A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hoạt động đối ngoại và tình hình thế giới nổi bật số tháng 10

Kết quả kỳ họp Đại hội đồng Liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á  lần thứ 41 (AIPA-41)

Từ ngày 08-10/9/2020, Đại hội đồng AIPA-41 được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội, với chủ đề “Ngoại giao Nghị viện vì Cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Kỳ họp đã thành công tốt đẹp, thông qua 26 Nghị quyết và Thông cáo chung. Dưới đây là một số kết quả chính của kỳ họp Đại hội đồng AIPA-41:

Một là, mặc dù Đại hội đồng được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng thành phần tham dự có 30 nghị viện thành viên và các tổ chức quốc tế trong đó có gần 400 đại biểu với 230 đại biểu là đại biểu Quốc hội; đặc biệt 10 nước thành viên ASEAN và lãnh đạo một số tổ chức quốc tế lớn như: Liên Hợp quốc, IPU, AIPA. Tham dự ở đầu cầu Việt Nam trong buổi khai mạc có các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Đại hội đồng đã nhận được thông điệp quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng theo hình thức trực tuyến. Với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc.

Hai là, sau phiên khai mạc, phiên toàn thể được diễn ra với các phát biểu sâu sắc và toàn diện với chủ đề “Ngoại giao nghị viện ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”. Các bài phát biểu của 10 Chủ tịch Quốc hội các nước ASEAN, các nước quan sát viên, Chủ tịch Quốc hội của ba nước khách mời, nhất là về các chủ đề như: Phòng, chống đại dịch Covid-19, bàn nhiều phương hướng để giảm thiểu tác động đến sức khỏe, tính mạng người dân trong khu vực và trên thế giới.

Ba là, sau phiên toàn thể, các hội nghị của cấp ủy ban đã diễn ra: Ủy ban Kinh tế AIPA thảo luận về chủ đề “Vai trò của Nghị viện trong việc thúc đẩy gắn kết và phục hồi kinh tế ASEAN sau đại dịch Covid-19”; Ủy ban Xã hội AIPA thảo luận về chủ đề “Nâng cao vai trò của AIPA trong việc hỗ trợ Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN ứng phó với đại dịch Covid-19” và Hội nghị Nữ nghị sỹ AIPA thảo luận về “Vai trò của Nữ nghị sỹ trong việc bảo đảm việc làm và thu nhập của lao động nữ”… Ủy ban Tổ chức đã thông qua 15 nghị quyết về tài chính của AIPA, về kết nạp Nghị viện quan sát viên mới và nhiều nghị quyết quan trọng khác. Đặc biệt, để nâng cao vai trò của nghị sĩ trẻ nói riêng, vai trò của thanh niên nói chung, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Nghị sỹ trẻ AIPA để bàn về “Sự tham gia của các Nghị sỹ trẻ AIPA vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN”.

Bốn là, sáng kiến của Quốc hội Việt Nam về việc tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ AIPA được các đại biểu đồng thuận cao và được đánh giá là dấu ấn lịch sử quan trọng trong việc hình thành cơ chế hội nghị dành cho các nghị sĩ trẻ AIPA. Các nước đồng thuận giao lại cho Ban thư ký AIPA và Ban thư ký nghị viện các nước tiến hành quy trình, thủ tục để năm tới đưa vào hoạt động chính thức của Đại hội đồng AIPA.

Năm là, cùng với Đại hội đồng này còn có nhiều hoạt động trong năm Chủ tịch AIPA 2020 đã được Quốc hội Việt Nam tổ chức thành công tốt đẹp: Cuộc gặp Lãnh đạo cấp cao AIPA-ASEAN, Hội đồng tư vấn AIPA về ma túy lần thứ 3 (AIPA CODD), Hội nghị Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững (AIPA ECC), đặc biệt là trong khuôn khổ AIPA, Hội nghị các nhà tư vấn AIPA (AIPA Caucus) được tổ chức thành công bên ngoài Việt Nam, tại Phi-líp-pin.

Sáu là, Đại hội đồng quyết định kết nạp Norway, Morocco là Nghị viện quan sát viên mới của AIPA. Đại hội đồng đã nhất trí cao thông qua Bản thông cáo chung ghi nhận và đánh giá toàn diện kết quả AIPA-41.

Bảy là, Đại hội đồng đã quyết định trao giải Vì sự cống hiến xuất sắc AIPA cho Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Pany Yathotou và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Việt Nam Tòng Thị Phóng.

