A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đề cương về văn hóa Việt Nam - Bản tuyên ngôn của Đảng về văn hóa, mang giá trị trường tồn trong tiến trình phát triển văn hóa ở nước ta

CTTBTG - “Ðề cương về văn hóa Việt Nam” ra đời năm 1943, là một văn kiện lịch sử quan trọng của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ, được coi là một tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng về một nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng, thể hiện ý chí nguyện vọng của cả dân tộc. Đề cương đã soi đường và định hướng về tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc; trang bị những lý luận cơ bản cho những cán bộ làm công tác văn hóa, tư tưởng, khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với cách mạng văn hóa. Ra đời được tròn 80 năm, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” vẫn giữ nguyên ý nghĩa lịch sử sâu sắc và giá trị bền vững, trường tồn trong tiến trình phát triển văn hóa ở nước ta hiện nay.

80 nam De cuong van hoa VN: Bo Van hoa cong bo de an to chuc ky niem hinh anh 2

Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1. (Ảnh: baotanglichsu.vn)

Trong thời kỳ nước ta bị phátxít Nhật và Thực dân Pháp đô hộ, Nhân dân ta lầm than cực khổ, một cổ hai tròng. Lúc bấy giờ, nhiệm vụ đấu tranh, giành độc lập có ý nghĩa sống còn đối với toàn dân tộc. Việc huy động lực lượng tham gia vào cuộc cách mạng đấu tranh giành độc lập, làm thay đổi vận mệnh dân tộc là vô cùng bức thiết. Lúc bấy giờ văn hóa nửa phong kiến, nửa tư sản, thuộc địa đang thống trị, để chống lại chính sách văn hóa phản động của phát xít Nhật- Pháp, Đảng ta đã xác định, cần phải có đường lối văn hóa thực sự đúng đắn, khoa học đảm bảo tính chính xác, khách quan, ngắn gọn, dễ hiểu nhằm thu phục được tầng lớp trí thức và truyền bá tới quảng đại quần chúng trong điều kiện Đảng còn đang hoạt động bí mật; đồng thời đường lối này cũng phải thể hiện rõ nguyên tắc tính đảng, tính chiến đấu nhằm kêu gọi toàn dân đứng lên theo Đảng tham gia vào mặt trận cách mạng văn hóa. Chính vì vậy, vào tháng 2 năm 1943 tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng, bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” do đồng chí Trường Chinh khởi thảo đã được thông qua, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đặt ra. Sự ra đời của bản “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là một ngọn đuốc soi đường và định hướng về tư tưởng, nhận thức, phương châm hoạt động văn hóa cho toàn Đảng, toàn dân trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo nền tảng ban đầu cho việc xây dựng một nền văn hóa mới. Đề cương được coi là bản tuyên ngôn, cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa, có ý nghĩa lịch sử sâu sắc và giá trị to lớn về nhiều mặt đối với tiến trình cách mạng Việt Nam. Hơn nữa, “Đề cương về văn hóa Việt Nam” đã thức tỉnh, cổ vũ, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân, những người yêu nước tham gia vào Hội văn hóa cứu quốc, thành viên của mặt trận Việt Minh, góp phần vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xóa bỏ sự nô dịch về văn hóa của chế độ phátxít, thực dân.

