không phải số lớn, nhưng càng làm cao thì càng phải gương mẫu. Đảng nói rồi, càng làm cao sự lan tỏa của mình càng lớn, mình tốt thì sự lan tỏa tích cực càng mạnh mẽ, mình mà tệ thì sự lan tỏa sẽ tiêu cực.

Tôi đề nghị đồng chí Trưởng Ban Nội chính Trung ương, các cơ quan tiến hành tố tụng tiếp tục nghiên cứu, phân hóa các đối  tượng vi phạm trong các vụ án để xử lý trong kỷ luật hành chính, xử lý hình sự, phải phân biệt giữa cố ý và vô ý; cán bộ do thiếu kinh nghiệm, hăng hái với trường hợp cố ý để vụ lợi; những trường hợp hỏi mà cấp trên không trả lời, cán bộ hăng hái làm với việc cấp trên yêu cầu dừng rồi mà vẫn cứ làm. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu vấn đề này để những cán bộ do hăng hái, do vô ý vi phạm khác với những trường hợp cố ý để cán bộ yên tâm, tự tin trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao.

2. Chỉ còn 02 năm nữa là kết thúc nhiệm kỳ XIII, do tác động của đại dịch Covid-19, khó khăn chung của thế giới và trong nước, đến thời điểm này, nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đạt được, nhưng cũng còn nhiều nhiệm vụ, chỉ tiêu vẫn chưa hoàn thành. Hai năm còn lại phải tiếp tục tăng tốc, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định, tạo nền tảng vững chắc cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV. Yêu cầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được nêu rõ trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đó là đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá với phương châm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn. Kết hợp chặt chẽ giữa tích cực phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ những hành vi tham nhũng, lãng phí và bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của Nhân dân; thực hiện đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, kinh tế, hình sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Coi phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Những chủ trương, định hướng này rất đúng, rất sâu sắc, chúng ta đang làm, đã làm được nhiều việc có hiệu quả, vẫn cần phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa.

Với tinh thần đó, tôi cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Báo cáo, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung sau:

Một là, tập trung tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt các chủ trương, quy định của Đảng về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp; đồng thời tăng cường công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp  luật để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Nhất là, tham mưu, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, trong công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán và trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Quan tâm nghiên cứu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp để góp phần nâng cao chất lượng dự thảo Văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm định các đề án, văn bản về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy cấp tỉnh, bảo đảm cho pháp luật phù hợp với Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Các đồng chí phải thực sự “gác gôn” cho Đảng trong lĩnh vực này, như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ đạo. 

Hai là, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp. Tăng cường phối hợp, tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ở các cơ quan nội chính, nhất là kiểm tra, giám sát hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tham mưu, chỉ đạo tập trung kiểm tra, thanh tra, xử lý dứt điểm các sai phạm của các tổ chức đảng, đảng viên liên quan các vụ án, vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo; nhất là tham mưu, chỉ đạo khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các sai phạm liên quan đến công ty Việt Á, công ty AIC, tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, lĩnh vực đăng kiểm và các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, góp phần chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết không để nhân sự có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lọt vào cấp ủy các cấp. 

 Ba là, tham mưu, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Nhất là, tham mưu, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo. Chú trọng phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mới theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; xử lý nghiêm cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo xử lý, khắc phục có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực.

Bốn là, tăng cường công tác phối hợp, chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi lên về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, nhất là các vấn đề liên quan đến an ninh biên giới, dân tộc, tôn giáo; hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị; các vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài,… không để hình thành “điểm nóng”, không để bị động, bất ngờ. 

Năm là, tiếp tục quan tâm kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện các quy định, quy trình nghiệp vụ; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp phải thật sự liêm chính, có dũng khí bảo vệ cái đúng, kiên quyết đấu tranh với cái sai, có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, uy tín, phục vụ Nhân dân và sự phát triển của đất nước. Các Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cần tiếp tục duy trì nền nếp chế độ sinh hoạt, không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động như Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

    Tôi đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp, bố trí lại các phòng ban của các cơ quan tham mưu, giúp việc theo đúng Quy định số 137-QĐ/TW, ngày 01/12/2023 của Ban Bí thư; quan tâm bố trí cán bộ, công chức để ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xin được ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương kết quả quan trọng đã đạt được của ngành Nội chính Đảng và kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023. Tôi tin rằng với truyền thống, sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm cao, các đồng chí sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao, xứng đáng với sự kỳ vọng của Đảng và Nhân dân.

Đồng Chí Trương Thị Mai

(Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương)


Nguồn: Ban Nội chính Trung ương
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.156
Hôm qua : 2.987
Tháng 04 : 104.077
Năm 2024 : 292.417