Tám là, Đại hội đồng AIPA-41 đã áp dụng phương thức mới gộp các sáng kiến tại mỗi ủy ban trong cùng một nghị quyết-đây là 1 sáng kiến mang tính thích ứng với tình hình thực tế của Quốc hội Việt Nam.

Chín là, kết thúc Đại hội đồng AIPA-41, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã bàn giao vị trí Chủ tịch AIPA-42 cho Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bru-nây Darussalam.

Do tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên lần đầu tiên trong lịch sử của AIPA, Đại hội đồng AIPA-41 được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Điều này cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Quốc hội Việt Nam và các nghị viện thành viên AIPA trong khắc phục khó khăn, đoàn kết và hợp tác trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”. Cùng với thành công của các hoạt động đối ngoại quan trọng trong năm 2020 của Việt Nam như: Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA, Ủy viên không Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, thành công của Đại hội đồng AIPA-41 đã góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam, của Quốc hội Việt Nam trên trường quốc tế.

Một số kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các hội nghị liên quan

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 53 và các hội nghị liên quan được tổ chức trực tuyến từ ngày 09-12/9/2020 đã thành công tốt đẹp với sự tham dự, đóng góp tích cực của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên ASEAN và đối tác, Tổng Thư ký ASEAN. Tổng cộng đã diễn ra 19 hội nghị cấp Bộ trưởng, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, các Hội nghị trong khuôn khổ ASEAN+3, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), giữa ASEAN với các đối tác. Ngoài ra, còn có Đối thoại giữa các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với đại diện Ủy ban liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR), Phiên họp đặc biệt của Hội đồng Điều phối ASEAN về Phát triển tiểu vùng, Đối thoại cấp Bộ trưởng ASEAN về tăng cường vai trò của Phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững và Hội nghị Bộ trưởng Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ lần thứ nhất.

Các Bộ trưởng ASEAN tiếp tục khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ thực hiện đầy đủ, hiệu quả các mục tiêu và ưu tiên hợp tác trên tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng” của năm 2020; nhất trí tiếp tục nỗ lực triển khai đúng tiến độ các kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trên cơ sở kết quả kiểm điểm giữa kỳ trên cả 03 trụ cột. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và hiệu quả các quy định của Hiến chương ASEAN; ủng hộ nỗ lực thảo luận xây dựng định hướng phát triển cho ASEAN trong giai đoạn mới sau khi hoàn thành Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.

Nhận thức về các tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 đối với khu vực, các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết, thống nhất, cách tiếp cận tổng thể của cả Cộng đồng ASEAN trong kiểm soát lây nhiễm và giảm thiểu tác động của dịch bệnh, giữ vững đà hợp tác liên kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN; nhất trí triển khai hiệu quả các sáng kiến quan trọng của ASEAN về ứng phó Covid-19.

Các Bộ trưởng ASEAN nhất trí trao quy chế Đối tác phát triển cho Pháp và Italy, chấp thuận Colombia và Cuba tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Ngoài ra, các Bộ trưởng trao đổi về các thách thức an ninh phi truyền thống như: An ninh mạng, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, thiên tai, biến đổi khí hậu... và các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có tình hình Bán đảo Triều Tiên, Bang Rakhine của Mi-an-ma...

Về Biển Đông, các Bộ trưởng khẳng định cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và tăng cường xây dựng lòng tin, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hoá, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Các Bộ trưởng bày tỏ mong muốn Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được thực hiện đầy đủ và hiệu quả, và kêu gọi sớm hoàn tất xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Tại các hội nghị, các Bộ trưởng đã xem xét và thông qua 42 văn kiện, trong đó có Thông cáo chung của Hội nghị AMM-53, Kế hoạch Hành động Hà Nội II của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF). Các nước cũng nhất trí với nhiều đề xuất của Việt Nam như ra Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập EAS dịp Hội nghị Cấp cao EAS lần thứ 15, tổ chức họp Nhóm chuyên gia EAS về Covid-19; ra Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN+3 về kinh tế và ổn định tài chính...

AMM 53 và các hội nghị liên quan là một trong những Hội nghị quan trọng nhất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Hội nghị diễn ra bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp bởi cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, căng thẳng gia tăng ở một số điểm nóng; dịch Covid-19 diễn ra phức tạp với những làn sóng lây nhiễm mới gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế-xã hội của các nước thành viên ASEAN. Thành công của Hội nghị AMM-53 và các hội nghị cho thấy sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm mạnh mẽ của các nước ASEAN, đồng thời thể hiện sự linh hoạt, chủ động và tích cực của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.158
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.942
Năm 2024 : 513.288