Đề cương về văn hoá Việt Nam được xây dựng một cách hệ thống, cấu trúc gồm 5 phần: Cách đặt vấn đề; Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam; Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam; Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa mác xít Đông Dương và nhất là những nhà văn hóa mác xít Việt Nam. Đề cương văn hóa xác định văn hóa bao gồm nhiều yếu tố, cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật; chỉ rõ mối quan hệ giữa văn hóa, kinh tế và chính trị; thể hiện rõ các quan điểm của Đảng đối với vấn đề văn hóa: “Mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hoá) ở đó người cộng sản phải hoạt động; Không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hoá nữa; Có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới hiệu quả”(1). Đề cương đã vạch trần tính chất phản động trong chính sách văn hóa ngu dân của Thực dân Pháp và Phát xít Nhật, qua đó chỉ rõ nguy cơ của nền văn hóa Việt Nam dưới ách áp bức của chúng; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hóa; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hóa, đồng thời cũng khẳng định nền văn hóa do Đảng lãnh đạo thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa...từ đó, đưa ra mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc cần hướng đến. Dựa trên nguyên tắc lấy hiện thực lịch sử làm tiền đề, Đề cương văn hóa đã xác định dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa là ba nguyên tắc vận động cho cuộc vận động văn hóa Việt Nam đương đại. Đơn giản, ngắn gọn Đề cương chỉ rõ Dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho vǎn hóa Việt Nam phát triển độc lập; Đại chúng hóa là chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng; Khoa học hóa là chống lại tất cả những cái gì làm cho vǎn hóa trái khoa học, phản tiến bộ (2). Ba nguyên tắc Đề cương đưa ra thể hiện rõ tính khoa học và tính cách mạng sâu sắc, vô cùng cần thiết và không thể thiếu trong tiến trình xây dựng một nền văn hóa mới, cần phải Dân tộc hóa, đưa văn hóa Việt nam phát triển độc lập, tự do và nhân văn, vì khi đó dưới sự áp bức của chế độ phátxít, thực dân, văn hóa Việt Nam đang bị nô dịch và chia rẽ nặng nề, nền văn hóa thiếu hẳn tinh thần độc lập, tự do; cần phải Đại chúng hóa vì quần chúng là cội nguồn của sức mạnh, văn hóa phải là của quần chúng, quần chúng nhân dân là người sáng tạo ra văn hóa; cần phải khoa học hóa chống lại những cái lạc hậu, phản khoa học, tiến bộ vì một nền văn hóa muốn thực sự mang tính cách mạng, trước hết nó phải có một nền tảng khoa học chắc chắn làm tiền đề, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để phát triển đi lên. Ba nguyên tắc trên đã phản ánh đúng thực trạng và nhu cầu bức thiết của cuộc vận động văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ. Đồng thời, đây cũng là ba khẩu hiệu hành động, kêu gọi đội ngũ trí thức tập hợp lực lượng, xây dựng một nền văn hóa mới cho tương lai của dân tộc.

Từ sau bản “Đề cương văn hoá Việt Nam”, tư duy lý luận của Đảng về văn hoá ngày càng được bổ sung, phát triển hoàn thiện hơn cùng tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Tại một Hội nghị về văn hóa (7/1948), qua báo cáo với tiêu đề Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam, Tổng Bí thư Trường Chinh đã làm rõ, cụ thể hơn ba nguyên tắc trên và phát triển thêm một số vấn đề về văn hóa. Tiếp theo đó cũng với tinh thần cầu thị, đường lối văn hóa của Đảng còn tiếp tục được mở rộng, bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện bằng nhiều chủ trương, nghị quyết về văn hóa và văn nghệ của Đảng. Có thể thấy, nếu coi Đề cương văn hóa Việt nam là tuyên ngôn đầu tiên của Đảng về văn hóa, thì Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước là những bổ sung, điều chỉnh các mục tiêu cụ thể của đường hướng được vạch ra từ trước khi cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân, là điểm đầu cho việc xây dựng một nền văn hóa mới. Thực tế ngày nay cho thấy văn hoá thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là kết quả của tư duy lý luận và tổng kết kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình lãnh đạo của Đảng trên mặt trận văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về văn hóa Việt Nam” là dịp để chúng ta ôn lại, khẳng định những giá trị to lớn của bản Đề cương lịch sử. 80 năm đã trôi qua, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, làm nên những thắng lợi vẻ vang, đem lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Lịch sử có nhiều đổi thay, nhưng những tư tưởng của bản Đề cương văn hóa Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị trường tồn, soi đường định hướng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Nguyễn Thị Hải Hà

________________________ 

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng  toàn tập, Tập 7, Nxb chính trị quốc gia, H.2000, tr.316

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng  toàn tập, Tập 7, Nxb chính trị quốc gia, H.2000, tr.319

 


Tác giả: Nguyễn Thị Hải Hà
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.562
Hôm qua : 3.189
Tháng 04 : 100.496
Năm 2024 : 288.836