A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta và nhân loại kho tàng di sản lý luận quý báu, trong đó có tư tưởng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đây cũng chính là cơ sở lý luận quan trọng để Đảng ta vận dụng sáng tạo và đề ra những giải pháp chiến lược cho sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Trước hết, tư tưởng xây dựng nền quốc phòng toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải biết dựa vào dân, phát động một cuộc chiến tranh nhân dân, dùng sức mạnh của toàn dân để đánh thắng kẻ thù. Người khẳng định: Dân là chủ, kháng chiến kiến quốc là sự nghiệp của dân; có dân là có tất cả; khởi nghĩa toàn dân để giành lại nền độc lập cho dân tộc, kháng chiến toàn dân để giữ vững nền độc lập ấy. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh viết: "Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc". Trong quá trình kháng chiến, Người đã nhiều lần khẳng định: 20 triệu đồng bào Việt Nam quyết đánh tan mấy vạn quân thực dân phản động. Bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Người kêu gọi toàn dân với tinh thần: Mỗi làng xóm là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ, quyết tâm "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

Hai là, xây dựng lực lượng quân sự bao gồm ba thứ quân (Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích), kết hợp xây dựng lực lượng chính trị rộng khắp và chặt chẽ giữa đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, sử dụng linh hoạt các phương pháp tiến công.

Tư tưởng này được thể hiện rõ trong Chỉ thị thành lập Đội  Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tháng 02/1944): “Trong khi tập trung lực lượng để thành lập một đội quân đầu tiên cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện”. Người chỉ rõ: Muốn có quân đội vũ trang, phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị ngày càng đông. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị tự nguyện vác súng thì mới thắng được. Vì vậy, Người luôn chú trọng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tập hợp mọi tầng lớp nhân dân trong một mặt trận dân tộc thống nhất. Ở Hồ Chí Minh, giữa chính trị và quân sự có mối quan hệ mật thiết. Dùng chính trị để phục vụ cho quân sự, dùng quân sự để xây dựng chính trị và kết hợp chính trị với quân sự để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc bằng tinh thần và sức mạnh của toàn dân.

Ba là, tư tưởng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Nền quốc phòng của nước ta là nền quốc phòng toàn dân. Đó là nền quốc phòng mang tính chất hòa bình, tự vệ và mang bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa; nhiệm vụ của nó không chỉ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc mà còn bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và cũng không chỉ chống giặc ngoài, mà còn chống cả thù trong. Vì vậy, Người nhấn mạnh: Phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện. Nghĩa là nhân dân phải là chủ thể của nền quốc phòng, mọi người dân đều có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia xây dựng nền quốc phòng vững mạnh toàn diện, có sự gắn kết chặt chẽ giữa quốc phòng với an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa-xã hội…

Bốn là, kết hợp giữa kháng chiến và kiến quốc, giữa mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng này được thể hiện rất rõ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Người chủ trương "Vừa kháng chiến vừa kiến quốc", khẩn trương xây dựng chính quyền và Mặt trận Liên Việt, kêu gọi toàn dân thi đua ái quốc "Chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc ngoại xâm", "Hậu phương thi đua với tiền phương", "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", thi đua thực hành cần, kiệm, liêm, chính, thi hành đúng chủ trương của Đảng và Chính phủ, thực hiện chính sách bồi dưỡng sức dân để kháng chiến lâu dài.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Người chủ trương xây dựng miền Bắc làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam và là cơ sở vững chắc cho công cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Người đã động viên quân và dân miền Bắc ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội trong điều kiện cả nước có chiến tranh, phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, đánh bại chiến tranh phá hoại của địch và chi viện cho miền Nam, với tinh thần "Tất cả vì miền Nam ruột thịt".

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, mà còn là nhà quân sự thiên tài. Tư chất thiên tài quân sự của Người được hình thành và phát triển trong suốt quá trình hoạt động cách mạng phong phú, trên cơ sở tiếp thu học thuyết quân sự của chủ nghĩa Mác-Lênin, truyền thống quân sự đặc sắc của dân tộc ta và tinh hoa quân sự thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự, quốc phòng, mà cốt lõi là về xây dựng nền quốc phòng toàn dân có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, là tài sản vô giá của Đảng, nhân dân và dân tộc ta. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay, kỷ niệm 30 năm ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2019) mỗi cán bộ, đảng viên cần tích cực nghiên cứu, học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng nền quốc phòng toàn dân một cách sáng tạo, phù hợp với nhiệm vụ được giao.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 200
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.350
Năm 2024 : 570.696