A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong cách mạng Tháng Tám năm 1945

Trong trang sử dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam, cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những mốc son chói lọi, một bước ngoặt vĩ đại của dân tộc, Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Thắng lợi cách mạng Tháng Tám là sự minh chứng cho tính đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc.

 


Nhận thức sâu sắc quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, do đó đoàn kết toàn dân là một tư tưởng lớn xuyên suốt trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 11/1924, Người từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, quy tụ những thanh niên - trí thức yêu nước ưu tú, mở lớp huấn luyện để đào tạo thành một lớp cán bộ tài năng, chuẩn bị cho sự nghiệp thành lập Đảng - cứu nước vĩ đại. Ngay từ những bài học đầu tiên, Người đã chỉ ra rằng: “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một, hai người”. 
Trong thư Kính cáo đồng bào (6/1941), Người viết: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại đánh đổ bọn đế quốc và bọn Việt gian đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng …Chúng ta hãy tiến lên! Toàn thể đồng bào tiến lên! Đoàn kết thống nhất đánh đuổi Pháp, Nhật”. Để khẳng định tư tưởng đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết luận: “Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết” .
Từ nhận thức đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định rằng, để thực hiện được nhiệm vụ giải phóng dân tộc cứu nước, phải gấp rút lập một hình thức mặt trận có thành phần rộng rãi, có tên gọi thích hợp, có sức mạnh hiệu triệu đồng bào cả nước. Trước tình hình thế giới và trong nước có nhiều thay đổi, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ (1/9/1939), Nhật qua đường Lạng Sơn vào Việt Nam (22/9/1940), Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Diễn ra từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941) do Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập và chủ trì đã đề ra đường lối chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, trong đó đã đưa ra một nghị quyết đúng đắn, sáng tạo về đường lối đoàn kết dân tộc là thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất với tên gọi Việt Nam Độc Lập Đồng Minh(Gọi tắt là Việt Minh) nhằm liên hiệp tất cả các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, cùng nhau đánh Pháp, đuổi Nhật, giải phóng dân tộc, xây dựng nước Việt Nam tự do và độc lập. 
Giữa lúc cao trào kháng Nhật cứu nước đang diễn ra sôi nổi, ngày 13/8/1945, Chính phủ Nhật đầu hàng Đồng Minh không điều kiện, cơ hội ngàn năm có một để giải phóng dân tộc đã đến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị phải gấp rút triệu tập Đại hội Đại biểu Quốc dân để thành lập Chính phủ lâm thời cách mạng của nước Việt Nam. Ngày 16/8/1945 Quốc dân Đại hội Tân Trào diễn ra. Đây là một “Hội nghị Diên Hồng” của Nhân dân ta trong thế kỷ XX. Đại hội đã thay mặt toàn thể quốc dân hưởng ứng hiệu triệu tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân thực hiện chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng cộng sản Đông Dương và chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, nhấn mạnh rất rõ về tinh thần đoàn kết dân tộc, khẳng định đây là sức mạnh vô cùng to lớn để giành được độc lập, tự do:“Hỡi đồng bào yêu quý! Bốn năm trước đây, tôi có thư kêu gọi đồng bào ta đoàn kết. Vì có đoàn kết mới có lực lượng, có lực lượng mới giành được độc lập, tự do… Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”. Thực hiện lời kêu gọi của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả dân tộc Việt Nam muôn người như một, vùng lên, tạo thành ưu thế áp đảo, giáng một đòn quyết định vào các cơ quan đầu não, làm tê liệt mọi sự kháng cự của phát xít Nhật và bọn tay sai. Nhờ sức mạnh đoàn kết, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám của Nhân dân ta đi đến thành công rực rỡ, lần đầu tiên trong lịch sử, chính quyền cả nước thuộc về Nhân dân Việt Nam.
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước cuộc mít tinh khổng lồ của gần một triệu đồng bào, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã chứng tỏ nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là đã xây dựng và phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mặc dù 73 năm đã trôi qua, Cách mạng Tháng Tám vẫn là một sự kiện diệu kỳ trong lịch sử dân tộc Việt Nam và nhân loại. Ở đó khối đại đoàn kết toàn dân không những được khôi phục, củng cố mà còn được Hồ Chí Minh nâng lên tầm cao mới, kết hợp với sức mạnh của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, tạo ra sức mạnh hồi sinh mạnh mẽ để bùng phát kịp thời khi thời cơ đến. Lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc Việt Nam được thổi lên trong Cách mạng Tháng Tám và đã tiếp tục được phát huy cao độ làm nên chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Dân tộc Việt Nam, nhân loại tiến bộ yêu chuộng hòa bình lại càng yêu quý, khâm phục, tôn vinh thiên tài lãnh đạo và tổ chức thực hiện cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Phát huy truyền thống đại đoàn kết trong Cách mạng Tháng Tám, cùng với những thành quả quan trọng đạt được trong công cuộc đổi mới hiện nay, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam cần phải luôn được giữ vững và ngày càng được phát huy cao độ hơn bao giờ hết để tạo thành động lực tinh thần và sức mạnh tổng hợp, giúp dân tộc ta chiến thắng mọi thế lực, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, phát triển đất nước ngày càng vững mạnh như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn:

"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết 

Thành công, thành công, đại thành công".


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 102
Hôm qua : 1.974
Tháng 12 : 55.365
Năm 2024 : 992.063