A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin Thế Giới Nổi Bật Số Tháng 9/2019

Kết quả Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị liên quan

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các hội nghị liên quan được tổ chức tại thủ đô Băng Cốc (Thái Lan) từ ngày 29/7 - 03/8/2019. Hội nghị đạt được một số kết quả chủ yếu sau:

Một là, tiến trình xây dựng Cộng đồng nhận được sự cam kết mạnh mẽ từ tất cả các nước thành viên ASEAN.

Hai là, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác được đẩy mạnh. Các nước đối tác đều tỏ rõ sự quan tâm và muốn tăng cường hơn nữa quan hệ với ASEAN.

Ba là, nhiều vấn đề thời sự nhận được sự quan tâm của các bộ trưởng tham gia Hội nghị. Trong đó có các vấn đề liên quan đến cọ xát thương mại Mỹ - Trung, Hiệp định RCEP, căng thẳng thương mại Nhật - Hàn, tình hình Biển Đông, vấn đề Bán đảo Triều Tiên, tình hình bang Rakhine ở Mi-an-ma, các vấn đề về chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia...

Bốn là, Hội nghị đã thông qua Thông cáo chung khẳng định cam kết của các nước thực hiện đầy đủ Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì tinh thần đoàn kết trong các nỗ lực xây dựng cộng đồng.

Về việc Nga và Mỹ rút khỏi Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung (INF)

INF, còn gọi là Hiệp ước thủ tiêu tên lửa tầm ngắn và tầm trung, vốn được coi là biểu tượng dẫn tới việc chấm dứt kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh, được lãnh đạo Liên Xô và Mỹ ký ngày 08/12/1987. Theo INF, Liên Xô trước đây (Nước Nga ngày nay) và Mỹ cam kết không phát triển, thử nghiệm hoặc triển khai các tên lửa hạt nhân và thông thường tầm ngắn và tầm trung. Từ khi Hiệp ước có hiệu lực, Liên Xô đã thủ tiêu 1.846 tên lửa và Mỹ thủ tiêu 846 tên lửa. Các chuyên gia quân sự quốc tế đánh giá, trong hơn ba thập niên qua, INF được coi là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, rào cản đối với cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ, duy trì sự cân bằng chiến lược ở khu vực châu Âu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, cả Nga và Mỹ đều liên tục cáo buộc nhau vi phạm INF. Ngày 02/8/2019, Mỹ tuyên bố chính thức rút khỏi INF. Đồng thời, Bộ Ngoại giao Nga cũng xác nhận chấm dứt hiệu lực của INF vốn được Nga và Mỹ ký tháng 12/1987. Quyết định trên của Nga và Mỹ đã khiến INF chính thức bị xóa bỏ. Nga và Mỹ sẽ không còn chịu sự ràng buộc của cơ chế kiểm soát vũ khí INF và điều này đang khiến cộng đồng quốc tế vô cùng lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới trong tương lai với hậu quả không thể lường trước được…

Một số diễn biến đáng chú ý trên Biển Đông thời gian gần đây

Từ ngày 04/7/2019, tàu địa chất Haiyang Dizhi 8 (Hải Dương 8), cùng tàu hộ tống của Trung Quốc ngang nhiên hoạt động trái phép ở phía Nam Biển Đông của Việt Nam (Tại khu vực từ Lô 154 đến Lô 130 và từ Lô 131 đến Lô 155), xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển của nước ta (Được xác định theo các quy định của UNCLOS 1982). Đến chiều ngày 07/8/2019, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 đã dừng hoạt động khảo sát địa chấn và rời khỏi vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, đến ngày 13/8/2019, tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc lại ngang nhiên vi phạm, trở lại xâm phạm ở vùng biển của Việt Nam.

