A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống của Nhân dân

Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân là nội dung cơ bản trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo động lực to lớn cho công cuộc đổi mới; đồng thời là giải pháp quan trọng, cấp bách trong xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị giai đoạn hiện nay.
 

Ý thức tôn trọng Nhân dân ở khía cạnh tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được hiểu là coi trọng, đề cao Nhân dân, ý dân, sức dân, bởi theo Bác: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”“Nếu không có Nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Vì vậy, Bác yêu cầu cán bộ, đảng viên hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, yêu kính Nhân dân, thật sự tôn trọng Nhân dân và cần phải được thể hiện ở hành động, việc làm là: Hiểu dân; không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân; phát huy dân chủ; luôn tôn trọng, chú ý giữ gìn của công, tài sản của Nhân dân…

Bác Hồ với Nhân dân. Ảnh: Tư liệu


Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Dân chủ được hiểu ngắn gọn: Dân là chủ và dân làm chủ. Từ chỗ đánh giá cao vai trò của Nhân dân, Bác nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Đó là phải làm thế nào để cho Nhân dân có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Muốn vậy, cán bộ, đảng viên phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, hỏi dân. Bác luận giải “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân…”Bên cạnh đó, muốn phát huy dân chủ, cần nâng cao dân trí, bồi dưỡng ý thức, năng lực làm chủ của Nhân dân, phát triển văn hóa chính trị và tính tích cực công dân, khuyến khích Nhân dân tham gia vào công việc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, đặc biệt tạo điều kiện cho Nhân dân dùng quyền dân chủ của mình, dám nói, dám làm.

Để thực hiện phong cách dân chủ, Bác nhấn mạnh mỗi cán bộ, đảng viên cần phải hiểu: “Nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình”. Người chỉ rõ: “Để phát huy ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng phải bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay”.

Về chăm lo đời sống Nhân dân, theo Bác muốn phát triển đất nước thì vấn đề vô cùng quan trọng là phải phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân, phát huy sức dân, lòng dân. Muốn vậy phải chăm lo đời sống của Nhân dân. Do đó, Người chỉ rõ nhiệm vụ của Đảng, cán bộ, đảng viên: Trước hết Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân; chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của Nhân dân. Nếu dân đói, dân rét, dân dốt, dân ốm thì Đảng và Chính phủ có lỗi; cán bộ, đảng viên phải gần gũi Nhân dân, quan tâm đến những việc nhỏ cho đời sống hằng ngày của Nhân dân, phải đặt lợi ích của Đảng và của Nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân. Vì vậy, cán bộcủa Đảng và chính quyền từ trên xuống dưới phải quan tâm lãnh đạo, tổ chức, giáo dục Nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được. Bác nhấn mạnh thêm: Tham nhũng là tội ác với dân, do đó cần nghiêm trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể là ai, ở cương vị nào.

Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cần chủ động, tích cực nêu gương trong thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao, không suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đặc biệt, phải thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân, chủ động nắm tâm tư, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của Nhân dân và có biện pháp giải quyết kịp thời. Bên cạnh đó, cần biết phát huy sức dân, huy động Nhân dân tham gia thực hiện các mục tiêu đề ra vì lợi ích chung của Nhân dân, địa phương, đất nước.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 200
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.350
Năm 2024 : 570.696