A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng lớp thanh niên vừa “Hồng” vừa “Chuyên” phục vụ sự nghiệp cách mạng

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn dành sự quan tâm, chăm lo đến thế hệ trẻ, đặc biệt là công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng họ thành lớp người thừa kế, tiếp tục sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của nhân dân. Trong bản “Di chúc”, Người viết: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm rất quan trọng và cần thiết”, “…đoàn viên, thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ, Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “Hồng” vừa “Chuyên”.

Hồ Chí Minh luôn tin tưởng vào sức mạnh vô địch của nhân dân. Theo Người, nhân dân chỉ trở thành vô địch khi họ được giáo dục, được giác ngộ, được thức tỉnh và được tổ chức chặt chẽ. Trong số quần chúng đông đảo đó, Người đã nhận ra những phẩm chất tuyệt vời của thế hệ trẻ, của đoàn viên, thanh niên, sứ mệnh của họ đối với vận mệnh Tổ quốc và dân tộc. Vì vậy, theo Người việc quan tâm chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc làm hết sức cần thiết, đặc biệt là bồi dưỡng thanh niên vừa “Hồng” vừa “Chuyên”. Để bồi dưỡng thế hệ trẻ, Người nhấn mạnh: “Trước hết là phải giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đây là công việc đầu tiên trong bồi dưỡng thanh niên. Bởi không có một cuộc cách mạng nào có thể bùng nổ nếu không được dọn đường bằng sự chuẩn bị trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Cũng không có cuộc cách mạng nào thành công nếu không chuẩn bị giáo dục, đào tạo được một lớp người tiên phong, một lớp người kế tiếp mang trong mình một lý tưởng cách mạng cao đẹp. Nếu thanh niên sống có lý tưởng cao đẹp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, thì gặp khó khăn gian khổ đến đâu, họ cũng không từ bỏ con đường đã chọn, con đư­ờng đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân, suốt đời phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp của Đảng.

Thứ hai, chăm lo bồi dưỡng phẩm chất nhân cách, đạo đức cách mạng cho thanh niên, Người chỉ rõ: Thanh niên phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng. Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt trong mấy điểm: (1) Trung thành: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp; (2) Dũng cảm: Không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”, “Gian khổ thì đi trước, hưởng thụ sau mọi người”; (3) Khiêm tốn: Không nên tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, không tự phụ”.

Thứ ba, chăm lo bồi dưỡng thanh niên về trình độ học vấn và năng lực hoạt động thực tiễn, trước hết là, bồi d­ưỡng nâng cao trí tuệ, kiến thức toàn diện, sâu sắc, trên mọi lĩnh vực cho thế hệ trẻ. Tư tưởng của Người: Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu và dốt nát cũng là một kẻ địch: Dốt nát giúp cho giặc ngoại xâm, tấn công ta về mặt tinh thần, cũng như giặc ngoại xâm tấn công ta bằng vũ lực. Theo Người, không có trình độ học vấn thì không có khả năng tiếp thu những kiến thức khoa học, kỹ thuật và do đó không theo kịp yêu cầu của cách mạng, không làm chủ xã hội mới được. Người nói: “Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”. Bên cạnh chăm lo bồi dưỡng trình độ học vấn, Hồ Chí Minh còn đặc biệt quan tâm đến năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn của thế hệ trẻ, theo tư tưởng của Người: Thanh niên phải tham gia vào cuộc đấu tranh của dân tộc. Tức là phải đưa thanh niên vào thực tiễn chiến đấu, lao động, sản xuất mà giáo dục, rèn luyện họ.

Thứ tư, xây dựng mục đích, lối sống và đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên, theo Người cần phải xây dựng thế hệ trẻ trở thành những con người sống có lý tưởng, có bản lĩnh, dù khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đến đâu cũng không từ bỏ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, không lùi bước, thắng không kiêu, bại không nản. Suốt đời phấn đấu, hy sinh cho lý tưởng cách mạng. Lối sống của thanh niên là lối sống dân chủ, phấn đấu trở thành người chủ của xã hội, mình vì mọi người; yêu tự do, lạc quan cách mạng, tin ở tương lai; yêu lao động, thấy lười biếng là xấu xa phải đấu tranh phê phán, lên án. Bên cạnh đó, trong quan niệm của Hồ Chí Minh, thanh niên cũng là một thực thể của xã hội, những nhu cầu và lợi ích là động lực trực tiếp thúc đẩy thanh niên hoạt động tích cực hay không tích cực, hiệu quả hay không hiệu quả. Vì vậy, chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau không chỉ là bồi dưỡng trí tuệ, đạo đức, mục đích về lối sống mà còn phải chăm lo lợi ích và đời sống vật chất tinh thần cho họ. Đây vừa là yêu cầu, vừa là nội dung cơ bản của sự nghiệp “Trồng người” của Hồ Chí Minh.

Thứ năm, trong chăm lo bồi dưỡng thanh niên vừa “Hồng” vừa “Chuyên” cho cách mạng đời sau, học đi đôi với hành, giáo dục gắn liền với xã hội. Người nói: “Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Do vậy, học là phương tiện, công cụ để đạt mục đích. Giáo dục, bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau phải xuất phát từ thực tiễn, từ đòi hỏi của cuộc sống xã hội. Hồ Chí Minh viết: Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế không biết gì cả. Thế là trí thức chỉ có một nửa, là trí thức sách vở, chưa phải trí thức hoàn toàn.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về chăm lo bồi dưỡng thanh niên-thế hệ cách mạng cho đời sau thể hiện sự vĩ đại, sâu sắc trong tầm nhìn của Người. Tư tưởng này của Người còn nguyên giá trị, việc nghiên cứu, học tập và vận dụng quan điểm đó vào chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ hiện nay là trách nhiệm và là vấn đề có ý nghĩa chiến l­ược của mỗi tổ chức đảng, đảng viên, nhằm đào tạo, bồi dưỡng lớp ng­ười kế tục vừa “Hồng” vừa “Chuyên” cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 198
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.348
Năm 2024 : 570.694