A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Giá trị, ý nghĩa trường tồn bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cách đây 50 năm, trước khi đi xa Bác Hồ đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một văn kiện lịch sử vô giá được kết tinh từ tư tưởng, đạo đức, phong cách của một vĩ nhân, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, đó là Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua Di chúc của Người mang giá trị cách mạng, khoa học, nhân văn, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc và đến nay còn nguyên giá trị với các nội dung cơ bản như: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, xây dựng đất nước sau chiến tranh, đoàn kết quốc tế...

Thứ nhất, Di chúc có giá trị tư tưởng, lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền: Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Đảng ta là Đảng cầm quyền”, vì vậy để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với Nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình. Vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng; thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ Nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên; công tác chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ chiến lược, là công việc thường xuyên để giữ vững vai trò lãnh đạo và cầm quyền của Đảng. Bên cạnh đó, Đảng phải chăm lo phát triển lực lượng cho hiện tại và chuẩn bị cho tương lai một thế hệ trẻ vừa “hồng” vừa “chuyên”, có như vậy mới thực hiện thành công lý tưởng xây dựng một xã hội mới, tiến bộ, văn minh. Người dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, đó là công việc bồi dưỡng lý tưởng cộng sản, giáo dục truyền thống yêu nước, ý thức rèn luyện đạo đức cách mạng, đào tạo nguồn nhân lực kế tục sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa; cách mạng Việt Nam không thể tách rời cách mạng thế giới, bởi vì sự vững mạnh của Đảng còn được khẳng định trong mối quan hệ đoàn kết chặt chẽ với các đảng cộng sản và bè bạn quốc tế.

Thứ hai, Di chúc có giá trị tư tưởng, định hướng lý luận về xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: Di chúc là điểm kết tinh tư tưởng của Bác về độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào hoàn cảnh Việt Nam, mối quan hệ giữa công bằng và tiến bộ xã hội, mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá trong xây dựng xã hội mới, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và sức mạnh thời đại, động lực lợi ích và chăm lo chu đáo tới cuộc sống con người, tư tưởng trọng dân, coi dân là gốc, là chủ thể của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước.

Di chúc như một Cương lĩnh, kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội như: Đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội; sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; phát triển công tác vệ sinh, y tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội...

Di chúc phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm, đổi mới là một tất yếu để phát triển; đổi mới là một cuộc đấu tranh bền bỉ, một quá trình xây dựng gian khổ, "Là một công việc cực kỳ to lớn, nặng nề và phức tạp”, là “Cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân.

Ba là, Di chúc sáng ngời đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Trong đoạn cuối Di chúc Người viết “Về việc riêng” nhưng lại không thổ lộ những điều ấp ủ, thầm kín, riêng tư dành riêng cho cá nhân. Người ra đi không mang theo gì cho mình, để lại tất cả trọn vẹn cho Đảng, cho dân. Người chỉ có một điều tiếc duy nhất là “Không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều nữa” và căn dặn khi Người mất: “Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của Nhân dân”. Đối với thân thể mình, Người yêu cầu đốt đi để “Đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng”, “Tro xương thì tìm một quả đồi mà chôn… trên mộ nên xây một cái nhà đơn giản, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm có chỗ nghỉ ngơi”. Ở đây thể hiện rõ đạo đức cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư và lòng yêu thương con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện hữu trọn vẹn sáng ngời. Trước khi ra đi Người vẫn nghĩ cho toàn Đảng, toàn dân tộc Việt Nam.

Bản Di chúc từ ngày công bố đến nay đã 50 năm, nhưng những nội dung cơ bản của bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. Nghiên cứu bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng thấy tầm vóc tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người sáng ngời, có sức sống vượt thời gian đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiên cứu nghiêm túc, quán triệt sâu sắc, đồng thời suy ngẫm và chuyển hóa vào tình cảm, thái độ, động cơ, đặc biệt phải chiến thắng những cám dỗ của lợi ích cá nhân, từ đó sẵn sàng cống hiến hi sinh cho Nhân dân và cho Đảng.


Tác giả: Nguyễn Nga
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 204
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.354
Năm 2024 : 570.700