A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo

Hồ Chí Minh là hiện thân của nhà giáo cách mạng, suốt đời vì nước, vì dân, vì nền giáo dục nước nhà, đời tư trong sáng giản dị, nói đi đôi với làm và là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học. Người đã từng đứng trên bục giảng với tư cách là một nhà giáo, tự thiết kế nội dung chương trình, tổ chức lớp học, giáo dục, đào tạo biết bao thế hệ cán bộ, những chiến sỹ ưu tú cho cách mạng Việt Nam. Người luôn quan tâm xây dựng đạo đức nhà giáo. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức nhà giáo rất sâu sắc và đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Sinh thời Bác luôn khẳng định: Nghề thầy giáo là rất quan trọng, rất vẻ vang; ai có ý kiến không đúng về nghề thầy giáo, thì phải sửa chữa. Trong bồi dưỡng thế hệ kế cận, vai trò của người thầy không chỉ dạy chữ mà còn dạy người, không chỉ truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, khơi nguồn sáng tạo mà còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống cho học sinh noi theo qua từng giờ lên lớp. Bởi vì thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu tới học sinh; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Nhiệm vụ của thầy cô giáo nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang và có vai trò quyết định đến chất lượng giáo dục, ươm mầm cho tương lai của đất nước. Do đó, thầy giáo, cô giáo phải có đạo đức cách mạng để đào tạo ra những cán bộ cách mạng cho tương lai đất nước.

Theo Người, cách mạng nói chung và nhà giáo nói riêng phải có phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đó là những phẩm chất không thể thiếu được đối với người làm thầy. Biểu hiện rõ nhất những phẩm chất này của người thầy giáo, cô giáo là dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt. Sự nghiệp trồng người không hề bằng phẳng dễ dàng mà đầy khó khăn, gian khổ. Vì vậy, không chỉ có quyết tâm, sự hy sinh mà phải có kế hoạch, biết tổ chức, có phương pháp làm việc khoa học mới hoàn thành được nhiệm vụ. Người thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương sáng về rèn luyện đạo đức và tự học, khi đánh giá kết quả của người học phải khách quan, công bằng, không thiên tư, thiên vị. Phẩm chất nhà giáo còn phải thể hiện ở tình yêu thương học trò và yêu nghề. Đây là mối quan hệ mật thiết, tác động hỗ trợ nhau. Thương yêu học trò sẽ dẫn đến yêu nghề và ngược lại. Đặc biệt, người thầy giáo phải quan tâm, săn sóc học trò với tình cảm sâu nặng như ruột thịt, song cách thể hiện phải phù hợp với từng lứa tuổi và cấp học. Ví dụ như: Ở bậc mẫu giáo và tiểu học, cô giáo, thầy giáo phải dành cho học trò một tình thương đặc biệt như tình cảm của cha, mẹ với các con, Bác căn dặn: Làm mẫu giáo tức là thay mẹ dạy trẻ. Muốn làm được thì trước hết phải yêu trẻ, hay phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình. Phải gương mẫu về đạo đức, sự gương mẫu ở đây là người thầy thực hiện trước hết những điều mình dạy học trò. Bởi vì muốn cho học sinh có đức thì giáo viên phải có đức. Ví như bảo học trò phải dậy sớm mà giáo viên thì trưa mới dậy. Cho nên thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu. Người thầy giáo, cô giáo có ý thức về sự gương mẫu của mình tức là đang tự hoàn thiện mình. Bên cạnh đó, thầy giáo, cô giáo phải gương mẫu và biết dạy học trò về phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, thương yêu lẫn nhau; đoàn kết nội bộ; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Gương mẫu về lĩnh vực đó, nghĩa là người thầy đang trên con đường xây dựng đạo đức cho mình. Việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của nhà giáo phải được thực hiện trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như đối với công việc, quan hệ đồng nghiệp, học trò, cha mẹ học trò, các tổ chức đoàn thể... Người căn dặn: Phải xây dựng "Quan hệ thật tốt, đoàn kết chặt chẽ, giữa thầy với thầy, giữa thầy và trò… giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường với nhân dân". Chỉ có rèn luyện công phu như vậy, người thầy mới có được những phẩm chất tốt đẹp cho các thế hệ học trò noi theo.

Có thể khẳng định, những tư tưởng về đạo đức nhà giáo mà Người nêu ra không chỉ có ý nghĩa với hiện tại mà còn có ý nghĩa với tương lai, sức sống lâu bền của tư tưởng Hồ Chí Minh đã được kiểm nghiệm. Lời dạy của Người cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Khi đất nước đang trên đường hội nhập quốc tế, nền kinh tế tri thức ngày càng phát triển thì vai trò của người thầy giáo, cô giáo càng quan trọng và cùng với đó là yêu cầu đặt ra cho những nhà giáo cũng ngày càng cao hơn.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 198
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.348
Năm 2024 : 570.694