A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới nổi bật số tháng 8

Bức tranh toàn cảnh kinh tế-chính trị thế giới những tháng đầu năm 2020

Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế và tình hình chính trị thế giới đang trải qua những chuyển dịch lớn, đại dịch Covid-19 là cú huých đẩy nhanh những chuyển dịch đó, trong đó có một số nét chính sau:

 (1) Tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới tất cả các quốc gia, khu vực và toàn thế giới

Đại dịch Covid-19 được xem là cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Lần đầu tiên các nước trên thế giới phải thực hiện các biện pháp ứng phó chưa từng có trong lịch sử. Đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc tới không chỉ về kinh tế, mà cả chính trị-an ninh, xã hội của tất cả các quốc gia, khu vực và toàn thế giới, trên 07 lĩnh vực lớn: (i) Kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng; (ii) Xu hướng dịch chuyển lớn của chuỗi cung ứng toàn cầu; (iii) Đẩy nhanh sự hình thành cách tiếp cận mới về toàn cầu hóa nhằm hạn chế rủi ro do sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế; (iv) Làm thay đổi nhận thức về quản trị quốc gia, làm bộc lộ rõ hơn những bất cập của một số mô hình, phương thức phát triển, tổ chức và quản lý xã hội; (v) Thúc đẩy dịch chuyển tương quan sức mạnh và gia tăng cạnh tranh chiến lược, đối đầu giữa các nước lớn; (vi) Đẩy nhanh định hình lại mô hình quản trị toàn cầu; (vii) Gia tăng bất ổn chính trị-xã hội.

(2) Cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng quyết liệt về tính chất, mở rộng về phạm vi, lĩnh vực, trong đó đáng chú ý nhất là cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc

Trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc, mặt cạnh tranh, kiềm chế nổi trội, mở rộng toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, nhân quyền, quân sự, công nghệ, tiền tệ; hai bên đều nhận thức rất rõ về những thách thức từ bên kia. Tuy nhiên, hai bên đang thăm dò về tác động đối với mỗi bên để tính toán các biện pháp, bước đi tiếp theo, phù hợp với những tính toán nội bộ của mỗi bên. Xu hướng đấu tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để cải tổ các thể chế hiện hành, định hình các nguyên tắc, luật chơi mới về kinh tế, chính trị, phù hợp với lợi ích của mỗi nước đang gia tăng.

(3) Tập hợp lực lượng diễn ra cơ động, linh hoạt, đa dạng, lợi ích quốc gia-dân tộc được đặt lên hàng đầu

Các nước lớn tăng cường lôi kéo các nước tham gia các tập hợp lực lượng do mình dẫn dắt, đặt ra nhiều sức ép “Chọn bên” đối với các nước nhỏ, đang phát triển. Xu hướng tập hợp lực lượng dựa trên lợi ích, theo vấn đề, theo thời điểm, tính thực dụng trong quan hệ quốc tế gia tăng, nhằm tạo sự linh hoạt về đối ngoại và tối đa hóa lợi ích trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung diễn biến phức tạp, tránh bị “kẹt” trong quan hệ với các nước lớn.

(4) Nhiều thách thức đặt ra đối với các thể chế đa phương toàn cầu

Nhiều thể chế đa phương, như WHO, Liên Hợp quốc... vẫn là nền tảng hợp tác quan trọng, tuy nhiên, vai trò, ảnh hưởng đang bị thách thức, nhất là do chính sách “nước Mỹ trên hết”, rút khỏi các tổ chức quốc tế lớn, phá vỡ các thỏa thuận quốc tế quan trọng của chính quyền Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm. Những bất đồng, khác biệt về lợi ích, quan điểm, và sự đối đầu giữa các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc khiến việc giải quyết các điểm nóng về an ninh gia tăng khó khăn, phức tạp hơn, đồng thời làm suy giảm vai trò quản trị toàn cầu của các cơ chế trong Liên Hợp quốc.  

