A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế và đạo đức người thầy thuốc

Suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phấn đấu cho sự nghiệp cao cả giải phóng dân tộc, giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, đói nghèo, bệnh tật. Vì vậy, ngành Y tế - ngành chăm lo sức khỏe con người, là một trong những ngành được Người đặc biệt quan tâm. Tư tưởng Hồ Chí Minh về y tế đó là: Xây dựng nền y học Việt Nam khoa học, dân tộc, đại chúng, vấn đề y đức, vấn đề kết hợp đông y với tây y… trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vấn đề y đức, Người cho rằng một người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là một người mẹ hiền hết lòng vì bệnh nhân. Trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế toàn quốc năm 1953, Người viết: Cán bộ y tế (bác sĩ, y tá, những người giúp việc) cần phải thương yêu người bệnh như anh em ruột thịt. Cần phải tận tâm, tận lực phụng sự nhân dân. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức là gốc rễ của con người, của tài năng. Với các thầy thuốc, Bác càng đặc biệt chú ý hơn về đạo đức. Bác dặn: Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu. Điểm cốt lõi trong tư tưởng y đức của Hồ Chí Minh là người thầy thuốc phải như một mẹ hiền. Nghĩa là các thầy thuốc phải có lương tâm và nghĩa vụ cao cả như của người mẹ hiền đối với bệnh nhân. Có lương tâm với người bệnh là cơ sở để hình thành những đức tính cần thiết của người thầy thuốc. Theo Hồ Chí Minh, người thầy thuốc vừa phải có đức, vừa phải có tài, trong nghề y lòng nhân ái, yêu thương bệnh nhân là cơ sở, là động lực thôi thúc người thầy thuốc tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp. Khi trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp của người thầy thuốc vững vàng, tác động trở lại y đức của người thầy thuốc.

Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nền y tế có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Người căn dặn đội ngũ cán bộ y tế phải giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của dân tộc ta. Người cán bộ y tế cần quán triệt nguyên tắc khoa học, dân tộc và đại chúng, tức là phải xây dựng nền y tế Việt Nam vừa mang tính truyền thống dân tộc, vừa tiếp thu được tinh hoa y học của thời đại. Ở đây yếu tố dân tộc và thời đại hòa quyện vào nhau, bổ sung cho nhau, thành một chỉnh thể thống nhất nhằm phục vụ nhân dân tốt nhất. Hồ Chí Minh nhắc nhở: Ông cha ta, ngày trước có nhiều kinh nghiệm quý báu về cách chữa bệnh bằng thuốc ta, thuốc bắc, vì thế, các cô, các chú là những người làm thuốc chữa bệnh cần phải nghiên cứu và phối hợp thuốc đông và thuốc tây. Cho nên, các thầy thuốc đông y và tây y phải học tập nhau, vì cả thầy thuốc đông y và tây y đều phục vụ nhân dân, như người có hai tay cùng làm việc thì tốt. Bên cạnh đó, người dạy đội ngũ cán bộ, nhân viên trong ngành Y không chỉ cần sự say mê nghề nghiệp mà còn phải luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn quân và toàn dân.

Không chỉ đề cập đến vấn đề y đức của thầy thuốc đối với bệnh nhân, Người còn đề cập tới mối quan hệ trong ngành Y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải “Thật thà, đoàn kết”. Người luận giải quan hệ giữa những người thầy thuốc là một trong những mối quan hệ cơ bản của hoạt động có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Mỗi người thầy thuốc phải học và biết cách phối hợp trí tuệ, tài năng và hành động một cách kịp thời, chính xác để cứu chữa người bệnh sao cho được hiệu quả cao nhất.

Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng tư tưởng sâu sắc của Người về y đức và ngành Y tế mãi là kim chỉ nam giúp Đảng ta xây dựng những quan điểm cơ bản có ý nghĩa định hướng cho sự phát triển một nền y học Việt Nam hiện đại và có tính ưu việt; soi đường chỉ lối cho những người làm công tác y tế vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển ngành, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 200
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.350
Năm 2024 : 570.696