A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin Thế Giới Nổi Bật Số Tháng 06/2019

- Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2 và các hoạt động tham gia tích cực của Đoàn Việt Nam tại Diễn đàn: Diễn đàn được tổ chức từ ngày 25 - 27/4/2018 tại thủ đô Bắc Kinh(Trung Quốc), với sự tham dự của 37 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ các nước, khoảng 5.000 đại biểu đến từ hơn 150 quốc gia và 90 tổ chức quốc tế. Với chủ đề “Hợp tác Vành đai và Con đường: Định hình tương lai chung tươi sáng hơn”, Diễn đàn đã đạt được một số kết quả chủ yếu sau: 
Một là, việc tổ chức thành công diễn đàn và thông qua Thông cáo chung đã góp phần tái khẳng định các cam kết thúc đẩy liên kết kinh tế, kết nối kinh tế, tự do hóa thương mại và tôn trọng chủ nghĩa đa phương.

Hai là, thúc đẩy những điều chỉnh mới cho hợp tác Vành đai - Con đường theo hướng đem lại lợi ích cân bằng hơn cho các nước tham gia.

Ba là, Diễn đàn đã thảo luận các cơ hội hợp tác và phối hợp trong nhiều lĩnh vực quan trọng như: Kết nối hạ tầng, cộng hưởng chính sách, kinh tế số và phát triển xanh…

Các hoạt động tham gia tích cực của Đoàn Việt Nam tại Diễn đàn: Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ 2. Thủ tướng đã có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn, chia sẻ kinh nghiệm 30 năm đổi mới của Việt Nam, nhấn mạnh phát triển là trách nhiệm của mỗi quốc gia và phát huy tốt tiềm năng thế mạnh cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng là nền tảng cho hợp tác thành công. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời đẩy mạnh hội nhập quốc tế, trong đó có hợp tác với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”; nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Phát biểu của Thủ tướng đã được Hội nghị đánh giá cao; nhiều nhà lãnh đạo bày tỏ ủng hộ quan điểm của Việt Nam.

Đoàn Việt Nam đã tham gia chủ động, tích cực với sự chuẩn bị kỹ lưỡng vào các hoạt động của Diễn đàn và quá trình xây dựng Thông cáo chung của Hội nghị bàn tròn thượng đỉnh, trong đó tái khẳng định các nguyên tắc cơ bản của hợp tác; nhấn mạnh mong muốn thúc đẩy hợp tác chất lượng cao, khẳng định cam kết của các nhà lãnh đạo đối với việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, xây dựng một thế giới hoà bình và thịnh vượng.

- Một số kết quả chủ yếu của Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Triều: Từ ngày 25/4/2019 - 26/4/2019, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã thăm Nga và có Cuộc gặp Thượng đỉnh với Tổng thống Nga V. Putin tại thành phố Vla-đi-vô-xtốc. Hai nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận và đạt được một số kết quả sau:

Về vấn đề đàm phán hạt nhân, hai nhà lãnh đạo nhất trí phối hợp để thúc đẩy việc giải quyết vấn đề này. Tổng thống Nga Putin khẳng định: Các thỏa thuận song phương về đảm bảo an ninh là chưa đủ, cần một cơ chế an ninh đa phương cho Triều Tiên và đàm phán 06 bên (Triều Tiên, Hàn Quốc, Nga, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản) về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, sẽ giúp đảm bảo an ninh quốc tế. Đồng thời nhấn mạnh, đối thoại và hòa bình là biện pháp hiệu quả duy nhất để giải quyết các vấn đề.

Về quan hệ song phương, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un hy vọng đưa quan hệ Triều Tiên với Nga “ổn định hơn và mạnh mẽ hơn”. Trong khi đó, Tổng thống Nga Putin tin tưởng rằng chuyến thăm của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ thúc đẩy các quan hệ ngoại giao và kinh tế giữa hai nước. Tổng thống Nga đã kêu gọi hợp tác kinh tế 03 bên giữa Nga với Hàn Quốc và Triều Tiên trong các lĩnh vực: Hệ thống đường sắt, ống dẫn khí đốt và mạng lưới điện...

- Một số tình hình biển Đông thời gian gần đây: (1) Trước sự việc Hoa Kỳ cho 02 tàu hải quân đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Ga Ven và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa theo quy định của luật pháp quốc tế. Là một quốc gia ven Biển Đông và là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam cho rằng tất cả các quốc gia được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam đề nghị các nước tiếp tục có đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực…”(2) Đối với sự việc In-đô-nê-xi-a bắt giữ và phá hủy các tàu cá của Việt Namngày 09/5/2019, Người phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc Bộ Biển và Nghề cá cùng một số lực lượng trên biển của In-đô-nê-xi-a bắt giữ, tiêu hủy tàu cá của Việt Nam. Đây là hành động không phù hợp với quan hệ song phương, trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía In-đô-nê-xi-a qua các kênh khác nhau về vấn đề này và đề nghị Bộ Biển và Nghề cá, các lực lượng trên biển của In-đô-nê-xi-a cần có hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển năm 1982 và quan hệ song phương giữa hai nước; đề nghị phía In-đô-nê-xi-a đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân Việt Nam phù hợp với quan hệ 02 nước và tinh thần đoàn kết ASEAN...”. (3) Về việc Trung Quốc áp dụng cấm đánh bắt cá từ ngày 01/5/2019-16/8/2019 ở khu vực Biển Đông (Gồm một số vùng biển của Việt Nam), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam cho rằng các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không làm phương hại đến quyền chủ quyền và các quyền tài phán trên biển của các nước có liên quan. Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.125
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.909
Năm 2024 : 513.255