(5) Tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt, nhất là các hoạt động tăng cường hiện đại hóa quân đội, năng lực hải quân với những thế hệ vũ khí đời mới. Mỹ, Nga và mới đây là Trung Quốc trở thành những nước đi đầu cạnh tranh chiến lược trong lĩnh vực không gian. Mỹ thúc đẩy hoạt động của Bộ Tư lệnh Không gian trong bối cảnh Nga tăng cường chủ trương hiện đại hóa quân đội. Tham vọng trở thành cường quốc biển của Trung Quốc ngày càng đe dọa sự hiện diện của Mỹ tại vùng biển khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

(6) Kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn hơn, thiếu bền vững, chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro. Tăng trưởng toàn cầu suy giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19, chứa đựng nhiều yếu tố rủi ro tác động đến triển vọng kinh tế toàn cầu, nhất là căng thẳng thương mại Mỹ-Trung, chủ nghĩa bảo hộ, bất ổn nội tại của các nền kinh tế lớn và bất ổn địa chính trị nhiều khu vực trên thế giới. Tuy gặp khó khăn hơn, song liên kết kinh tế quốc tế tiếp tục được thúc đẩy với việc đan xen các FTA thế hệ mới và thế hệ cũ; xu hướng chuyển từ FTA đa phương sang song phương cũng được thúc đẩy mạnh hơn.

(7) Khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là địa bàn cạnh tranh chiến lược trọng tâm của các nước lớn; lôi kéo, tập hợp lực lượng diễn biến phức tạp hơn; các điểm nóng xảy ra nhiều hơn, nhất là ở Biển Đông, đụng độ khu vực biên giới Trung-Ấn, quan hệ liên Triều gia tăng căng thẳng. Nội bộ các nước Đông Nam Á cơ bản ổn định. ASEAN nỗ lực duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, tăng cường hợp tác nội khối và xây dựng cộng đồng. Các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, như ASEAN+1, ASEAN+3... tiếp tục thu hút được sự tham gia của nhiều nước trong và ngoài khu vực.

Dự báo những tháng cuối năm, tình hình thế giới còn có nhiều ẩn số và nhiều nhân tố bất định, như khủng hoảng kinh tế, chính trị-xã hội vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đặc biệt cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, từ nay đến khi bầu cử Tổng thống Mỹ ngày càng phức tạp, khó lường hơn. Tuy nhiên, trong khủng hoảng bao giờ cũng có cơ hội cho các quốc gia, cần nhìn nhận đánh giá khách quan những cơ hội mới, như quá trình chuyển dịch đầu tư, chuyển dịch thương mại, sự bùng nổ của các dịch vụ, các ngành về công nghệ số, chuyển đổi số và các nền kinh tế số là những cơ hội mà các nước có thể tận dụng để phát triển trong bối cảnh bình thường mới, thời hậu Covid-19.

Kết quả công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta những tháng đầu năm 2020; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2020

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta vẫn được triển khai với tinh thần chủ động, tích cực, bám sát vào các trọng tâm ưu tiên đã đề ra và có những cách làm mới, sáng tạo; có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng, giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, Quốc hội, đối ngoại của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là đối ngoại nhân dân đã mang lại nhiều kết quả quan trọng, đó là:

(1) Công tác đối ngoại góp phần xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan đến an ninh của đất nước, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Ta đã phối hợp với phía Cam-pu-chia hoàn thành ký và phê chuẩn 02 văn kiện pháp lý công nhận 84% thành quả phân giới, cắm mốc đường biên giới trên bộ, tạo điều kiện thuận lợi ổn định đường biên giới và tập trung thúc đẩy việc hoàn thành phân giới phần còn lại giữa hai nước trong thời gian tới...

(2) Phát huy tốt tự chủ đối ngoại, xử lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn và đối tác quan trọng, góp phần củng cố cục diện quan hệ đối ngoại ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu. Bên cạnh việc phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, các cơ quan, đoàn thể của nước ta triển khai hiệu quả “ngoại giao Covid” hỗ trợ trang thiết bị y tế nhiều nước trong đại dịch Covid-19 vừa qua, được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Hợp tác quốc phòng, an ninh ngày càng phát huy hiệu quả trong việc thúc đẩy tin cậy chính trị với các nước.