Trong thời gian diễn ra vụ việc, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Chính phủ, công tác đấu tranh chính trị, ngoại giao và đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên thực địa, cũng như công tác thông tin, tuyên truyền đã được tiến hành đồng bộ, chủ động và kịp thời. Trên thực địa chúng ta đã chủ động, khôn khéo, kiên cường xử lý mọi tình huống không để Trung Quốc “kiếm cớ” đẩy sự việc lên cao, tạo dư địa cho ta trong việc triển khai các bước đấu tranh tiếp theo phù hợp với diễn biến tình hình. Trên mặt trận an ninh, chính trị chúng ta đã tập trung triển khai nhiều giải pháp từ tuyên truyền giáo dục, giải pháp kỹ thuật, nhằm phòng chống hiệu quả việc các thế lực phản động lợi dụng tình hình, phát tán thông tin mang tính kích động, như: Tụ tập đông người, biểu tình, hoặc có hành vi quá khích, gây mất an ninh chính trị, trật tự trong nước; cũng như ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và phát triển kinh tế của ta. Trên mặt trận ngoại giao, chúng ta đã đàm phán trực tiếp, trao đổi công hàm, nói rõ lập trường trong các hội nghị quốc tế, triệt để cơ chế làm việc của các tổ chức quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt và quan trọng là ASEAN để kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Đáng chú ý là tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 52 ở Thái Lan, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đã chỉ trích đích danh tàu Hải Dương 8 cùng với các tàu bảo vệ và tàu hải cảnh Trung Quốc đã có các hoạt động trong vùng biển của Việt Nam. Chúng ta luôn khẳng định, đây không phải là vùng biển tranh chấp mà là vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Dư luận khu vực và quốc tế đánh giá cao các giải pháp mà Việt Nam đã lựa chọn và triển khai. Theo họ, Việt Nam đã có những phản ứng tương đối sắc bén, phù hợp với tình hình cụ thể. Chính giới nhiều nước đã lên tiếng phản đối các hoạt động, các yêu sách chủ quyền “bất hợp pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông. Bên cạnh đó, báo chí quốc tế, Việt ngữ thường xuyên cập nhật thông tin về vụ việc và cho rằng Việt Nam đã xử lý vụ việc khôn khéo, phản ứng kiên quyết trên thực địa và sắc bén trong phát ngôn; ghi nhận ta đấu tranh mạnh mẽ trong vụ việc, ủng hộ các biện pháp đấu tranh ngoại giao, cũng như tạo dư luận của ta nhằm mục đích vừa bảo vệ chủ quyền, vừa đảm bảo hòa bình và ổn định trong nước. Trong khi đó, báo chí Trung Quốc đề cập rất ít về vụ việc; đa phần đăng nội dung phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đáng chú ý, phía Trung Quốc đã phê phán gay gắt sự can thiệp của Mỹ vào vấn đề Biển Đông.

Trong thời điểm diễn ra vụ việc, các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội thông qua các trang mạng xã hội, các báo, đài phát thanh bằng tiếng Việt ở nước ngoài thường xuyên thông tin xuyên tạc các chủ trương, biện pháp của ta trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của UNCLOS 1982 ở Biển Đông; kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; kích động lôi kéo biểu tình quy mô lớn, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Dự báo trong thời gian tới, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, Trung Quốc không từ bỏ mưu đồ độc chiếm Biển Đông. Lợi dụng tình hình phức tạp này, các thế lực thù địch trong và ngoài nước tiếp tục có những hành động chống phá, lôi kéo, kích động người dân.

Trước tình hình trên, đề nghị các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội các cấp bám sát, theo dõi tình hình, nắm chắc diễn biến tư tưởng, tâm trạng dư luận xã hội, tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, giữ vững bản lĩnh chính trị, nâng cao tinh thần cảnh giác cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tránh bị lợi dụng, kích động gây mất ổn định xã hội. Đồng thời, phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, chung sức đồng lòng, tin tưởng và quyết tâm cao dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, triển khai có hiệu quả các chủ trương, biện pháp xử lý vụ việc; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc quyền và lợi ích hợp pháp của ta ở Biển Đông cũng như giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.   


Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.181
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.965
Năm 2024 : 513.311