A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thế giới nổi bật số tháng 10/2019

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự Đại hội đồng lần thứ 40 Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA 40) và thăm chính thức Vương quốc Thái Lan từ ngày 25-30/8/2019

- Đại hội đồng AIPA 40 tổ chức với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác nghị viện vì cộng đồng bền vững”. Trong các phiên họp, các đại biểu của các nước đều khẳng định mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với AIPA, đồng thời chia sẻ trong bối cảnh khu vực đang đối mặt với những thách thức địa chính trị ngày càng gia tăngAIPA 40 đã thông qua Thông cáo chung, báo cáo của các ủy ban và 27 nghị quyết trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và 02 nghị quyết của ủy ban nữ nghị sỹ AIPA.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh ASEAN cần củng cố tinh thần đoàn kết, thống nhất, không ngừng làm sâu sắc quan hệ với các đối tác trong bối cảnh thế giới và khu vực trải qua nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, bất ổn...

Tại phiên bế mạc, theo cơ chế luân phiên, các nước nhất trí thông qua Việt Nam giữ chức Chủ tịch AIPA lần thứ 41. Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội nước ta cam kết sẽ nỗ lực hết mình để đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch AIPA và mong nhận được sự ủng hộ, hợp tác chặt chẽ của Nghị viện Thái Lan, các Nghị viện thành viên AIPA, Ban Thư ký AIPA, Ban Thư ký ASEAN.

- Nhân dịp dự Đại hội đồng AIPA 40, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thăm chính thức Vương quốc Thái Lan. Trong buổi tiếp xúc với Chủ tịch Hạ viện đồng thời là Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Thái Lan Chuan Leekpai, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan trong 43 năm qua, nhất là từ khi Việt Nam và Thái Lan thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2013. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thái Lan tạo điều kiện hơn nữa cho thương mại hàng hóa và dịch vụ; khuyến khích các doanh nghiệp Thái Lan đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam

Về hợp tác quốc tế, Thái Lan ủng hộ Việt Nam trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Chủ tịch Hạ viện Thái Lan bày tỏ tin tưởng, với kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng, Việt Nam sẽ tổ chức thành công AIPA 41 tại Việt Nam vào năm 2020.

Một số diễn biến đáng chú ý trên Biển Đông thời gian gần đây và chủ trương, giải pháp đấu tranh của ta

(1) Mưu đồ chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông

- Trung Quốc và những lợi ích sống còn từ Biển Đông: Về lĩnh vực kinh tế, Biển Đông là nguồn cung cấp năng lượng của tương lai; một trong 04 khu vực đánh cá chủ yếu của ngư dân Trung Quốc; đường vận tải sinh mệnh của nền kinh tế Trung Quốc. Về an ninh quốc phòng, đây là một bức tường thành tự nhiên trên biển, là vành đai quân sự, rào cản an ninh để ngăn chặn những rủi ro và uy hiếp từ bên ngoài...

- Các kế sách của Trung Quốc trên Biển Đông: Trung Quốc có nhiều kế sách trong vấn đề Biển Đông, như “tằm ăn dâu”, “biến không thành có”, “gác tranh chấp cùng khai thác”, “cây gậy và củ cà rốt”... Đáng chú ý là, gần đây Trung Quốc sử dụng kế sách rất thâm độc, đó là chiến thuật “vùng xám”, tức dân sự hoá các hoạt động quân sự và bán quân sự, không sử dụng hải quân cũng như các hoạt động có cường độ quá mạnh hay vượt qua một giới hạn đỏ nào đó. Mục đích của điều này là không để tạo ra những phản ứng quá quyết liệt từ các nước khác.

(2) Bãi Tư Chính hoàn toàn thuộc về Việt Nam

- Bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc: Phán quyết Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 12/7/2016, đã bác bỏ yêu sách phi lý đường lưỡi bò của Trung Quốc, đồng thời nêu rõ các thực thể ở ngoài khơi Biển Đông, bao gồm một số thực thể ở Trường Sa chỉ có thể có lãnh hải 12 hải lý; không một thực thể nào có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa (Theo Khoản 3 Điều 121 UNCLOS).

