A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm với Tổ quốc, với Nhân dân. Người đã hi sinh cả cuộc đời mình cho hoạt động cách mạng, giải phóng dân tộc, chăm lo cho cuộc sống của Nhân dân với tâm nguyện “Cả đời tôi chỉ có một mục đíchlà phấn đấu cho quyền lợi Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân.

Là một tấm gương cao cả, sáng ngời về tinh thần trách nhiệm của người chiến sĩ cách mạng, đảng viênĐảng cộng sản, vị lãnh tụ hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, nhưng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tinh thần trách nhiệm lại rất giản dị, đó là:

Thứ nhấttích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao. Nghĩa là, khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao bất kỳ việc to hay việc nhỏ, việc khó hay dễ, cũng phải dốc sức mà làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri. 

Thứ haiý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng, chuyên tâm. Do đó, cán bộ, đảng viên phải ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình để hoàn thành nhiệm vụ được phân công để tương xứng với cương vị, vị trí công tác.

Thứ banắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng. Theo Người, để thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, cán bộ, đảng viên không chỉ cần chịu khó giải thích, tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức Nhân dân tham gia, mà còn phải bàn bạc, hỏi ý kiến, biết thu nhận sáng kiến của quần chúng trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, phải gắn kết chặt chẽ giữa chính sách, nhiệm vụ và đường lối quần chúng. 

Thứ tưtrái ngược với tinh thần trách nhiệm là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi.Quan liêu, theo Hồ Chí Minh, là xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng dẫn đến nguy cơ phá hoại Đảng, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức bệnh quan liêu dẫn tới chỉ biết dùng mệnh lệnh, không biết giải thích, tuyên truyền. Làm việc hấp tấp hay làm việc vì cái lợi của bản thân đều không phải là người có tinh thần trách nhiệm.

Theo đó, trong công cuộc cách mạng hiện nay, để nâng cao tinh thần trách nhiệm theo tư tưởng và tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động cần phải: (1) Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn với vị trí công tác của mình. Có nghĩa, mỗi cán bộ, đảng viên cần phải tự giác, phấn đấu, nỗ lực trong rèn luyện, học tập và lao động sản xuất, xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ, phần việc được giao, dù ở mọi vị trí, lĩnh vực công tác. Đồng thời, phải trung thực, không tranh công, không đổ lỗi trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Nếu kết quả thực hiện không tốt, phải dám nhận khuyết điểm, dám gánh chịu hậu quả. (2) Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nhận thức sâu sắc rằng: Công chức không phải chỉ là một chức danh mà là một sứ mệnh. Sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức là những người tiêu biểu, đi đầu, nêu gương trước Nhân dân. Do đó, phải nghiêm túc thực hiện các văn bản chỉ đạo về nêu gương như: Quy định 101-QĐ/TW, ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp”, Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”… (3) Tự mình rèn luyện để vượt qua và chống lại những nhận thức, quan điểm sai trái, nhất là kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống bệnh quan liêu và thói vô cảm trước những vất vả, khó khăn của Nhân dân. Tự giác thực hiện nghiêm Quy định 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Những điều đảng viên không được làm”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, gắn với nêu cao tinh thần trách nhiệm với tự phê bình và phê bình…

Nêu cao tinh thần trách nhiệm là thể hiện phẩm chất đạo đức cách mạng của từng cán bộ, đảng viên. Trước tình hình thực tiễn hiện nay, có nhiều yếu tố đan xen, tác động, điều đó càng đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải xác định rõ và phát huy trách nhiệm của bản thân, vượt qua những khó khăn, thách thức, nhất là những yếu tố tiêu cực của cơ chế thị trường, xây dựng và thực hiện tốt đạo đức nghề nghiệp, từ đó hoàn thành nhiệm vụ với chất lượng, hiệu quả cao, tạo động lực cho bản thân và đồng chí, đồng nghiệp cùng hăng hái, phấn đấu. Đó cũng chính là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh một cách thiết thực nhất.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 199
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.349
Năm 2024 : 570.695