A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy báo chí có sứ mạng cao cả và Người coi việc làm báo là công tác cách mạng để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phụng sự giai cấp và nhân loại. Vì vậy trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác có rất nhiều tác phẩm báo chí xuất sắc. Người đã để lại cho chúng ta một di sản tư tưởng về báo chí cách mạng có giá trị đặc biệt sâu sắc về bản chất và tiến bộ của báo chí cách mạng, đạo đức người làm báo.

Về tôn chỉ, mục đích của báo chí cách mạng Việt Nam, Người chỉ rõ: Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội, phục vụ cho đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, cho hoà bình thế giới. Do đó, báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng, có như vậy thì các nội dung và hình thức thể hiện của báo chí mới đúng và phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc được.

Về vai trò, nhiệm vụ của báo chí cách mạng Việt Nam, Người cho rằng: Nhiệm vụ báo chí cách mạng là phải đi tiên phong trong đấu tranh không khoan nhượng với những gì đi ngược lại quy luật của lịch sử, vạch trần tính chất phản động, giả dối, bịp bợm của kẻ thù của dân tộc; biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người dân hăng hái tham gia cách mạng; tuyên truyền, khen ngợi những ưu điểm và phê bình những khuyết điểm; phổ biến những sáng kiến và kinh nghiệm, thiết thực góp phần vào phong trào thi đua ái quốc. Mặt khác, Người đề nghị báo chí nên có mục “Ý kiến bạn đọc” coi ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh, lấy cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Trong biểu dương, phải rút ra được kinh nghiệm có ý nghĩa phổ biến, phê bình phải cụ thể, rõ ràng.

Về tính Đảng của báo chí cách mạng Việt Nam, Người luôn nhấn mạnh: Báo chí phục vụ ai? và Người chỉ dẫn: Báo chí của ta phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ cho đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, cho hoà bình thế giới. Muốn vậy, Đảng phải lãnh đạo báo chí bằng việc định hướng, hướng dẫn để báo chí và đội ngũ các nhà báo thực hiện đắc lực cho cách mạng, phục vụ tốt nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Báo chí vì cách mạng, vì Đảng, vì nhân dân-đó vừa là mục đích, vừa là điều kiện, vừa là tiêu chuẩn đạo đức trong hoạt động báo chí; đó cũng là tính đảng của báo chí, là biểu hiện sự trung thành của báo chí đối với Đảng, là cống hiến của báo chí vào sự nghiệp vĩ đại của Đảng. Theo đó, Người yêu cầu: Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu. Đây là điều căn cốt nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng Việt Nam, là cơ sở để phân biệt báo chí cách mạng với báo chí phản cách mạng.

Về xây dựng đội ngũ nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi người hoạt động báo chí là một chiến sĩ cách mạng và cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Do đó, từ tôn chỉ, mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam, từ vị trí và vai trò của nhà báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau dồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn nâng cao trình độ văn hoá, rèn giũa nghiệp vụ, mài sắc ngòi bút của mình, nhất là phải trau dồi lập trường chính trị vững chắc. Người nhiều lần nhắc nhở những người làm báo, khi viết phải trả lời rõ: “Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: Ta, bạn, thù thì viết mới đúng”. Những câu hỏi Người đặt ra chính là đòi hỏi báo chí phải xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin. Việc xác định đó nhằm hình thành phương pháp sáng tạo phù hợp cho nhà báo. Bên cạnh đó, Người chỉ rõ: “Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng”. Vì vậy, cách viết bài báo phải đơn giản, dễ hiểu, ngôn ngữ phải trong sáng, tránh dùng từ nước ngoài; viết “Phục vụ nhân dân” thì nhất định phải chọn viết cái gì có lợi cho dân và phục vụ cách mạng. Vì vậy, Người nhắc nhở: “Bác biết các chú văn hay chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn. Không riêng gì viết sách, viết báo, mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân”

Quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, trong suốt quá trình đấu tranh, xây dựng và trưởng thành, Đảng và Nhà nước ta luôn đặt báo chí dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; coi trọng phát triển toàn diện báo chí, coi báo chí là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí. Cùng với đó, trong mỗi giai đoạn cách mạng, báo chí cách mạng Việt Nam đều thể hiện vai trò quan trọng, là kênh thông tin chính thống đóng góp tiếng nói trên mọi mặt trận chính trị, tư tưởng, văn hóa, quốc phòng-an ninh, kinh tế, đối ngoại… Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, báo chí đã tiếp tục phát huy vị trí, vai trò, đổi mới phương pháp để thông tin chính thống kịp thời đến với bạn đọc, dẫn dắt, định hướng dư luận, đẩy lùi thông tin sai lệch, tiêu cực, gây tác động xấu đến đời sống xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 117
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.267
Năm 2024 : 570.613