A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới nổi bật số tháng 01/2021

Dấu ấn nổi bật của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020

Từ khi gia nhập ASEAN năm 1995, Việt Nam đã nỗ lực, bền bỉ cùng ASEAN trải qua nhiều sóng gió. Đặc biệt, Việt Nam đã có nhiều đóng góp và dấu ấn thành công khi chính thức trở thành Chủ tịch ASEAN 2020 từ ngày 01/01/2020.

Để chuẩn bị cho trọng trách quan trọng này, từ cuối năm 2018, Việt Nam đã tích cực thực hiện công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 diễn ra bất ngờ và lan rộng trên toàn thế giới đã làm đảo lộn mọi kế hoạch, chương trình mà Việt Nam đã chuẩn bị trong hai năm 2018 và 2019. Việt Nam đã tìm mọi cách thích ứng, nhanh chóng, kịp thời chuyển chương trình lẫn trọng tâm của ASEAN trong năm 2020 sang chống dịch Covid-19 và đã được các nước hưởng ứng. Cùng với ưu tiên chống dịch, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy các hoạt động xây dựng Cộng đồng ASEAN thông qua việc đưa ra các sáng kiến với hình thức, cách làm phù hợp. Lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm của ASEAN, phần lớn các hội nghị các cấp của ASEAN được tổ chức với hình thức trực tuyến, kể cả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (tháng 6/2020), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (tháng 8/2020) và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 (tháng 11/2020). Đây là hình thức hoàn toàn mới với Việt Nam cũng như các thành viên ASEAN và các đối tác phát triển khác. Tuy nhiên, các nước thành viên và nhiều nhà quan sát chính trị quốc tế cùng dư luận truyền thông đều đánh giá rằng, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình từ công tác chuẩn bị, đến chương trình nghị sự và lựa chọn chủ đề. Việt Nam cũng đã lựa chọn chủ đề cho Năm ASEAN 2020 là “Gắn kết và chủ động thích ứng”, với mong muốn khẳng định đoàn kết có ý nghĩa quyết định với sự vững bền của ASEAN. Một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển mới có thể thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng sẽ giúp ASEAN gắn kết chặt chẽ, nhờ đó tăng cường sức mạnh tổng thể.

Tại Hội nghị Tổng kết Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam ngày 11/12/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN. Nhìn tổng thể, Năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã thành công toàn diện, trọn vẹn và thực chất, thể hiện: Chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua, nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN; bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân; hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng trong tâm thức của bạn bè quốc tế.

Từ thành công trong Năm Chủ tịch ASEAN có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam: (1) Bài học về sự chỉ đạo tổng thể, thống nhất và theo dõi sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đối với các hoạt động đối ngoại quốc gia, nhất là Năm Chủ tịch ASEAN 2020; (2) Bài học về phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và người dân đóng góp cho thành công Năm Chủ tịch ASEAN; (3) Bài học về phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam và “Trường phái ngoại giao” Hồ Chí Minh. Đó là luôn giữ vững bản lĩnh, kiên trì, kiên định mục tiêu, nguyên tắc, song linh hoạt về sách lược-“Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, biến “nguy” thành “cơ” thông qua cách làm sáng tạo, cùng với sự chân thành, thực tâm, chính trực, luôn vì lợi ích và trách nhiệm chung; (4) Bài học về việc chủ động, tích cực và sớm bắt tay chuẩn bị toàn diện, chuyên nghiệp, chu đáo cả về nội dung, lễ tân-hậu cần, an ninh, truyền thông… cho các hoạt động đối ngoại lớn; (5) Bài học về tầm quan trọng của ngoại giao đa phương nói chung, cũng như vai trò của ASEAN nói riêng, trong đường lối đối ngoại của Việt Nam; (6) Bài học về sự kết hợp hài hoà giữa đối nội và đối ngoại.

