A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội đồng trẻ em huyện Mèo Vạc góp phần thúc đẩy quyền của trẻ

CTTBTG - Hội đồng trẻ em (HĐTE) huyện Mèo Vạc đã được thành lập từ năm 2019 với 31 thành viên là học sinh các trường trung học cơ sở và tiểu học, với kỳ vọng sẽ là một kênh quan trọng để lấy ý kiến của trẻ em, tạo sự tương tác giữa cha mẹ, con cái, giữa giáo viên, học sinh, giữa lãnh đạo địa phương, những công dân nhỏ tuổi. Sau 4 năm hoạt động HĐTE huyện Mèo Vạc đã phát huy, đại diện cho trẻ em nói lên ý kiến, nguyện vọng, đồng thời, giúp các cơ quan, tổ chức có liên quan đến trẻ em hoàn thiện quá trình xây dựng luật pháp, chính sách về trẻ em.

Lãnh đạo Phòng Văn hóa thông tin, Huyện đoàn trao quà cho các thành viên HĐTE huyện

Trong năm tài chính FY 2022, Huyện đoàn Mèo Vạc và Văn phòng Plan Mèo Vạc tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án Hội đồng trẻ em huyện Mèo Vạc giai đoạn 2020 – 2023 với nhiều hoạt động thiết thực gắn với công tác truyền thông cho trẻ em được tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ. Các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho Ban tham vấn, các thành viên HĐTE, giáo viên cốt cán, cán bộ làm công tác liên quan đến chăm sóc và bảo vệ trẻ em với nhiều nội dung hình thức phong phú với các cuộc hội thảo và các lớp tập huấn như: Tập huấn nâng cao kỹ  năng và thực hành thúc đẩy sự tham gia của trẻ vào các vấn đề của trẻ em; Tập huấn cho GV TPT về An ninh an toàn trên không gian mạng; 03 lớp Tập huấn sử dụng bộ công cụ, kiểm chứng thông tin thu thập được; Tập huấn cho HĐTE về kỹ năng lãnh đạo, thuyết trình, trình bày; Tập huấn triển khai mô hình HĐTE đến các ban ngành đoàn thể; Tập huấn cho HĐTE huyện Mèo Vạc về Kể chuyện qua ảnh (Photovoice); Tập huấn đội ngũ cốt cán (các GV) về phòng chống xâm hại và bóc lột trẻ em...

Các thành viên trong HĐTE đã triển khai hoạt động thu thập thông tin được 1.240 phiếu tại các xã Lũng Pù, Cán Chu Phìn, Giàng Chu Phìn, Pả Vi, Sủng Máng, Lũng Chinh, thị trấn Mèo Vạc. Qua tổng hợp kết quả thu thập thông tin cho thấy phần lớn trẻ em được khảo sát được hưởng các quyền bảo vệ của trẻ em. Tuy nhiên, đối với một số em là người dân tộc thiểu số vẫn bị hạn chế một số quyền nhất định như: Quyền bí mật đời sống riêng tư; Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động; Quyền vui chơi, giải trí; Quyền được bảo vệ không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc; Quyền được người lớn bảo vệ khi gặp thiên tai, hỏa hoạn, quyền được sống chung với cha mẹ…

Hoạt động động thu thập thông tin của các thành viên HĐTE trường THCS thị trấn Mèo Vạc

Cũng qua khảo sát có trung bình trên 85,5% trở lên trẻ em có các mong muốn trong thực hiện Quyền được bảo vệ của trẻ em như: mong muốn sống trong một ngôi nhà an toàn, môi trường không bị ô nhiễm, nhà vệ sinh sạch sẽ, có điện, nước; có bố mẹ quan tâm chăm sóc; có người thường xuyên thăm hỏi, ăn cơm vui vẻ bên gia đình, có người bảo vệ, hỗ trợ, dạy cách tìm sự giúp đỡ khi có những nguy hiểm đến gần...

Khi được thảo luận trao đổi, giao lưu tìm hiểu các nhóm quyền Sống còn, Bảo vệ, Phát triển và quyền tham gia, hầu hết các bạn học sinh đều không nắm được các quyền của Trẻ em. Mặc dù các nhà trường cũng có tổ chức hoạt động diễn đàn, hội thi tìm hiểu về Luật trẻ em, các kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em nhưng chưa thực sự là đủ để các bạn thiếu nhi hiểu biết về các quyền. Ngoài ra, một số ít có “biết” Luật Trẻ em thông qua tivi, sách, báo…tuy nhiên không nắm bắt được thông tin bản thân mình có những quyền gì. Thông qua việc thu thập và tổng hợp thông tin, các em có cơ hội thể hiện góc nhìn của mình trong cuộc sống, có cơ hội đề xuất giải quyết những vấn đề mà mình nêu ra là cầu nối liên kết thiếu nhi với các đồng chí lãnh đạo, cơ quan chính quyền, giúp hiểu rõ về thiếu nhi thông qua góc nhìn của chính các em.

Để trẻ em được thực hiện tốt các quyền được bảo vệ các cấp, chính quyền cần đẩy mạnh tăng cường tuyên truyền, truyền thông rộng rãi về Quyền trẻ em tới nhiều đối tượng. Đổi mới cách thức, phương thức tổ chức để trẻ em nắm bắt, hiểu rõ mình có những quyền gì? Thường xuyên quan tâm tạo sân chơi kiến thức, diễn đàn, hội thi tìm hiểu về quyền trẻ em, kỹ năng bảo vệ chăm sóc trẻ em trong nhà trường, cộng đồng. Tạo điều kiện để trẻ em có cơ hội trao đổi, nắm bắt thông tin, được đưa ra ý kiến, kiến nghị chính đáng để bảo vệ quyền trẻ em. Thường xuyên quan tâm để giải quyết những nguyện vọng chính đáng của trẻ em góp phần giúp cho trẻ được phát triển toàn diện. Thường xuyên kiểm tra, giám sát về trách nhiệm thực hiện quyền trẻ em, chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

Huyện Mèo Vạc hiện nay có trên 23.000 trẻ em trong đó có 18.760 thiếu niên, nhi đồng đang học tập, sinh hoạt trong 35 Liên đội trường học, tỷ lệ trẻ em ở vùng nông thôn chiếm trên 95% trong toàn huyện. Tuy đã được các cấp lãnh đạo trong huyện quan tâm nhưng việc thực hiện Quyền trẻ em hiện còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do ảnh hưởng bởi nhiểu mặt về kinh tế, xã hội, tâm lý... Tại một số địa phương, khái niệm “Quyền trẻ em” vẫn còn rất mới mẻ, chưa tạo được môi trường riêng biệt để các em được bày tỏ ý kiến, tâm tư nguyện vọng của mình. Việc nắm vững và thực thi pháp luật của bộ phận người dân còn hạn chế, bị ảnh hưởng bởi một số phong tục, tập quán lạc hậu, xu thế toàn cầu hóa, quốc tế hóa đòi hỏi cần quan tâm nhiều hơn đến việc thực hiện quyền trẻ em, trong đó có quyền được tham gia.

 


Tác giả: Minh Chuyên
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.736
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 67.886
Năm 2024 : 573.232