A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đẳng giới

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nhiều lần Người đề cao vai trò của người phụ nữ qua các bài nói chuyện, phát biểu, thư gửi chị em phụ nữ, các hội mẹ chiến sĩ… Qua đó, Người đã để lại cho Đảng, Nhà nước Việt Nam tư tưởng tiến bộ về sự bình đẳng giữa nam và nữ. Tư tưởng này cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trong bài viết “Nam nữ bình quyền” vào tháng 3 năm 1952, Người chỉ rõ những quan niệm, những cách hiểu sai lầm và đơn giản về quyền bình đẳng của người phụ nữ với nam giới: “Nhiều người lầm tưởng đó là việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng, bình quyền, lầm to”. Người luận giải gốc rễ của việc nam, nữ bình đẳng đâu chỉ nằm ở chuyện phân công lao động trong gia đình, cứ làm việc như nhau là có bình đẳng và cho rằng việc giành lại quyền bình đẳng cho phụ nữ là việc làm không dễ dàng gì: “Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó” bởi vì nó sẽ làm thay đổi hẳn quan niệm, cách nghĩ, cách cư xử bất công của xã hội đối với người phụ nữ từ bao đời nay. Vì vậy không thể dễ dàng, nhanh chóng, ngay lập tức mà thành được. Căn nguyên “trọng trai, khinh gái” được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra rất rõ ràng, đó là thói quen, là nếp nghĩ hàng nghìn năm nay của mỗi người trong xã hội, nó ăn sâu trong đầu óc mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”. Bởi thế, muốn cho nam, nữ bình quyền, không chỉ là việc phụ nữ được làm những công việc của nam giới, nam giới giúp đỡ phụ nữ, chia sẻ cùng phụ nữ những công việc gia đình, mà khó khăn hơn, cao hơn là chuyện thay đổi nếp nghĩ của cả một dân tộc đã ảnh hưởng sâu sắc bởi hệ tư tưởng phong kiến lạc hậu. Khi nào mỗi cá nhân, gia đình và mỗi tầng lớp xã hội chưa thay đổi được nếp nghĩ “trọng trai, khinh gái” thì khi đó người phụ nữ chưa thực sự được bình quyền với nam giới. Nhưng làm gì để cuộc cách mạng về bình đẳng giới được thành công? Bác chỉ rõ: “Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hoá, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công”.

Không chỉ nhấn mạnh sự bình đẳng giới, Người còn kêu gọi toàn dân bảo đảm quyền lợi cho người phụ nữ. Người lên án gay gắt thói xấu bạo hành phụ nữ của một số nam giới trong xã hội, trong bài “Phải thật sự bảo đảm quyền lợi của người phụ nữ” vào ngày 28 tháng 12 năm 1962, Bác viết: “Khinh rẻ phụ nữ và dã man nhất là thói đánh vợ. Trong Nhân dân và trong một số cán bộ và đảng viên vẫn còn cái thói xấu ấy”. Từ đó, Người kêu gọi: “Từ nay, đảng bộ, chính quyền và đoàn thể quần chúng (Trước hết là đoàn thể phụ nữ và thanh niên) cần phải ra sức tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình sâu rộng hơn nữa và phải chấp hành nghiêm chỉnh. Những thói dã man đánh vợ và ép con cần phải chấm dứt. Lợi quyền của phụ nữ cần được thật sự đảm bảo”. Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, lợi và quyền đầu tiên, quan trọng nhất của người phụ nữ vẫn là sự tôn trọng của nam giới, của xã hội đối với họ. Thói xấu khinh rẻ và bạo hành phụ nữ thể hiện sự mất bình đẳng nghiêm trọng về giới, khiến cho người phụ nữ không được tôn trọng, yêu thương.

Từ tư tưởng luôn luôn coi trọng phụ nữ, luôn hướng đến sự bình quyền giữa nam và nữ, Người nhấn mạnh phụ nữ cần được bình đẳng với nam giới trong tham gia công việc xã hội, Đảng và Nhà nước ta cần quan tâm đến công tác phát triển số lượng cán bộ nữ trong hàng ngũ đảng viên, đoàn viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý. Người luận giải: Tham gia lãnh đạo, quản lý là biểu hiện cao nhất và là điều kiện cơ bản để đảm bảo quyền bình đẳng thực sự của phụ nữ và để phụ nữ phát huy tài năng, trí tuệ của mình vì phụ nữ hoàn toàn có đủ khả năng, trí tuệ để đảm đương công việc này. Thậm chí, phụ nữ còn có một số ưu điểm, lợi thế hơn nam giới khi tham gia công việc lãnh đạo, quản lý.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong những năm qua Đảng và Nhà nước ta luôn nỗ lực để mang lại bình đẳng giới cho phụ nữ, đã có nhiều chế độ, chính sách nhằm bảo vệ phụ nữ, phát huy khả năng của phụ nữ trong việc lãnh đạo, quản lý. Nổi bật: Trong lĩnh vực chính trị, Việt Nam là một trong các quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng hơn 20 năm qua, đã hoàn thành trước thời hạn mục tiêu bình đẳng nam, nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ và minh chứng rõ Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước là nữ giới; trong lĩnh vực kinh tế và lao động, số lượng phụ nữ được đào tạo nghề ngày càng tăng qua các năm. Ngoài ra, quyền của phụ nữ về kinh tế đã được nâng lên thông qua việc pháp luật quy định phụ nữ cùng đứng tên với nam giới trong giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai, nhà ở và tài sản, cơ hội tiếp cận tín dụng của phụ nữ được cải thiện; trong lĩnh vực y tế, văn hóa-giáo dục và khoa học, Việt Nam là nước dẫn đầu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về các chỉ số bình đẳng giới thông qua việc cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục tới trẻ em gái, trẻ em trai, phụ nữ, nam giới, tỷ lệ mù chữ của nữ giới so với nam giới ngày càng giảm… Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có phụ nữ bị bạo hành, chưa thực sự được tạo điều kiện để phát huy hết khả năng, trí tuệ của mình. Vì vậy, để góp phần đảm bảo bình đẳng giới đối với phụ nữ thì mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cần quán triệt việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về bình đằng giới và nghiêm túc thực hiện trong thực tiễn.


Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 200
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.350
Năm 2024 : 570.696