A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Mèo Vạc làm tốt bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mông

CTTBTG - Mèo Vạc, là một trong những địa phương có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 78%. Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, người Mông ở huyện Mèo Vạc luôn giữ gìn và bảo tồn được những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ mai sau.

Ngược dòng thời gian, bắt đầu từ năm 2016 được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Giang, huyện Mèo Vạc đã triển khai đầu tư xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông thôn Pả Vi Hạ, xã Pả Vi. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động, đến nay Làng văn hóa đã trở thành điểm nhấn trong bảo tồn văn hóa dân tộc Mông và thu hút du khách đến tham quan, thu hút 70% khách lưu trú hằng ngày. Điểm nổi bật của làng văn hóa là các ngôi nhà trình tường, mái lợp ngói âm dương được xây dựng theo đúng kiến trúc nhà ở truyền thống của đồng bào Mông, khuôn viên ở giữa trung tâm làng được quy hoạch theo hình bông hoa đào của vùng Cao nguyên đá Đồng Văn, Vì vậy, đây là điểm du lịch được du khách trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Những tiết mục múa, thổi khèn Mông luôn tạo ấn tượng, thu hút du khách

Bên cạnh chỉ đạo bảo tồn kiến trúc nhà ở truyền thống, huyện Mèo Vạc quan tâm đẩy mạnh đưa văn hóa truyền thống các dân tộc địa phương vào giảng dạy trong trường học từ năm học 2016-2017 đến nay và thường xuyên duy trì tổ chức các lễ hội của đồng bào Mông, như: Ngày hội văn hóa dân tộc Mông từ năm 2015 đến nay, Lễ hội hoa đào, Lễ hội Gàu tào, trong đó tập trung vào nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, gồm: Thi dệt vải lanh, thi chế tác khèn Mông, đan quẩy tấu, múa khèn Mông, tung ngô vào quẩy tấu, xay ngô, thi địu ngô đi cà kheo, thi chim Họa Mi hót,...và các hoạt động trải nghiệm kỹ thuật đan quẩy tấu, kỹ thuật chế tác khèn Mông, làm bánh Tam giác mạch, trải nghiệm phiên chợ vùng cao, tham quan tường rào đá và thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc Mông,...Đó chính là những sản phẩm văn hóa tinh thần đặc sắc không thể thiếu của người dân nơi đây vào các dịp lễ hội và chợ phiên thị trấn Mèo Vạc vào sáng chủ nhật hàng tuần.

 Khách du lịch trải nghiệm nghề dệt vải lanh truyền thống của dân tộc Mông

Nhưng có lẽ mỗi du khách đều nhớ về văn hóa dân tộc Mông bởi tiếng khèn, điệu múa khèn Mông. Từ các em nhỏ đến các cụ già, ai ai cũng biết thổi khèn, múa khèn vào các dịp lễ hội, ngày đại đoàn kết hay trong các trường học và ngày chợ phiên. Tiếng khèn Mông du dương, tha thiết gắn bó với con người từ lúc sinh ra đến khi về với tổ tiên. Vì thế tiếng khèn Mông trở lên rất thiêng liêng, được huyện Mèo Vạc nâng tầm tổ chức thành Festival khèn Mông vào các dịp lễ hội. Một điểm độc đáo nữa mà ai cũng nhớ đến trong văn hóa của dân tộc Mông, đó là văn hóa chợ. Vào mỗi tuần diễn ra chợ phiên, người Mông đến chợ không chỉ mua bán, trao đổi hàng hóa, mà đi chơi chợ, gặp bạn bè trút bầu tâm giao để chia sẻ tình cảm về những buồn vui trong cuộc sống. Trong không gian chợ phiên ấy luôn xuất hiện những gian ẩm thực thắng cố bò, phở gà và quầy rượu ngô ấm áp để những đôi bạn ngồi tâm tình, níu chân nhau chẳng muốn về. Thế mới thấy được sự đặc sắc của phiên chợ vùng cao, mỗi phiên chợ luôn đông vui như ngày hội. Từ người già đến trẻ em hay các đôi nam nữ dân tộc Mông, ai cũng diện những bộ quần áo, bộ váy mới xuống chợ. Do đó, chợ phiên vùng cao trở thành sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Vì thế, hãy đến với huyện Mèo Vạc để thưởng thức những tinh hoa văn hóa của dân tộc Mông trên miền đá tai mèo, từ đó cảm nhận và yêu mến mảnh đất này hơn.


Tác giả: Quỳnh Lưu
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.764
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 67.914
Năm 2024 : 573.260