Hình thành nền công nghệ sinh học phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương
CTTBTG - Công nghệ sinh học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một yếu tố quan trọng góp phần bảo đảm an ninh lương thực, chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn; cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng; bảo vệ môi trường sống và phục vụ phát triển công nghệ sinh học.
Những năm gần đây, các cấp ủy đảng, chính quyền của tỉnh Hà Giang đã quan tâm triển khai hiệu quả việc ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, môi trường, y dược. Trong đó, phục tráng và bảo tồn nhiều giống lúa, ngô địa phương; chọn, tạo thế hệ cây cam sành sạch bệnh; bảo tồn nguồn gen dược liệu bản địa và phát triển các loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu, gồm 08 giống dược liệu quý: Ba kích tím, Giảo cổ lam 5 lá và 7 lá, Đinh lăng, Đan sâm, Tục đoạn, Bình vôi, Hà thủ ô đỏ, Kim ngân; một số sản phẩm có giá trị như: Nấm đông trùng hạ thảo được sản xuất thành hàng hóa tại Hà Giang, tinh dầu thảo quả, tinh dầu hồi, cao trà ... sinh sản nhân tạo giống cá Lăng chấm, cá Chiên, cá Bỗng; thụ tinh nhân tạo trâu lai; nhân giống và bảo tồn nguồn gen gà Lông xước, lợn đen Lũng Pù.... Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào sản xuất giống cây có ưu thế; làm chủ được công nghệ nhân giống bò bảo đảm chất lượng tốt. Chất lượng một số sản phẩm nông nghiệp hàng hoá được cải thiện đáng kể, trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã có các sản phẩm sản xuất đảm bảo theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm có uy tín trên thị trường như: Cam sành, mật ong bạc hà, hồng không hạt, chè shan tuyết, thịt bò vàng... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Nhân giống và bảo tồn nguồn gen lợn đen Lũng Pù (ảnh baohagiang.vn)
Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học công nghệ sinh học đã dần thay đổi tập quán canh tác, biết áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Tiềm lực khoa học - công nghệ được nâng lên một bước, cơ sở vật chất được tăng cường, cán bộ kỹ thuật được đào tạo đáp ứng cơ bản nhiệm vụ khoa học - công nghệ địa bàn tỉnh trong tình hình mới.
Phát huy kết đạt được, đồng thời cụ thể hóa Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 40-CTr/TU, ngày 16/5/2023 để thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Theo đó, tỉnh Hà Gianh xác định quan điểm lấy phát triển công nghệ sinh học là động lực quan trọng để thực hiện quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống nhân dân. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phải khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từng bước đầu tư phát triển một số lĩnh vực có trọng tâm, trọng điểm phù với ưu thế về đa dạng sinh học của tỉnh. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống, coi đây là giải pháp ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội; lấy doanh nghiệp là chủ thể, có cơ chế, chính sách đặc thù tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân đầu tư phát triển công nghiệp sinh học.
Sản xuất đông trung hạ thảo bán tự nhiên thành công mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân Hà Giang (ảnh baohagiang.vn)
Đồng thời, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu hình thành được nền công nghệ sinh học phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, phát triển ổn định, có trung tâm sản xuất và dịch vụ ứng dụng công nghệ sinh học. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến năm 2030 hình thành được nền công nghệ sinh học phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, phát triển ổn định trong các lĩnh vực: Nông nghiệp; công nghiệp; y tế; bảo vệ môi trường… góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Cơ bản đáp ứng yêu cầu về nguồn lực cho mục tiêu phát triển công nghệ sinh học; hình thành được nhóm cán bộ khoa học và công nghệ có chuyên môn sâu về công nghệ sinh học, hoàn thành việc đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các Trung tâm khoa học kỹ thuật của tỉnh; hằng năm ưu tiên bố trí tối thiểu 0,1% tổng chi ngân sách nhà nước cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và đời sống; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư, huy động nguồn lực xã hội cho nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, phấn đấu hình thành được ít nhất 05 doanh nghiệp công nghiệp sinh học có phạm vi, quy mô đủ lớn, có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tầm nhìn đến năm 2045, Hà Giang là tỉnh có nền công nghệ sinh học phát triển khá, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học thuộc nhóm khá trong khu vực Trung du miền núi phía Bắc, trung bình khá của cả nước.
Để việc triển khai thực hiện các mục tiêu trên đạt hiệu quả cao, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp như: Thống nhất nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống như lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, lĩnh vực công nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường. Xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học...