A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đón Tết

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến văn hóa của dân tộc. Và một trong số đó là văn hóa đón Tết. Mỗi khi Tết đến, xuân về, Người luôn dành những lời khuyên nhủ tới cán bộ, đảng viên và nhân dân để mùa xuân và ngày tết cổ truyền của dân tộc càng thêm có nhiều ý nghĩa.

Bác khuyên cần đón tết tiết kiệm, trong bài "Mừng xuân vĩ đại" Bác nhắc nhở "Chúng ta mừng xuân một cách vui vẻ, tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí". Trên báo Nhân Dân số 2132, ngày 28/01/1960, trong bài "Mừng tết Nguyên đán thế nào?" Bác viết: "Suốt năm chúng ta thi đua lao động sản xuất. Nhân ngày tết Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nhưng chúng ta nên mừng xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền đều bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không xuân. Nên nhớ rằng chúng ta phải cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, không nên vì một cớ gì mà quên nhiệm vụ ấy”. Người thường dùng hình ảnh “Sản xuất mà không tiết kiệm như gió vào nhà trống”.

Nhân dịp về thăm Thanh Hóa (1957), Bác dặn dò cán bộ và nhân dân tỉnh Thanh Hóa: “Chúng ta làm việc suốt năm, vui ngày tết là xứng đáng, nhưng vui một cách lành mạnh thì nên vui. Tôi mong các cụ, các bà chống lãng phí, vì lãng phí chỉ có hại cho dân, cho nước, cho nhà, vì nó đưa đến phong tục hủ bại, rượu chè, hút xách...”

Trong bài "Mùa Xuân quyết thắng" trên báo Nhân Dân số 2147, ngày 03/02/1960, Bác khuyên trong những ngày Tết không nên chơi bời quá độ mà phải có chừng độ. Nếu chơi nhiều thì không tăng gia sản xuất, học tập được. Đón Tết, vui xuân trong ngày đầu năm phải nghĩ đến công việc của cả năm là làm thế nào để hoàn thành vượt mức kế hoạch. Có như vậy thì xuân sau chắc chắn thắng lợi hơn xuân này.

    Bác khuyên cần phải thực hiện Tết trồng cây, sinh thời, Bác Hồ mong mỗi người Việt Nam ta đón Tết cổ truyền dân tộc trong mùa xuân vui vẻ, xứng đáng với xuân và để mừng xuân bằng việc làm thiết thực-đó là Tết trồng cây. Bác từng nói: “Tết trồng cây mùa xuân thì trời vui, đất vui, người càng vui”, “Vui Tết trồng cây, nơi nơi phấn khởi, người người thi đua”. Bác nhấn mạnh: “Trồng cây tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều” và luận giải việc trồng cây mang lại nguồn lợi lớn về kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống nhân dân…”

Tư tưởng của Bác về Tết Việt và hội nhập, trong bài "Mừng Xuân vĩ đại" đăng trên báo Nhân Dân số 2141 ngày 27/01/1960, Bác viết: "Xưa kia, người ta chỉ mừng xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình. Ngày nay, chúng ta mừng xuân rộng rãi, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế giới". Có thể nói, tư tưởng hội nhập của Bác Hồ đã tạo tiền đề quan trọng cho cả nước ta từng bước hội nhập cùng quốc tế. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, khi xu thế toàn cầu hóa ngày càng mạnh mẽ, hội nhập đã và đang mang đến những cơ hội mới cho nền kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, kéo theo cơ hội đó cũng là những thách thức không nhỏ đòi hỏi chúng ta cần chủ động để “Hòa nhập chứ không hòa tan”, phát triển nhưng vẫn luôn giữ được bản sắc dân tộc.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quan tâm Tết cho người nghèo, vào đêm giao thừa của Tết đầu tiên sau ngày nước nhà giành được độc lập (1946), Bác và đồng chí thư ký cùng đi trong một ngõ nhỏ trên phố Sinh Từ, đó là nơi ở của một người kéo xe thuê ở tỉnh khác về làm ăn. Do không đủ tiền về quê ăn Tết, lại bị ốm, đang lên cơn sốt, người kéo xe thuê đón giao thừa mà trong phòng ở không có gì. Bác đứng lặng nhìn người kéo xe với tất cả lòng thương cảm. Sau khi thăm hỏi, Bác dặn đồng chí thư ký hôm sau mang thuốc và quà Tết đến chia sẻ, động viên. Trên đường về, Bác nói: “Ba mươi tết mà không có Tết”. Rồi sáng ngày mồng một tết, Bác đã mời đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội lên nhắc nhở vì không thực hiện tốt thư của Người về tổ chức Tết, dẫn đến nhiều gia đình nghèo không có Tết và yêu cầu đồng chí Chủ tịch sửa chữa khuyết điểm. Kết quả, Tết năm sau, gia đình nghèo đều được hưởng Tết do có sự phối kết hợp các đội tuyên truyền, nhân dân đã vận động tương trợ, giúp đỡ các gia đình nghèo có Tết. Và đến ngày nay, học tập và làm theo tư tưởng của Bác, không chỉ dịp Tết, Đảng, Nhà nước ta vẫn luôn thường xuyên quan tâm thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ, giúp đỡ các hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng để mọi nhà, mọi người đều được vui Tết, đón xuân.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đón Tết, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần đón Tết tiết kiệm, phù hợp với quy định của Đảng, Nhà nước; vui xuân, đón Tết nhưng không quên nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó; quan tâm thăm hỏi, chia sẻ với những người nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng để ai cũng được đón Tết vui vẻ, đầm ấm. Bên cạnh đó, thực hiện Tết trồng cây để bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan thiên nhiên, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 200
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.350
Năm 2024 : 570.696