Bãi Tư Chính (Trung Quốc gọi là bãi Vạn An Bắc) cách bờ biển Đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 600 hải lý. Như vậy, vùng thềm lục địa của Trung Quốc không thể kéo dài đến bãi Tư Chính. Không thể nói bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa của Trung Quốc. Trong khi đó, Bãi Tư Chính chỉ nằm cách bờ biển Vũng Tàu của nước ta 160 hải lý, chiểu theo UNCLOS, bãi Tư Chính nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

- Việt Nam khẳng định quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình ở Bãi Tư Chính

Việt Nam đã thực hiện quyền chủ quyền đối với bãi Tư Chính. Từ năm 1971, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đã cho tiến hành phân lô đấu thầu thăm dò khai thác. Năm 1988, Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phân lô và mời các nhà thầu nước ngoài đến thăm dò, khai thác dầu khí tại đây. Đến năm 1994, Việt Nam cũng đã ký hợp đồng với một công ty năng lượng lớn của Mỹ là ExxonMobil để khai thác lô dầu khí ở bãi Thanh Long cùng nằm trong phạm vi bãi Tư Chính. Từ năm 1989 cho đến nay, Chính phủ Việt Nam đã thiết lập Cụm Kinh tế, Khoa học và Dịch vụ có các trạm, nhà chòi, giàn khoan và đèn biển để tạo thuận tiện và hỗ trợ cho giao thông hàng hải, đánh bắt hải sản, nghiên cứu khoa học và các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí. Như vậy, có thể thấy, Việt Nam đã thực hiện quyền chủ quyền đối với bãi Tư Chính hoàn toàn phù hợp với pháp luật cũng như theo đúng UNCLOS.

(3) Việc Nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc quay trở lại xâm phạm vùng biển của Việt Nam

Ngày 13/8/2019, Nhóm tàu Hải Dương 8 đã quay trở lại vùng biển của Việt Nam và đã tiến hành thêm nhiều tuyến khảo sát vi phạm vào chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên biển. Ngày 23/8/2019, tàu khảo sát Khoa học Hải Dương 4 cũng đi vào vùng biển Việt Nam và đến tối ngày 24/8/2019 tàu Hải Dương 4 đã rời khu vực. Việc Nhóm tàu Hải Dương 8 quay trở lại và Hải Dương 4 xâm phạm vùng biển của Việt Nam là bước đi trong chiến thuật “vùng xám” - biến vùng không tranh chấp trở thành tranh chấp, nhằm thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Các hoạt động này không nằm ngoài dự báo của chúng ta, vì thế chúng ta đã có những bước đi xử lý kịp thời, chủ động và linh hoạt cả trong đấu tranh thực địa và trong đấu tranh chính trị-ngoại giao. Cụ thể là: (1) Trong đấu tranh trên thực địa, các lực lượng chức năng của ta đã chủ động duy trì lực lượng, triển khai các phương án phù hợp bảo đảm thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của ta trên biển, ứng phó thích hợp với diễn biến tình hình, tiếp tục bảo vệ an toàn các hoạt động dầu khí của ta trong vùng biển Việt Nam; (2) Trong đấu tranh chính trị-ngoại giao, các cơ quan chức năng của ta đã tiến hành giao thiệp, phản đối nhiều lần qua đường ngoại giao ở nhiều cấp độ khác nhau, cả trên kênh Đảng, kênh Nhà nước, kênh đối ngoại nhân dân và từng bước nâng cấp đấu tranh chính trị-ngoại giao theo diễn biến vụ việc; (3) Các cơ quan chức năng và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đã tích cực thông tin để các chính đảng các nước, các diễn đàn, tổ chức nhân dân quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam; gặp gỡ kiều bào cốt cán trong cộng đồng để cung cấp thông tin về chủ trương, biện pháp đấu tranh của ta, đồng thời định hướng để cộng đồng ta thể hiện thái độ bất bình phù hợp luật pháp sở tại trước việc Trung Quốc tái diễn vi phạm vùng biển nước ta.

(4) Một số nhiệm vụ trong thời gian tới

Hoạt động của Trung Quốc có khả năng kéo dài và diễn biến phức tạp, đề nghị cấp ủy các cấp triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền khẳng định việc Trung Quốc cho tàu Hải Dương 8 cùng với các tàu hộ tống khảo sát dài ngày xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông là hành động sai trái, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam được quy định bởi Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Hai là, quán triệt quan điểm, chủ trương đấu tranh của ta là: Kiên quyết, kiên trì giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước gắn liền với bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các lợi ích hợp pháp, chính đáng trên biển của Tổ quốc, quyết tâm triển khai hoạt động dầu khí của ta tại Lô 06/1 như đã tiến hành bình thường với các đối tác quốc tế trong gần 20 năm qua.

Ba là, làm tốt công tác tư tưởng để cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin tưởng vào quan điểm, chủ trương, biện pháp đấu tranh của ta; bình tĩnh, tỉnh táo trước các thông tin sai trái, xuyên tạc, kích động trên mạng xã hội; tích cực đăng tải, chia sẻ thông tin tích cực trên báo chí, mạng xã hội; kiên quyết đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái, kích động tư tưởng “bài Hoa”, gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, xuyên tạc chính sách đối ngoại và chủ trương của Đảng, Nhà nước ta.


Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 95
Hôm qua : 3.275
Tháng 07 : 65.245
Năm 2024 : 570.591