Để lan tỏa những kết quả nổi bật của Việt Nam trong Năm Chủ tịch ASEAN 2020, trong thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:

Một là, tuyên truyền những thành tựu nổi bật của ASEAN năm 2020 gắn với tuyên truyền vai trò, dấu ấn nổi bật của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Hai là, tuyên truyền những bài học kinh nghiệm của Cộng đồng ASEAN và Việt Nam sau 01 năm có nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nêu bật và khẳng định tầm quan trọng của sự đoàn kết, gắn bó cộng đồng là nhân tố then chốt bảo đảm ASEAN hòa bình, ổn định, độc lập, tự chủ trong môi trường bất ổn, biến động, nhiều thách thức của khu vực và thế giới.

Ba là, tuyên truyền quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực giữa các nước ASEAN với nhau và giữa các nước ASEAN với các đối tác trong và ngoài khu vực.

Một số nét chính về tình hình thế giới, khu vực năm 2020

Kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020 giảm 5,2%. Các nền kinh tế phát triển chịu tác động nghiêm trọng (dự kiến GDP Mỹ giảm 6,1%, Liên minh châu Âu giảm 9,1% và Nhật Bản giảm 6,1% trong năm 2020); thiệt hại ước tính cho nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tăng từ 11 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2020-2021 tới 28 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2020-2025. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, tình trạng nghèo cùng cực trên thế giới sẽ gia tăng lần đầu tiên sau hai thập kỷ; ít nhất 90 triệu người sẽ rơi vào cảnh nghèo cùng cực chỉ trong năm nay. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho biết, thương mại hàng hóa toàn cầu Quý II/2020 giảm 14,3% so với cùng kỳ năm 2019, song đã có dấu hiệu phục hồi trong Quý III. Hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế tiếp tục có tiến triển. Lần đầu tiên IMF ghi nhận Trung Quốc vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.

1. Về tình hình và quan hệ các nước lớn

Mỹ: Chính trường Mỹ diễn biến phức tạp với việc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cạnh tranh gay gắt trong bầu cử Tổng thống và bầu cử Thượng viện, Hạ viện. Về đối ngoại, Mỹ tập trung thúc đẩy quan hệ đối ngoại với nhiều đối tác khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương; tích cực gia tăng ảnh hưởng quốc tế thông qua phát triển vai trò hòa giải trong quan hệ giữa Xu-đăng và I-xra-en, xung đột giữa Ác-mê-ni-a và A-déc-bai-gian; duy trì áp lực với I-ran và Cu-ba.

Trung Quốc: Tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực (tăng trưởng Quý III đạt 4,9%); tiếp tục chính sách kích thích thị trường nội địa thông qua thí điểm 03 khu vực tự do thương mại (FTZ). Về đối ngoại, Trung Quốc nỗ lực củng cố hình ảnh quốc gia, chú trọng cải thiện ngoại giao láng giềng; ký thỏa thuận hoãn nợ cho 11 nước châu Phi; duy trì thái độ cứng rắn trong quan hệ với Úc và Đài Loan.

Nga: Chính quyền Tổng thống Pu-tin tập trung tổ chức bộ máy nội bộ theo Hiến pháp mới, trình Hạ viện xem xét dự thảo Luật Hội đồng Nhà nước; thúc đẩy nghiên cứu và đăng ký quốc tế cho vắc-xin ngừa Covid-19.

EU: Nhiều nước châu Âu áp dụng lại chính sách giãn cách xã hội đến hết năm 2020 do nguy cơ đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Trong bối cảnh đàm phán hậu Brexit bế tắc, tăng trưởng kinh tế của Anh và Khối đồng tiền chung châu Âu tiếp tục diễn biến tiêu cực. Pháp, Áo nâng cảnh báo khủng bố sau khi xảy ra các vụ sát hại vì xung đột tôn giáo. Tranh chấp biển giữa Thổ Nhĩ KỳHy Lạp tiếp tục diễn biến phức tạp.

Nhật Bản: Thủ tướng và nội các mới đạt tỷ lệ ủng hộ khả quan; thặng dư thương mại ghi nhận tháng thứ ba tăng liên tiếp, tạo thuận lợi cho giai đoạn đầu của chính quyền. Về đối ngoại, Nhật Bản duy trì chính sách hợp tác an ninh với Mỹ, thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ nhóm Bộ Tứ; thăm nước ngoài lần đầu tiên tới Đông Nam Á, thể hiện coi trọng hợp tác với ASEAN.