(3) Phát huy tốt vị thế đối ngoại, tranh thủ thời cơ, tận dụng các cơ hội, nâng cao uy tín trên trường quốc tế và sự tin cậy đối ngoại. Việc ta đóng vai trò tích cực trong thúc đẩy ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); nỗ lực triển khai và mở rộng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc (LHQ); được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu tín nhiệm cao (192/193); đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19, tham gia có trách nhiệm vào các hoạt động của HĐBA/LHQ với tư cách Ủy viên không thường trực, góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, củng cố hơn vị thế đối ngoại của đất nước.

(4) Ta đã tận dụng tốt các cơ hội từ môi trường quốc tế phức tạp, tạo thêm các cơ hội thuận lợi cho phát triển kinh tế; gia tăng thu hút đầu tư, mở rộng xuất khẩu; tích cực tham gia thúc đẩy đàm phán và ký kết RCEP. Điểm sáng là Liên minh châu Âu (EU) đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và đang thúc đẩy để hiện thực hóa Hiệp định đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), góp phần mở rộng không gian hợp tác kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường của ta thời gian tới.

(5) Quan hệ đối ngoại đảng được triển khai tích cực, chủ động theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, góp phần tạo nền tảng chính trị cho quan hệ song phương; duy trì và củng cố môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước; nâng cao vị thế của Đảng và đất nước.

Quan hệ với các đảng cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa và láng giềng có chung biên giới tiếp tục được củng cố. Quan hệ với các đảng cầm quyền, tham chính và các đảng có vai trò quan trọng tại các nước lớn, đối tác quan trọng, các nước trong khu vực và bạn bè truyền thống tiếp tục được mở rộng, góp phần tạo nền tảng chính trị quan trọng cho việc củng cố tổng thể quan hệ giữa nước ta với các nước.

Quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân có vị trí, vai trò trên chính trường các nước được thúc đẩy thực chất, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển chiều sâu quan hệ với nhiều đảng cộng sản, công nhân ở nhiều nước và đối tác quan trọng.

(6) Công tác đối ngoại nhân dân được triển khai chủ động, tích cực, hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và tổ chức nhân dân triển khai đa dạng các hoạt động, trong đó có nhiều hoạt động có quy mô và ý nghĩa chính trị lớn, góp phần củng cố, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ các nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội; tham gia tích cực vào công tác vận động, đấu tranh bảo vệ chủ quyền Biển Đông và các vấn đề liên quan đến dân chủ, nhân quyền. Nhiều tổ chức, đoàn thể nhân dân, cộng đồng người Việt ở nhiều nước đã tạo ấn tượng sâu sắc với chính quyền và nhân dân sở tại thông qua các chương trình hỗ trợ, giúp đỡ trong thời gian đại dịch Covid-19 vừa qua.

Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác đối ngoại những tháng cuối năm 2020:

Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, trong đó chú trọng duy trì ổn định quan hệ với các đối tác hàng đầu như Trung Quốc và Mỹ; các nước láng giềng Lào và Campuchia thông qua các chuyến thăm, các cơ chế hợp tác; chủ động và tích cực chuẩn bị triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dịp Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền nước ta đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc; tổ chức tốt các hội nghị cấp cao và quan trọng của ASEAN, nhất là Hội nghị cấp cao, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 3, Diễn đàn khu vực ASEAN…; thúc đẩy, vận động một số đối tác thăm song phương.

Thứ ba, chủ động triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và năng lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về cơ hội và thách thức khi triển khai các thỏa thuận thương mại tự do thế hệ mới, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và các hiệp định thương mại tự do (FTA) đang đàm phán nhằm tạo thêm động lực cho tăng trưởng.

Thứ tư, tuyên truyền nhấn mạnh lập trường nhất quán và xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền và các quyền lợi về biển của ta theo luật pháp quốc tế, Công ước LHQ về Luật Biển 1982; vừa hợp tác, vừa đấu tranh; chủ động và kiên trì các biện pháp hòa bình phù hợp luật pháp quốc tế để giải quyết, xử lý bất đồng, thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông; thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, không để nước nào lợi dụng, không đi với bên này chống bên kia.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.171
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.955
Năm 2024 : 513.301