A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống đói, rét, bảo vệ gia súc, gia cầm

Chăn nuôi gia súc, gia cầm có vai trò rất lớn đối với kinh tế của từng hộ gia đình, đồng thời đóng góp không nhỏ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Trong thời gian qua, phát huy những điều kiện thuận lợi như: Có nhiều bãi chăn thả rộng, lượng thức ăn phong phú; có nguồn giống gia súc, gia cầm quý hiếm, chất lượng cao… Hà Giang đã quan tâm phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất thế mạnh của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Hà Giang là địa bàn thuộc vùng khí hậu ôn đới, địa hình nhiều đồi núi cao nên mùa đông kéo dài và nhiệt độ thấp, thường xuyên xuất hiện sương giá và các đợt rét đậm, rét hại, thậm chí có băng tuyết, ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm. Để khắc phục những ảnh hưởng xấu từ thời tiết, đảm bảo phát triển ổn định đàn gia súc cho từng hộ gia đình và toàn tỉnh, trong nhiều năm trở lại đây, cấp ủy và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên gắn bó với người dân để hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực phối hợp, nâng cao ý thức chủ động chuẩn bị và sử dụng các biện pháp bảo vệ gia súc, gia cầm trước những diễn biến bất thường của thời tiết…
 

Kiên cố hóa chuồng trại và sử dụng kỹ thuật ủ chua thức ăn là giải pháp tối ưu để phòng, 
chống đói, rét cho gia súc, gia cầm trong mùa đông. 
Trong ảnh là mô hình chuồng trại của anh Đỗ Minh Thông, huyện Vị Xuyên. (Ảnh: Dương Thắm)



Theo đó, người dân đã tiếp cận được kỹ thuật chăm sóc, dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông (Phổ biến là kỹ thuật ủ chua thức ăn); thực hiện gia cố chuồng trại, sử dụng các loại vật liệu đảm bảo để che chắn, đệm lót chuồng trại, sử dụng các biện pháp sưởi ấm cho gia súc; không chăn thả gia súc vào thời gian nhiệt độ giảm sâu; tiêm phòng các bệnh xuất hiện vào mùa rét cho gia súc, gia cầm… Do đó, tình trạng gia súc, gia cầm, đặc biệt là trâu, bò chết rét, chết đói đã giảm đáng kể, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người dân; bảo đảm sự ổn định và phát triển của đàn gia súc, gia cầm trong toàn tỉnh.

Theo thông tin từ cơ quan khí tượng thủy văn, mùa đông năm nay sẽ tiếp tục xuất hiện xen kẽ các đợt rét đậm, rét hại, sương giá và băng tuyết, tập trung nhiều vào khoảng tháng 12/2018 và tháng 01, 02 năm 2019. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chuyên môn, chức năng có liên quan cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống rét, bảo vệ đàn gia súc. Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết để chủ động tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thực hiện tốt các biện pháp phòng chống đói, rét, tiếp tục áp dụng kỹ thuật “ủ chua” để dự trữ thức ăn cho gia súc, hạn chế thả rông gia súc ra ngoài trời. Tiến hành đến từng hộ gia đình để tiêm phòng các bệnh vào mùa đông; thực hiện tiêu độc, khử trùng chuồng trại khi có dấu hiệu xuất hiện bệnh dịch. Không sử dụng gia súc, gia cầm chết vì bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn cho người. Đồng thời, làm tốt công tác vệ sinh, che chắn chuồng, trại. Các xã xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp đối với cây trồng, vật nuôi, bố trí lực lượng để xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.513
Hôm qua : 2.823
Tháng 07 : 4.336
Năm 2024 : 509.682