Quan hệ giữa các nước lớn: Quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục diễn biến phức tạp. Mỹ duy trì sức ép đối ngoại thông qua đẩy mạnh hợp tác của nhóm Bộ Tứ, đặc biệt là các hoạt động tập trận chung tại vùng biển và khu vực. Quan hệ Mỹ-Nga tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Quan hệ Mỹ-Ấn tiếp tục gia tăng chiều sâu chiến lược thông qua Đối thoại 2+2 lần thứ ba. Quan hệ Trung-Nhật tiếp tục gặp khó khăn, trở ngại do tranh chấp chủ quyền tại Biển Hoa Đông...

2. Tình hình một số khu vực

Tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp. Trung Quốc duy trì cường độ tập trận tại vùng biển quanh Đài Loan và cửa Vịnh Bắc Bộ; duy trì tàu khảo sát hoạt động tại Biển Đông. Các nước ASEAN ven Biển Đông thể hiện thái độ kiên quyết và rõ ràng hơn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trên biển của mình. Mỹ và nhóm Bộ Tứ gia tăng sức ép chính trị-ngoại giao và thực địa (họp trực tiếp cấp Ngoại trưởng nhóm Bộ Tứ; thúc đẩy đối ngoại quân sự với các đối tác khu vực).

Tình hình Trung Đông có nhiều diễn biến mới, có lợi cho I-xra-en trong quan hệ với thế giới Ả-rập. Chính trường nhiều nước Bắc và Trung Phi có xu hướng phức tạp hơn.

3. Về khu vực Đông Nam Á

Các nước ASEAN tiếp tục chịu tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19. Chính trường nhiều nước diễn biến phức tạp. Biểu tình phản đối Chính phủ tại Thái Lan chuyển dần thành mâu thuẫn xã hội giữa lực lượng dân chủ và lực lượng ủng hộ Hoàng gia. Chính trường Mi-an-ma bước vào giai đoạn cuối trước thềm Tổng tuyển cử trong bối cảnh không đạt tiến triển về hòa giải dân tộc và tôn giáo. In-đô-nê-xi-a bùng phát biểu tình phản đối Luật tạo việc làm mới. Chính phủ Ma-lai-xi-a chịu sức ép lớn do thủ lĩnh đối lập yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm. Cam-pu-chia chính thức ký FTA với Trung Quốc để đối trọng các hạn chế thương mại do Mỹ và châu Âu áp đặt.

ASEAN nhất trí xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025, đẩy nhanh quá trình hình thành kho dự trữ vật tư y tế khu vực và Quỹ ứng phó Covid-19, bắt đầu thảo luận kế hoạch hợp tác sau đại dịch.

4. Tình hình các chính đảng

Đảng Cộng sản Trung Quốc họp Hội nghị Trung ương lần thứ 5, thảo luận Kế hoạch phát triển 05 năm tới; thông qua “Điều lệ công tác Ban Chấp hành Trung ương Đảng” với trọng tâm tập trung thực hiện tốt “02 bảo vệ”; tiếp tục duy trì chống tham nhũng; triển khai giảng dạy bắt buộc môn Tư tưởng Tập Cận Bình tại 37 trường đại học toàn quốc. Đảng Cộng sản Cu-ba tích cực chỉ đạo Hội đồng Bộ trưởng triển khai các biện pháp kinh tế mới. Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) gặp thách thức lớn về trẻ hóa đội ngũ đảng viên và cải tổ đường lối.

Lực lượng cánh tả khu vực Mỹ La-tinh có dấu hiệu tích cực. Ứng cử viên của Đảng Phong trào tiến lên Chủ nghĩa xã hội (MAS) đắc cử Tổng thống Bô-li-vi-a với số phiếu cách biệt (52% so với 32%). Nhiều đảng cánh tả, cộng sản khu vực tổ chức kỷ niệm ngày thành lập và sự kiện cách mạng lịch sử, góp phần duy trì không khí cách mạng tích cực tại khu vực.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.178
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.962
Năm 2024 : 513.308