A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới nổi bật số tháng 12/2020

Một số kết quả Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về Thúc đẩy hợp tác nhằm bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân

Ngày 03/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức “Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về Thúc đẩy hợp tác đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân” bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự Hội thảo có hơn 120 quan chức, nhà nghiên cứu và chuyên gia pháp lý, đại diện Đại sứ quán các nước ASEAN và Trung Quốc, đại diện các bộ, ngành, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế.

Hội thảo tập trung thảo luận về tình hình và đời sống ngư dân, chia sẻ các quy định, thực tiễn tốt trong các khuôn khổ quốc gia, khu vực và quốc tế về bảo vệ, đối xử nhân đạo với ngư dân, và đề xuất các khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc trong lĩnh vực này. Hội thảo ghi nhận quy định về bảo đảm an toàn tính mạng, đối xử nhân đạo với ngư dân đã được đề cập trong nhiều thoả thuận, điều ước và thông lệ quốc tế. Trong phạm vi quốc gia, các nước ASEAN và Trung Quốc đã xây dựng, ban hành và áp dụng nhiều văn bản pháp luật để quản lý hoạt động nghề cá, ngư dân. Các đại biểu cho rằng, cần có cách tiếp cận tổng thể hơn trong lĩnh vực bảo đảm an toàn, tính mạng và đối xử với ngư dân, trong đó gồm khả năng xây dựng công cụ điều chỉnh vấn đề này ở Biển Đông.

Hội thảo ghi nhận những kết quả tích cực trong hợp tác giữa các nước về tìm kiếm, cứu nạn trên biển thời gian qua, cũng như kinh nghiệm và kết quả triển khai văn bản hợp tác giữa Indonesia và Malaysia về đối xử với ngư dân của nhau hoạt động trên vùng biển đang phân định giữa hai nước, coi đây là những thông tin có giá trị tham khảo trong việc nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc thời gian tới. Đại diện một số tổ chức khu vực khuyến nghị khả năng, biện pháp thúc đẩy hợp tác về đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân.

Hội thảo ASEAN-Trung Quốc về thúc đẩy hợp tác nhằm bảo đảm đối xử công bằng, nhân đạo với ngư dân là sáng kiến do Việt Nam đề xuất trong khuôn khổ thực hiện quy định liên quan của DOC, qua đó giúp củng cố lòng tin và thúc đẩy đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc.

Kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 12 đến 15/11/2020 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội và đã thành công tốt đẹp. Với hơn 20 phiên họp cấp cao, đã có trên 80 văn kiện được các nhà lãnh đạo ASEAN và các đối tác thông qua, các hội nghị đã khẳng định mạnh mẽ vai trò của hợp tác đa phương cũng như liên kết và tự do hoá kinh tế.

Nhấn mạnh năm 2020, thực sự là một năm đầy thử thách trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tại các hội nghị cấp cao lần này, lãnh đạo các nước đã thống nhất và thông qua nhiều quyết sách quan trọng bao gồm: (1) Báo cáo đánh giá giữa kỳ các kế hoạch tổng thể thực hiện tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025; (2) Nhất trí về sự cần thiết tiến hành rà soát triển khai Hiến chương ASEAN, khẳng định nỗ lực phát huy tích cực vai trò của ASEAN thúc đẩy hợp tác tiểu vùng gắn với tiến trình phát triển của ASEAN để mọi người dân, mọi vùng miền có được cơ hội đóng góp cho cộng đồng; (3) Hội nghị đã thông qua: Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN.

Hướng tới một Cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, lãnh đạo ASEAN khuyến khích treo cờ ASEAN và sử dụng ASEAN ca, đưa hình ảnh ASEAN gần với người dân và cộng đồng. Lãnh đạo các nước đã thông qua Bản tường thuật về Bản sắc ASEAN và ra Tuyên bố Hà Nội về Tăng cường công tác xã hội hướng đến một Cộng đồng ASEAN Gắn kết và Chủ động thích ứng.

Bế mạc hội nghị, Việt Nam đã thực hiện nghi lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei, nước Chủ tịch ASEAN 2021.

Trong khuôn khổ của Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 đã đánh dấu hoạt động quan trọng. Các hoạt động bên lề ASEAN 37 còn có Hội nghị Thượng đỉnh lần đầu tiên của các nhà lãnh đạo nữ ASEAN, Hội nghị Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ABIS) và Hội đồng kinh doanh Đông Á. Ngoài ra, với mục tiêu không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các Đối tác, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 lần này, các nước đã nhất trí mở rộng Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác Đông Nam Á (TAC) để Cuba, Colombia và Nam Phi cùng tham gia, nâng tổng số các nước tham gia TAC hiện nay lên 43 nước.

 Sự kiện nổi bật trong chuỗi Hội nghị Cấp cao ASEAN 37 lần này là việc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa 10 nước ASEAN và 05 đối tác (gồm Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc) đã được ký kết, thông qua vào sáng ngày 15/11/2020. Đây là một sự kiện quan trọng không chỉ với ASEAN mà còn có tầm quan trọng với thương mại toàn cầu, cũng như đưa ra các biện pháp khác để giảm sự đứt gẫy chuỗi cung ứng, duy trì dòng lưu chuyển thương mại, đầu tư nội khối ASEAN và các đối tác. Việc Hiệp định RCEP được thông qua tại cấp cao ASEAN 37 lần này là một dấu mốc rất đáng khích lệ, thể hiện cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của các nước trong khu vực thúc đẩy tự do hóa và liên kết kinh tế.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan là chuỗi hoạt động cuối cùng của Năm Chủ tịch ASEAN và là một trong những hoạt động quan trọng nhất của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh năm 2020 bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, hầu hết các hội nghị của ASEAN phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Nhưng phát huy tinh tinh thần "Gắn kết và chủ động thích ứng", trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam, ASEAN đã thể hiện bản lĩnh vững vàng, đoàn kết, thống nhất trước khó khăn, trở ngại duy trì đà hợp tác, ứng phó hiệu quả với những tác động từ đại dịch Covid-19 và củng cố hơn nữa vai trò trung tâm, nâng cao vị thế trong khu vực và trên quốc tế. Đánh giá về vai trò của Việt Nam, lãnh đạo nhiều nước cũng như dư luận quốc tế đều cùng chung nhận định: Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và tổ chức thành công các hội nghị trong năm, đồng thời đánh giá cao khả năng dẫn dắt và tổ chức của Việt Nam trong các vấn đề chung của khu vực và thế giới.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.189
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.973
Năm 2024 : 513.319