A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền ở Việt Nam

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cầm quyền là hệ thống các quan điểm lý luận mang bản chất cách mạng, khoa học về Đảng và công tác xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng lãnh đạo chính quyền, bảo đảm thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam.

 

Với tư cách một lãnh tụ của Đảng, Hồ Chí Minh không bao giờ quên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải nhớ đến trách nhiệm của một Đảng cầm quyền. Người luôn chú ý giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên và toàn Đảng nói chung về trách nhiệm của Đảng đối với Nhân dân, đối với Nhà nước của dân cũng như đối với toàn dân tộc. Cho đến cuối đời, trong Di chúc, Người vẫn không quên nhắc lại: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. 


Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng đã thuộc về Nhân dân, thì tất cả quyền lực Nhà nước phải thuộc về Nhân dân. Để đạt mục tiêu ấy, Hồ Chí Minh luôn suy nghĩ và lo lắng rằng Đảng cầm quyền phải làm thế nào để Nhân dân thực sự làm chủ, thực sự nắm quyền lực Nhà nước, thực hiện lý tưởng cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. 
Nói về bản chất của Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Những người cộng sản chúng ta không một phút nào được quên lý tưởng cao cả của mình là phấn đấu cho Tổ quốc hoàn toàn độc lập, cho chủ nghĩa xã hội hoàn toàn thắng lợi trên đất nước ta và trên thế giới. Đó là mục tiêu lý tưởng của Đảng đề ra khi mới thành lập mà bất cứ một đảng viên nào khi vào Đảng đều được nhắc đến lý tưởng cao cả đó như một điều kiện đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nhưng khi Đảng đã trở thành một Đảng cầm quyền, không ít đảng viên dễ quên đi cái lý tưởng cao cả mà mình vẫn tâm niệm, tuyên thệ. Thấy rõ nguy cơ biến chất, tha hoá của một Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở đảng viên phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, không được chủ quan tự mãn khi đã nắm quyền trong tay, không được biến thành những “ông quan cách mạng”. Không phải ngẫu nhiên Hồ Chí Minh lại luôn đề cao đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân một cách quyết liệt như chúng ta đã thấy. Theo Hồ Chí Minh, quyền mà Đảng có được, là do dân, nhờ dân và của dân, cho nên, cầm quyền không phải là đứng trên dân như cách hiểu của những người trong xã hội cũ mà là công bộc thực sự của Nhân dân. Hơn nữa, Hồ Chí Minh còn đòi hỏi Đảng phải “Là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”

Trong bối cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự giao lưu, hợp tác rộng rãi với các nước trên thế giới, đã có không ít cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất. Nếu mỗi đảng viên cũng như toàn Đảng không có ý thức nâng cao cảnh giác, không ra sức tu dưỡng đạo đức cách mạng và chống những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, thì Đảng không chỉ mất vị trí lãnh đạo, mà còn mất vị trí cầm quyền. Đó là bài học đã diễn ra ở một số nước xã hội chủ nghĩa. Đương nhiên, Đảng ta không phải là ngoại lệ, nếu không thực hiện kiên quyết và nghiêm túc những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền và Nhà nước của dân, do dân và vì dân. 
 Để thấy rõ vai trò của Đảng cầm quyền theo quan điểm Hồ Chí Minh, cần phải làm rõ quan điểm của Người về Nhà nước kiểu mới của dân, do dân và vì dân. Nói đến trách nhiệm của Đảng cầm quyền, Hồ Chí Minh cho rằng một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng là phải đảm bảo cho Nhân dân thật sự quản lý công việc của Nhà nước. Đảng không chỉ chịu trách nhiệm lãnh đạo Nhà nước mà cần phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân về mọi hoạt động của Nhà nước. Đảng mạnh thì Nhà nước mạnh. Nhà nước hoạt động tốt, không quan liêu, không tham nhũng thì không những Nhân dân yêu mến, tín nhiệm Nhà nước mà Nhân dân cũng tin tưởng, yêu mến Đảng. Cho nên, theo quan điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng cầm quyền gắn liền với Nhà nước kiểu mới. Điều đó phản ánh bản chất của Nhà nước kiểu mới và chỉ có Nhà nước ta, Nhà nước của dân, do dân và vì dân mới có hiện tượng dân thừa nhận một Đảng cầm quyền độc nhất. Bởi lẽ, Đảng đã vì dân thì tất nhiên dân cũng vì Đảng, bảo vệ Đảng và coi Đảng cầm quyền là của chính mình.

Đảng và Nhà nước, dưới con mắt của Nhân dân không phải là hai mà chỉ là một, là Đảng ta, Nhà nước ta. Nhưng, giữa Đảng và Nhà nước ta lại không thể lẫn lộn trách nhiệm. Hồ Chí Minh cũng đề phòng sự lẫn lộn này dẫn đến bao biện chức năng giữa Đảng và Nhà nước. Người cho rằng, Đảng cầm quyền phải phát huy được vai trò của Nhà nước với tư cách bộ máy do Nhân dân lập ra, dân giao phó những nhiệm vụ quản lý, điều hành đất nước. Nhà nước có mạnh thì dân mới mạnh. Còn Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng chủ trương, đường lối và phải tuân theo pháp luật chứ không thể đứng ngoài, đứng trên pháp luật. Đảng tôn trọng Nhà nước cũng có nghĩa là tôn trọng quyền làm chủ của Nhân dân, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng và Đảng cầm quyền là tài sản tinh thần thiêng liêng, vô cùng quý giá của toàn Đảng và toàn dân ta. Các cấp ủy đảng, mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và quán triệt sâu sắc những tư tưởng, quan điểm của Hồ Chí Minh, thật sự tự giác rèn luyện, tu dưỡng theo những lời dạy của Người. Làm được như vậy, nhất định Đảng ta sẽ giữ gìn được bản chất và truyền thống tốt đẹp, tiếp tục được Nhân dân tin yêu, ủng hộ. Đó là cội nguồn sức mạnh của Đảng, để Đảng ta luôn luôn xứng đáng “Là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của dân tộc”.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 296
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.446
Năm 2024 : 570.792