A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tin thế giới nổi bật tháng 12/2019

Một số kết quả Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và những đóng góp của Việt Nam

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 và các hội nghị Cấp cao liên quan diễn ra từ ngày 02-04/11/2019, tại thủ đô Băng Cốc (Thái Lan), với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và các đối tác.

Hội nghị thông qua lộ trình gắn kết giữa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với Chương trình nghị sự của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững 2030; lập 03 trung tâm ASEAN về phát triển bền vững, tuổi già năng động và công tác xã hội. Các đối tác tiếp tục coi trọng, cam kết mạnh mẽ, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN; đưa ra nhiều đề xuất hợp tác với ASEAN về kết nối, phát triển hạ tầng, ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, xử lý rác thải biển, an ninh mạng, phát triển kinh tế số...

Vấn đề Biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm và được nhiều nước đề cập tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35. Tại phiên toàn thể cũng như các hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quan điểm nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trên tinh thần tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các nước ủng hộ giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), tạo môi trường thuận lợi cho các tiến trình pháp lý trong việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Ngay sau Lễ bế mạc Hội nghị đã diễn ra Lễ Chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 cho Việt Nam. Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, quốc gia Chủ tịch ASEAN 2019, đã trao chiếc Búa Chủ tịch ASEAN cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Sự kiện này chính thức xác lập vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam. Phát biểu tại Lễ Chuyển giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam đã sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 và lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là chủ đề của “Năm ASEAN 2020”. Việt Nam đã xây dựng, đưa ra 05 định hướng ưu tiên cho Năm Chủ tịch ASEAN 2020: (1) Tăng cường thực hiện vai trò và đóng góp của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; (2) Thúc đẩy liên kết, kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; (3) Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN nhằm tạo dựng các giá trị chung của ASEAN; (4) Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới; (5) Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả của ASEAN thể hiện qua cải cách thể chế, tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra Thông điệp khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng, với ý thức trách nhiệm cao nhất để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và vui mừng chào đón các nước đến Việt Nam vào năm 2020.

Báo động tình trạng buôn bán người, đưa người nhập cư trái phép thời gian gần đây

Ngày 23/10/2019, cảnh sát Anh tìm thấy thi thể của 39 người bên trong một xe công-ten-nơ tại khu công nghiệp Waterglade, thị trấn Grays, Anh. Sau một thời gian tích cực phối hợp, kiểm tra, so sánh đặc điểm nhận dạng cá nhân, Bộ Công an Việt Nam và cơ quan thực thi pháp luật của Anh xác định, 39 nạn nhân thiệt mạng trên đều là người Việt Nam. Sự việc này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về hiểm họa khôn lường về tình trạng buôn bán người, đưa người nhập cư trái phép vào Anh và Châu Âu nói chung.

Theo nghiên cứu của Văn phòng Phòng, chống tội phạm và ma túy Liên Hợp quốc (UNODC), trên thế giới hiện nay ghi nhận khoảng 30 tuyến buôn bán người và đưa người di cư lớn nhất. Theo ước tính của Liên Hợp quốc, mỗi năm trên thế giới có khoảng 800 nghìn đến 1 triệu người bị mua bán. Thủ đoạn của những tổ chức buôn người ngày càng tinh vi, chặt chẽ và mạo hiểm hơn, bất chấp tính mạng của người di cư. Thủ đoạn của chúng thường là: (1) Làm giấy tờ giả rất tinh vi như visa, hộ chiếu, thẻ định danh...; (2) Lợi dụng chính sách thông thoáng như miễn visa khi đi du lịch của người dân trên toàn lãnh thổ EU; (3) Tận dụng sự bùng nổ của các loại hình mạng xã hội, các tổ chức buôn người tranh thủ quảng cáo về các dịch vụ đưa người đi nước ngoài của mình, dụ dỗ người muốn ra nước ngoài bằng các dịch vụ “bảo hành trọn gói”, “đến nơi mới thu tiền”, “an toàn tuyệt đối” và “như đi du lịch”...; (4) Các tổ chức buôn người liên tục thay đổi chiến thuật hoạt động. Chúng có các phương pháp giấu người tinh vi, phức tạp nhưng rất nguy hiểm với mạng sống của “khách hàng”... (5) Các tổ chức buôn người cung cấp dịch vụ mua bán người vào Châu Âu được tổ chức rất chặt chẽ, liên kết với nhau ở từng nước, từng khu vực. Đáng chú ý là các đường dây này có liên quan chặt chẽ với nhiều loại tội phạm khác, như buôn người làm nô lệ, mại dâm, lao động cưỡng bức...

Theo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), từ năm 2016 đến tháng 6/2019, Việt Nam phát hiện gần 1.100 vụ, với hơn 1.400 đối tượng, lừa bán gần 2.700 nạn nhân. Các địa phương phát hiện nhiều là các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, như: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Ninh, Lạng Sơn...

Trước những diễn biến phức tạp, tinh vi của tội phạm mua bán người, đưa người nhập cư trái phép hiện nay, chúng ta cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và sự nguy hại của tội phạm mua bán người, đưa người nhập cư trái phép nhất là ở cộng đồng dân tộc thiểu số, cộng đồng dân cư ở những nơi xa xôi, hẻo lánh; Thứ hai, tích cực nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng ngày càng đồng bộ, khả thi, tạo khung pháp lý thuận lợi hơn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, đưa người nhập cư trái phép và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán khi được giải cứu; Thứ ba, chủ động phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu các đường dây tội phạm mua bán người, đưa người nhập cư trái phép; triển khai hiệu quả cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người, đưa người nhập cư trái phép trên phạm vi toàn quốc; Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người, đưa người nhập cư trái phép, nhất là với Trung Quốc và các nước Tiểu vùng sông Mê Công, để kịp thời trao đổi thông tin, điều tra, triệt phá các đường dây tội phạm mua bán người, đưa người nhập cư trái phép.


Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.782
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.566
Năm 2024 : 512.912