A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thế giới nổi bật tháng 01/2020

Kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và Cộng hòa Bê-la-rút của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chuyến thăm chính thức Liên bang Nga Cộng hòa Bê-la-rút. Chuyến thăm lần này của Chủ tịch Quốc hội đạt được một số kết quả sau:

Tại Liên bang Nga, trong cuộc hội đàm với Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V.Mát-vi-en-cô, hai bên nhất trí cho rằng, quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang Nga phát triển tích cực trong thời gian qua. Trao đổi đoàn được duy trì thường xuyên, giữa lãnh đạo, các ủy ban và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị, góp phần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm lập pháp và hoạt động giám sát, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội mỗi nước, thúc đẩy triển khai các thỏa thuận hợp tác song phương. Hợp tác địa phương không ngừng được tăng cường, không chỉ giữa các thủ đô, thành phố lớn, như: Hà Nội - Mát-xcơ-va, Thành phố Hồ Chí Minh - Xanh Pê-téc-bua mà cả giữa các địa phương giàu tiềm năng khác như giữa tỉnh Bình Thuận với tỉnh Kaluga, tỉnh Hà Tĩnh với tỉnh Tula, Nam Định với Krasnodar… Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hội đồng Liên bang Nga ủng hộ Cộng hòa Ta-tát-xtan kết nghĩa với tỉnh Kiên Giang; tiếp tục làm cầu nối giúp các tỉnh, thành phố Việt Nam kết nối, thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương Nga.

Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga V. Mát-vi-en-cô cho rằng, phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là chủ trương của Liên bang Nga trong thực hiện chính sách đối ngoại; thực hiện tích cực việc phát triển quan hệ song phương trên cơ sở quan hệ truyền thống hữu nghị tin cậy lẫn nhau; coi trọng đối thoại chính trị, tích cực ở các cấp giữa hai Quốc hội, trong kênh Đảng, giữa các bộ, ngành của hai nước. Chủ tịch V.Mát-vi-en-cô nhất trí: Quốc hội hai nước ủng hộ hai Chính phủ sớm ký Hiệp định đi lại của công dân hai nước và Hiệp định liên Chính phủ về tuyển chọn có tổ chức công dân Việt Nam sang làm việc trên lãnh thổ Nga.

Tại Cộng hòa Bê-la-rút, trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Bê-la-rút N.Cô-cha-nô-va, hai nhà lãnh đạo đánh giá cao hoạt động của Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam -  Bê-la-rút về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật. Bê-la-rút coi Việt Nam là đối tác chiến lược, là cầu nối giúp tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại với khu vực Đông Nam Á. Hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước được duy trì và phát triển. Hai bên nhất trí cần làm cho liên doanh giữa các doanh nghiệp hai nước tiếp cận được với thị trường châu Á và châu Âu. Cùng với hợp tác kinh tế, hai bên cũng cần thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nhân văn, tổ chức Ngày Bê-la-rút tại Việt Nam vào năm 2021...

Trao đổi về hợp tác giữa Quốc hội/Nghị viện hai nước, hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Nghị viện Bê-la-rút không ngừng được củng cố và phát triển trong những năm qua. Hai bên duy trì trao đổi đoàn cấp cao và đoàn ủy ban chuyên môn; thường xuyên tham vấn, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) để trao đổi về những vấn đề hai bên cùng quan tâm; thường xuyên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau, chia sẻ quan điểm chung về nhiều vấn đề trên các diễn đàn đa phương, đặc biệt là tại Liên Hợp quốc (LHQ).

Về tình hình Biển Đông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả...

Ngoại giao Việt Nam 2019: Những dấu ấn lớn trên diễn đàn đa phương

Năm 2019 là một năm có nhiều biến động lớn đối với chính trị và kinh tế thế giới. Những bất ổn đan xen ở nhiều quốc gia, nhiều khu vực, xu hướng chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ thương mại đã đẩy các cuộc chiến tranh thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, đã có tác động lớn đến cục diện chính trị-kinh tế toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn luôn kiên trì đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, là bạn, là đối tác tin cậy, đóng góp nhiều sáng kiến quan trọng vào các vấn đề của thế giới, tạo thuận lợi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định phát triển đất nước.

Với 192 trên tổng số 193 phiếu, con số cao kỷ lục trong lịch sử 75 năm của Liên hiệp quốc, đánh dấu sự trở lại thuyết phục của Việt Nam tại Hội đồng Bảo An. Con số 192 là minh chứng rõ nhất sự đóng góp và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tại các diễn đàn của thế giới…

Có được sự tin tưởng đó, chính là nhờ những đóng góp không ngừng nghỉ của Việt Nam trong suốt hơn 40 năm qua trên cương vị thành viên của Liên hiệp quốc cũng như là của các diễn đàn đa phương khác. Đặc biệt, Việt Nam ngày càng có những đóng góp to lớn trên phương diện cầu nối, bảo đảm, gìn giữ hòa bình của thế giới.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực ngoại giao chính trị, một dấu ấn không thể không kể đến, đó là ngoại giao kinh tế. Trong năm 2019, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA), Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) sau thời gian dài đàm phán, có thể khẳng định Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư được ký kết đã thể hiện vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Năm 2019, là một năm mà chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông gặp nhiều thách thức. Việc Trung Quốc liên tục đưa tàu và giàn khoan vào vùng biển, thềm lục địa phía Nam của Việt Nam đã xâm phạm đến chủ quyền, quyền chủ quyền của chúng ta. Bằng các biện pháp đấu tranh kiên trì thông qua con đường ngoại giao, đề cao sự minh bạch trong tiến trình giải quyết các tranh chấp, luôn giữ thái độ hợp tác khi xuất hiện những mâu thuẫn, Việt Nam đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.

Những thành tựu chính trị ngoại giao và kinh tế đã giúp chúng ta ngày càng có tiếng nói quan trọng trên các diễn đàn quốc tế và đây cũng tăng thêm những cơ hội để chúng ta bảo đảm chính sách ngoại giao độc lập, giữ vững chủ quyền và lợi ích quốc gia, đặc biệt là chủ quyền biên giới…


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.150
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.934
Năm 2024 : 513.280