A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Giáo dục và Đào tạo

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá rất cao vai trò của giáo dục đối với sự hưng thịnh của đất nước. Chắt lọc tinh hoa của nhân loại, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác- Lênin vào điều kiện thực tiễn đất nước, Hồ Chí Minh đã từng bước cùng với Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc xây dựng nền giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển. Sự cống hiến của Người về Giáo dục – Đào tạo cả mặt lý luận và thực tiễn là vô giá, đem lại nhiều thành tựu, niềm vinh quang cho nền giáo dục mới ở Việt Nam, tạo nền tảng đưa dân tộc ta sánh vai cùng các cường quốc năm châu trong giai đoạn hiện nay.

Nhận thức rõ Giáo dục – Đào tạo có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao dân đức, mở mang dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo sức mạnh để phát triển đất nước. Do đó, sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc giải quyết nạn dốt là một trong những nhiệm vụ vừa cơ bản vừa cấp bách. Bởi vì theo Người: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Vì vậy, Người kêu gọi: Phải làm cho nhân dân biết đọc, biết viết, xoá nạn mù chữ, từng bước nâng cao dân trí. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh: Giáo dục sẽ tạo ra tính liên tục của cách mạng. Bởi vì giáo dục là yếu tố quyết định trực tiếp nâng cao trình độ học vấn, trình độ khoa học - cả khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật - chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, trình độ tổ chức quản lý... Giáo dục sẽ giúp cho người học có một vốn liếng về lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam và thế giới, mà nếu không có nó thì sẽ không giữ vững được nền độc lập dân tộc, không thể tham gia một cách tích cực và có hiệu quả vào công việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ảnh tư liệu: Bác Hồ thăm và nói chuyện với thầy và trò Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964


Với tầm nhìn thời đại và tư duy toàn cầu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những mục tiêu của giáo dục là: Đào tạo các em thành những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, phát triển toàn diện con người, thúc đẩy hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em; học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại; học để sửa chữa tư tưởng; học để tu công đạo đức cách mạng; học để tin tưởng... Muốn đạt được những mục tiêu đó thì nội dung giáo dục phải gắn với thực tiễn Việt Nam, học đi đôi với hành, lý luận phải liên hệ với thực tế, học tập phải kết hợp với lao động sản xuất. Giáo dục phải kết hợp cả ba khâu gia đình, nhà trường và xã hội. Xem nhẹ bất kỳ khâu nào cũng đều hạn chế đến kết quả của giáo dục, hơn nữa có thể đưa lại những hậu quả khó lường.

Để nền giáo dục của Việt Nam ngày càng phát triển, theo Hồ Chí Minh, vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là đội ngũ những người thầy giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Bởi vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Do đó, cần thiết phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo, cô giáo tốt. Đó là những người yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu, chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức cách mạng, thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Đồng thời Bác nhấn mạnh:  “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình” và Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Học không biết chán, dạy không biết mỏi” và lời dạy của Lênin: “Học, học nữa, học mãi” để chỉ ra rằng người huấn luyện nào tự cho mình là đã biết đủ rồi thì người đó dốt nhất.

Bối cảnh đất nước, thế giới và thực tiễn Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với lúc Bác Hồ còn sống, nhưng những nguyên lý giáo dục và đào tạo của Người để lại cho chúng ta thì vẫn còn nguyên giá trị. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,  mỗi chúng  ta cần phải gương mẫu tập trung chống bệnh thành tích, bệnh bằng cấp trong giáo dục, góp phần xây dựng một đội ngũ “Thầy ra thầy”, tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết đại hội Đảng các cấp đã đề ra, trong đó có Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, qua đó góp phần làm cho Đảng bộ tỉnh Hà Giang, đất nước Việt Nam ngày càng phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 281
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.431
Năm 2024 : 570.777