A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ

Với tầm nhìn chiến lược và tình thương yêu dành cho thanh thiếu nhi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và đánh giá đúng đắn vai trò của thế hệ trẻ. Tư tưởng của Người về giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau vẫn luôn mang tính thời sự, mang giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ để phục vụ sự nghiệp cách mạng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Bác đã viết thư gửi  học sinh nhân ngày khai trường (Tháng 9/1945): “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Trong Thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết Nguyên đán 1946, Người đã dành những lời đẹp nhất để ca ngợi tuổi trẻ và vai trò của lớp trẻ: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Trong Thư gửi các bạn thanh niên năm 1947, Người khẳng định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên”. Trong thực tế, vai trò, sức mạnh của thế hệ trẻ Việt Nam không phải là cái có sẵn, bất biến và tất yếu. Muốn huy động sức trẻ, Đảng, Nhà nước phải thực hiện thành công chiến lược “Trồng người”. Chiến lược đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết trong Đại hội giáo viên giỏi toàn quốc năm 1958: “Vì sự nghiệp mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. “Trồng người” xét về khía cạnh nào đó cũng giống như trồng cây. Nếu trồng cây phải chăm lo, vun xới mầm cây nhỏ bé, yếu ớt để nó phát triển thành  cây khỏe mạnh, có ích cho đời thì “Trồng người” cũng phải bắt đầu bằng việc dạy dỗ, uốn nắn, giáo dục từ khi còn thơ ấu. Người viết: “Phải uốn cây từ lúc cây non, đừng để cho tâm hồn các cháu bị vẩn đục vì chủ nghĩa cá nhân”. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chiến lược “Trồng người”, coi việc giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ là một trọng tâm của chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, là quốc sách phát triển đất nước. Theo Bác, để thực hiện tốt sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ cần xây dựng nội dung và phương pháp giáo dục cho phù hợp.

Về nội dung giáo dục, Bác chủ trương xây dựng một nền giáo dục toàn diện, bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ, nhưng phải đặt đạo đức, lý tưởng, tình cảm cách mạng lên hàng đầu; về phương pháp giáo dục, Bác chỉ rõ, phương pháp, biện pháp bồi dưỡng thế hệ trẻ trước hết phải xuất phát từ những đặc điểm của chính họ. Bởi vì thế hệ trẻ là lớp người trẻ tuổi, đang khát khao lý tưởng, có nhiều ước mơ, hoài bão cao đẹp, trong sáng, ham hiểu biết, ham khám phá, nhạy bén với cái mới, giàu tính sáng tạo… nhưng lại nông nổi, dễ bị tác động và thiếu kinh nghiệm nên dễ vấp ngã, dễ nản lòng. Do đó, giáo dục thế hệ trẻ phải gắn với các phong trào cách mạng, chứ không phải “Đào tạo ra những con người thuộc sách làu làu”; xây dựng, nhân rộng trong thế hệ trẻ các gương điển hình người tốt-việc tốt; bố, mẹ, thầy giáo và người lớn phải làm gương cho các em trước mọi việc, vì một tấm gương tốt có giá trị hơn trăm bài văn diễn thuyết; phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình-nhà trường-đoàn thanh niên-xã hội để giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ; bản thân thế hệ trẻ phải ra sức học tập, tu dưỡng mọi nơi, mọi lúc, suốt đời. Người cũng từng dặn dò: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà”.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc chăm lo giáo dục, bồi dưỡng toàn diện cho thế hệ trẻ, đồng thời tạo mọi điều kiện cho thế hệ trẻ được phát huy tài năng, sức lực vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Để đất nước ngày càng phát triển, sánh vai với các cường quốc, năm châu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi đảng viên chúng ta cần góp sức cùng với Đảng, Nhà nước thực hiện tốt việc “Trồng người” theo lời dạy của Bác thông qua những việc làm thiết thực, hiệu quả.


Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 204
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.354
Năm 2024 : 570.700