A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng và tình cảm sâu nặng của Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sỹ

Sinh thời, Bác Hồ luôn dành tình yêu vô hạn và sự trân quý cho tất cả mọi người, nhưng đối với thương binh, liệt sỹ, Người luôn dành những tình cảm đặc biệt và hơn ai hết, Người là tấm gương sáng thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thương binh, liệt sỹ.

Bác đã đánh giá chính xác ý nghĩa và giá trị của sự hy sinh vì độc lập, tự do của các chiến sỹ: Trong sự nghiệp chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lớp lớp thế hệ đã lên đường, chung sức, đồng lòng quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào. Họ hy sinh gia đình và tài sản của họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào. Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống. Họ là những chiến sỹ anh dũng của ta. Trong đó, có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sỹ. Từ đó, Người luôn khẳng định và tôn vinh đức hy sinh anh dũng của thương binh, liệt sỹ: “Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sỹ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sỹ đã chuyển lại cho chúng ta”.

Nhằm chia sẻ nỗi đau của hàng triệu thân nhân liệt sỹ, những bậc ông bà, cha mẹ, những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình, ngày 07/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Thông báo về việc nhận con các liệt sỹ làm con nuôi” với lời lẽ đơn giản mà chân thành, gây xúc động mạnh mẽ lòng người: “Vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền tự do, độc lập và thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh hoặc trong thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho các gia đình liệt sỹ đó, và tôi nhận con các liệt sỹ làm con nuôi của tôi”. Nhất quán tình cảm và trách nhiệm đó, tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với đất nước. Thực hiện Chỉ thị của Người, Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và địa phương đã họp ở xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bàn bạc, nhất trí đề nghị lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày thương binh, liệt sỹ”. Từ đó, ngày 27/7 hằng năm trở thành “Ngày thương binh, liệt sỹ” trong cả nước.

Mặc dù bận trăm công, nghìn việc nhưng đều đặn cứ vào dịp tháng 7 hàng năm, Bác Hồ lại gửi thư thăm hỏi, động viên các thương binh, gia đình liệt sỹ, với những lời lẽ giản dị, chân thành nhưng cụ thể và thiết thực, một mặt Bác khẳng định công lao, đóng góp của họ, một mặt lại động viên họ: “Các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã từng là chiến sỹ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận”. Để mỗi “Thương binh tàn nhưng không phế”, Bác cũng không quên nhắc nhở: Các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tuỳ theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ “Công thần”.

Trước lúc đi xa, trong “Di chúc”, Người còn căn dặn: “Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “Tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sỹ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.

Tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng không chỉ thể hiện trong đường lối, chính sách, mà còn được thể hiện trong các hành động cụ thể của Người. Người đã dành nhiều thời gian thăm hỏi thương binh, bệnh binh ở các bệnh viện và những cuộc thăm viếng của Người làm cho thương binh, bệnh binh, các bác sỹ, y tá, nhân viên phục vụ vô cùng phấn khởi, cảm động. Đây là một yếu tố quan trọng góp phần vào việc chữa trị thương binh, bệnh binh chóng lành bệnh. Đặc biệt, Người thường đến đặt vòng hoa, mặc niệm ở các nghĩa trang liệt sỹ, đài liệt sỹ trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Ngày 01/9/1969, chỉ trước khi Người mất một ngày, vẫn có vòng hoa của Người gửi viếng các liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Hà Nội (Mai Dịch).

Những tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và tấm gương của Người trong công tác thương binh, liệt sỹ đã được Đảng ta vận dụng, kế thừa, phát huy và cụ thể hóa thành nhiều chương trình, chính sách, có hệ thống và với hành động cụ thể, thiết thực trên mọi lĩnh vực của đời sống thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng, như: Chế độ đãi ngộ, các ưu tiên, ưu đãi về giáo dục, đào tạo, tổ chức cán bộ… thể hiện rõ việc tiếp thu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thương binh, gia đình liệt sỹ, phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 112
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.262
Năm 2024 : 570.608