A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân là sự vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, sự kế thừa, phát triển truyền thống, kinh nghiệm trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và thực tiễn cách mạng Việt Nam. Tư tưởng đó đã góp phần quan trọng huy động mọi nguồn lực của đất nước, dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp ngăn ngừa, sẵn sàng chiến đấu và đánh thắng quân xâm lược. Cho đến nay tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân và lực lượng vũ trang nhân dân vẫn còn nguyên giá trị.

Theo Người, xây dựng nền quốc phòng toàn dân là yêu cầu khách quan của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, nhằm tăng cường tiềm lực, sức mạnh quốc phòng để bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng và duy trì hoạt động của chính quyền nhà nước chuyên chính vô sản. Nhận thức sâu sắc luận điểm của V.I.Lê-nin: “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự bảo vệ”, bám sát điều kiện thực tiễn cách mạng nước ta khi mới giành được chính quyền (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Nước ta mới giành lại quyền độc lập tự do, nhưng còn phải trải qua nhiều bước khó khăn, để củng cố quyền tự do, độc lập đó, vậy nên quốc dân ta, bất kỳ già trẻ, đều phải ra sức gánh vác một vai”. Với quan điểm quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân, có dân là có tất cả, lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết, không ai chiến thắng được lực lượng đó; không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc, Hồ Chí Minh khẳng định: “Nền quốc phòng Việt Nam phải là nền quốc phòng toàn dân, do toàn dân xây dựng và dựa vào sức mạnh của toàn dân để bảo vệ Tổ quốc”.

Bác Hồ nói chuyện với nhân dân tại đình Tân Trào năm 1961 (Ảnh tư liệu)


Theo Hồ Chí Minh, xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải gắn với một nền quốc phòng toàn diện, cả về chính trị, tinh thần, kinh tế, khoa học - công nghệ và quân sự. Bởi vì, muốn thực hiện toàn dân kháng chiến, ngoài việc động viên quân sự, chính trị, ngoại giao còn phải động viên tinh thần lẫn kinh tế. Vì thế, Người yêu cầu toàn thể nhân dân ta phải củng cố về mọi mặt chính trị, quốc phòng, kinh tế và văn hóa. Người chỉ rõ  xây dựng quốc phòng toàn dân cần phải chú trọng các địa bàn xung yếu, có vị trí chiến lược như miền núi, biển, đảo... Bên cạnh đó phải chăm lo đến việc củng cố, duy trì trật tự trị an, để chủ động tiêu diệt nhanh chóng bọn biệt kích, đập tan âm mưu của bọn phản động.

Quá trình xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân phải gắn kết chặt chẽ với xây dựng thế trận an ninh nhân dân để vừa đáp ứng yêu cầu chống quân xâm lược, bảo vệ độc lập, chủ quyền, vừa giữ vững an ninh - chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an ninh, quốc phòng.

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân để làm nòng cốt cho toàn dân bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Người chỉ rõ: “Muốn có đội quân vũ trang, phải có đội quân tuyên truyền vận động, đội quân chính trị trước đã, nên phải làm ngay, sao cho đội quân chính trị này càng đông. Phải có quần chúng giác ngộ chính trị, tự nguyện cầm súng thì mới thắng lợi và các đoàn thể cách mạng càng phát triển, quần chúng đấu tranh chính trị càng mạnh thì càng có cơ sở vững chắc để tổ chức lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ trang”. Trong chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (Ngày 22/12/1944), Người đã đề cập về việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân ba thứ quân: “Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích”. Bác giải thích: “Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, phải vận động toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương. Bộ đội chủ lực là lực lượng quan trọng nhất của quân đội nhân dân, là lực lượng cơ động chiến lược trên địa bàn cả nước hoặc từng chiến trường, là lực lượng chủ yếu để tiến hành tác chiến tập trung; lực lượng vũ trang cơ động của địa phương cùng với quân dân tự vệ bảo vệ địa phương và phối hợp với bộ đội chủ lực”.

Bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang đó là: ''Trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng''. Người cho rằng: ''Nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị'', ''quân sự mà không có chính trị, như cây không có gốc, vô dụng mà lại có hại''. Mặt khác, cần phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa xây dựng con người với trang bị vũ khí theo quan điểm: ''Người trước súng sau'', ''vũ khí là cần, nhưng quan trọng là người cầm súng'', cán bộ, chiến sĩ phải vừa có tâm, vừa giỏi về nghệ thuật quân sự. Cán bộ là ''gốc'' của mọi công việc, là khâu trọng yếu của một dây chuyền.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân chứa đựng những nhân tố bền vững đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn cách mạng Việt Nam là hoàn toàn đúng đắn. Tư tưởng này có giá trị, ý nghĩa lâu dài đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay và trong tương lai. Tích cực nghiên cứu, học tập, nắm vững Tư tưởng Hồ Chí Minh về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân sẽ góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.             


Thống kê truy cập
Hôm nay : 281
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.431
Năm 2024 : 570.777