Tin thế giới nổi bật tháng 3/2020
Thúc đẩy quyền phụ nữ trong thế kỷ 21
Trong bài phát biểu với lời kêu gọi biến đổi thế giới bằng việc bảo đảm vai trò tham gia bình đẳng của tất cả mọi người, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát đi thông điệp khẳng định rõ ràng rằng: “Thế kỷ 21 phải là thế kỷ của sự bình đẳng đối với phụ nữ”.
Phát biểu tại trường đại học The New School tại thành phố New York (Mỹ), ngày 27/02, người đứng đầu Liên hợp quốc đã tự ví ông là một “nhà nữ quyền đầy hãnh diện”, đồng thời kêu gọi nam giới cần ủng hộ các quyền của phụ nữ.
Cũng trong thông điệp phát đi cùng ngày, người đứng đầu Liên hợp quốc đã chỉ ra một thực tế rằng, bất bình đẳng giới cũng như việc phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một sự “bất công” trên phạm vi toàn cầu.
Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu ý thêm rằng, việc xóa bỏ bất bình đẳng về giới đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, gồm xung đột, bạo lực và khủng hoảng khí hậu. Những nỗ lực này sẽ giúp khép lại khoảng cách số, dẫn tới một tiến trình toàn cầu hóa công bằng hơn và gia tăng tính đại diện chính trị. Đây không còn là một vấn đề mới mẻ. Và từ nhiều thế kỷ qua, phụ nữ cũng đã đấu tranh vì quyền lợi của mình..
Theo ông Guterres thì vào thời điểm bước sang tuổi 75 trong năm 2020, Liên hợp quốc đang có những hành động lớn lao hơn để hỗ trợ quyền cho phụ nữ. Ông khẳng định sẽ tăng cường các cam kết để làm nổi bật và hỗ trợ bình đẳng giới trong quãng thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thư ký Liên hợp quốc. Bởi theo ông Guterres, “bình đẳng giới là điều kiện tiên quyết để hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn”.
Dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới
Dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp với những ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới.
Tính đến 8h30’ ngày 08/3/2020 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có 105.856 trường hợp mắc Covid-19, trong đó 3.605 ca tử vong; 60.180 trường hợp được chữa khỏi. Đặc biệt, tại một số quốc gia được ghi nhận là điểm nóng của dịch bệnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Iran, số ca nhiễm Covid-19 không ngừng gia tăng.
Tại châu Á, tính đến nay, Trung Quốc ghi nhận có 44 ca nhiễm mới Covid-19, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại nước này lên 80.695 người, trong đó 3.097 người tử vong. Hàn Quốc ghi nhận 7.134 ca nhiễm, trong đó 50 ca tử vong. Iran cũng ghi nhận 5.823 ca nhiễm Covid-19, trong đó 145 người đã tử vong.
Cũng tại châu Á, một loạt nước đã công bố thêm các ca nhiễm mới như Việt Nam (04), Afghanistan (01), Australia (06), Nhật Bản (63), Malaysia (10), Thái Lan (02). Campuchia (01).
Tại châu Âu, ổ dịch lớn nhất hiện vẫn là Italy với 5.883 ca nhiễm và 233 ca tử vong, trong đó 36 ca tử vong mới. Tiếp đến là Pháp với 949 ca nhiễm và 16 ca tử vong, Đức với 800 ca nhiễm, tăng 130 ca.
Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức nghiêm trọng, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề nghị tất cả các quốc gia trên thế giới đặt mục tiêu phòng chống dịch bệnh Covid-19 lên hàng đầu, đồng thời kêu gọi áp dụng cách phòng chống dịch của Việt Nam, Trung Quốc và Singapore đã triển khai. Các biện pháp đó bao gồm xác định các ca nhiễm và liên hệ với họ để tiến hành biện pháp cách ly, cũng như tuyên truyền và huy động người dân tham gia phòng, chống dịch bệnh.
ASEAN 2020: Phiên họp trù bị của các quan chức Kinh tế Cao cấp (SEOM)
Ngày 08/3, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra phiên họp trù bị của các quan chức Kinh tế Cao cấp (SEOM) ASEAN với sự tham dự của đại diện các quan chức kinh tế cao cấp các nước, Ban Thư ký ASEAN, Cộng đồng tư vấn kinh doanh ASEAN (BAC) và các khách mời quốc tế...
Bộ Công Thương với tư cách điều phối kênh hợp tác kinh tế của Việt Nam trong ASEAN đã chủ trì và điều hành hội nghị. Phiên họp này nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp (AEM) lần thứ 26, với nhiều nội dung quan trọng, dự kiến sẽ được rà soát, thông qua và tiếp tục triển khai trong Năm ASEAN 2020.
Điểm nhấn của phiên họp SEOM trù bị là 13 ưu tiên do Việt Nam đề xuất trong năm Việt Nam là Chủ tịch ASEAN 2020 sẽ được đưa ra thảo luận tại AEM hẹp 26 trước khi thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm nay. Các ưu tiên này cơ bản dựa trên 03 định hướng chính: Thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực nội khối ASEAN; đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững và nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.
Đặc biệt, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngay trong tối 07/3, đoàn Việt Nam đã đưa ra đề xuất: ASEAN cần có hành động chung nhằm duy trì chuỗi cung ứng trong ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ con người và nền kinh tế của khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Tại phiên họp trù bị này, các quan chức kinh tế ASEAN cũng đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng để báo cáo lên AEM hẹp 26, bao gồm những nội dung như: Thảo luận và thông qua các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020; rà soát và thống nhất các ưu tiên thường niên năm 2020 của ASEAN trong kênh kinh tế; thảo luận nhằm tìm giải pháp cho các vấn đề còn tồn tại trong hợp tác nội khối ASEAN và ASEAN với các đối tác ngoại khối...
Trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia xây dựng Cộng đồng AEC với tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm. Thúc đẩy thực hiện các cam kết thành lập AEC luôn là một trong những ưu tiên cao nhất của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. ASEAN đã và đang là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua và sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.