A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thế giới nổi bật tháng 6/2020

Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Thời gian vừa qua, trong lúc cả thế giới tập trung chống dịch Covid-19 thì Trung Quốc gia tăng các hành động phi pháp ở Biển Đông, cụ thể:

- Ngày 18/4/2020, Trung Quốc ngang nhiên công bố thành lập cái gọi là “Quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “Quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”.

Ngày 19/4/2020, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng phản đối: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mạnh mẽ việc thành lập cái gọi là “Thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, không có giá trị và không được công nhận, không có lợi cho quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia và gây thêm phức tạp tình hình Biển Đông, khu vực và thế giới. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.

- Ngày 19/4/2020, chính quyền Trung Quốc đã công bố cái gọi là “Danh xưng tiêu chuẩn” cho 80 thực thể ở biển Đông. Ngoài ngang nhiên đặt tên cho các thực thể này, phía Trung Quốc còn công bố thêm kinh độ, vĩ độ của chúng. Đáng chú ý, trong những thực thể này, có những bãi cạn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có điểm chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa đầy 60 hải lý hoặc đường cơ sở Việt Nam khoảng 50 hải lý.

Trước sự việc trên, trong cuộc họp báo Thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều ngày 23/4/2020, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng đã khẳng định: “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế, đồng thời có quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối”.

- Ngày 01/5/2020, Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 01/5-16/8/2020 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này.

Trước hành động nêu trên của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước. Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”.

Kết quả phiên họp trực tuyến Cấp cao Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Phiên họp trực tuyến Cấp cao của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), với chủ đề "75 năm sau Chiến tranh Thế giới thứ hai tại châu Âu-Bài học rút ra để ngăn ngừa thảm kịch trong tương lai, trách nhiệm của HĐBA" tổ chức ngày 08/5/2020, với sự tham gia của 48 Bộ trưởng Ngoại giao và nhiều đại diện các nước thành viên LHQ.

Diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 75 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ hai, phiên họp lần này là dịp để HĐBA LHQ thảo luận và rút ra các bài học từ quá khứ, chỉ ra những thách thức về an ninh trong tương lai, đồng thời đánh giá về những mối đe dọa an ninh ở châu Âu và các khu vực khác...

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ, tuy Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1945 nhưng xung đột vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi, chủ nghĩa thực dân, hành vi xâm lược vẫn tồn tại, gây thương đau ở nhiều quốc gia, bản thân Việt Nam cũng trải qua nhiều thập kỷ chiến tranh tàn khốc mới tiến tới giải phóng, thống nhất đất nước. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với sự vận hành của hệ thống đa phương, việc thượng tôn pháp luật và tuân thủ Hiến chương LHQ, nhất là những nguyên tắc về độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình đã góp phần quan trọng trong việc duy trì hòa bình và ngăn chặn một thảm họa chiến tranh thế giới trong 75 năm qua. Đây cũng là những nội dung được nhất trí trong Tuyên bố Chủ tịch về 75 năm Hiến chương LHQ của HĐBA do Việt Nam chủ trì thông qua vào tháng 01/2020 trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ...

Trích lời Chủ tịch Hồ Chí Minh "Nhân dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn sống tự do độc lập", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định khát vọng chung của nhân loại về hòa bình, tự do và công lý và quyết tâm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ sẽ chiến thắng mọi hành vi đối đầu, sử dụng vũ lực cùng những âm mưu thống trị, bá quyền.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.184
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.968
Năm 2024 : 513.314