A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành của Hải quân nhân dân Việt Nam

1. Hải quân nhân dân Việt Nam được thành lập 07/5/1955

Chiến dịch Đông - Xuân năm 1953 - 1954 mà đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi, hoà bình được lập lại trên toàn Đông Dương, nhưng đất nước ta còn tạm thời bị chia cắt làm hai miền: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, đi lên Chủ nghĩa xã hội; miền Nam tiếp tục tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Để bảo vệ chủ quyền, quản lý chặt chẽ một dải bờ biển miền Bắc dài trên 800 km từ Móng Cái đến vĩ tuyến 17, ngày 07/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể (Tiền thân của Hải quân nhân dân Việt Nam).
2. Giai đoạn 1955-1964: Hải quân nhân dân Việt Nam tích cực xây dựng lực lượng đáp ứng yêu cầu bảo vệ vùng biển của Tổ quốcĐể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, lực lượng Hải quân nhanh chóng kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Ngày 24/01/1959, Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 320/NĐ thành lập Cục Hải quân thay Cục Phòng thủ bờ biển. Ngày 03/01/1964, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 01/QP thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân (Thiếu tướng Tạ Xuân Thu được chỉ định làm Tư lệnh kiêm Chính uỷ)
Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05/8/1964.
Trước nguy cơ thất bại của Chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", Tổng thống Mỹ Giôn-Xơn đã quyết định đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam. Để thực hiện kế hoạch đó, đêm 31/7/1964, rạng sáng 01/8/1964, tàu khu trục Ma Đốc của Mỹ đã tiến sâu vào vùng biển Việt Nam và gây ra nhiều tội ác đối với Nhân dân ta. Với ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm trừng trị kẻ xâm phạm, ngày 02/8/1964, biên đội tàu phóng lôi: 333, 336, 339 xuất kích bất chấp sự chống trả của đối phương, cán bộ, chiến sỹ 03 tàu ta đã anh dũng kiên cường đánh trả buộc tàu Ma đốc phải tháo chạy ra khỏi hải phận vùng biển miền Bắc. 
Lợi dụng sự kiện này, đêm ngày 04/8/1964, chính quyền Mỹ dựng lên vụ "Vịnh Bắc Bộ" vu cáo cho Hải quân Việt Nam cố ý tấn công tàu chiến Mỹ ở vùng biển quốc tế, để lấy cớ ngày 05/8/1964 dùng lực lượng không quân tập kích ác liệt vào lực lượng Hải quân Việt Nam. Lực lượng Hải quân Việt Nam đã hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội phòng không quốc gia, công an vũ trang, dân quân tự vệ các địa phương, bắn rơi 8 máy bay, bắn bị thương nhiều chiếc khác, bắt sống Trung uý giặc lái An-Vơ-Rét (Là phi công đầu tiên bị bắt ở miền Bắc), đập tan cuộc tập kích bằng không quân của Mỹ. 
Chiến thắng ngày 02 và 05/8/1964 của quân và dân Việt Nam có tiếng vang lớn trên thế giới. Ngày 02 và 05/8/1964, mãi mãi trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam.

hai quan viet nam tham gia dien tap da phuong dau tien cua hai quan asean
Ảnh minh họa. (Nguồn: VGP)


 

3. Giai đoạn 1964 - 1975: Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 
Đế quốc Mỹ sử dụng không quân và hải quân tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Với quyết tâm "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, Hải quân Việt Nam phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt, đã cùng với Nhân dân cả nước bắn rơi 118 máy bay, bắn chìm và bị thương 45 tàu thuyền của địch, đánh bại chiến dịch phong tỏa thuỷ lôi trên sông, biển miền Bắc, làm mất hiệu lực 2.400 quả thuỷ lôi, mở tuyến thông luồng bảo đảm cho tàu thuyền hoạt động, sản xuất, tiếp nhận, vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam trên hầu hết các cửa sông, cửa biển và hải cảng; góp phần đánh thắng chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.  
Hải quân nhân dân Việt Nam mở đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển chi viện cho cách mạng miền Nam. Để chi viện cho cách mạng miền Nam, cùng với Đoàn 559 mở đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn. Đoàn 759 (Tiền thân của Đoàn 125) được thành lập ngày 23/10/1961 để mở Đường Hồ Chí Minh trên biển. Trong suốt 14 năm vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, Hải quân nhân dân Việt Nam đã chấp nhận mọi hy sinh, gian khổ, mưu trí vượt qua các tuyến bao vây, phong toả, đối phó với từng thủ đoạn của địch; sáng tạo nhiều phương thức hoạt động độc đáo, táo bạo; hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến; vận chuyển kịp thời và đúng thời cơ hàng ngàn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men, hàng chục ngàn lượt người đến những chiến trường khó khăn nhất, nơi mà con đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn chưa vươn tới được, góp phần chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam.
Hải quân nhân dân Việt Nam tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, Hải quân Việt Nam đã huy động đến mức cao nhất lực lượng để đưa gần 4.000 cán bộ, chiến sỹ đi chiến đấu và phục vụ chiến đấu, chở pháo, xe tăng, vũ khí các loại từ hậu phương miền Bắc vào chiến trường miền Nam. Dùng tàu chiến thả thủy lôi ở cửa biển Thuận An - Bán đảo Sơn Trà để chặn địch tháo chạy ra biển, góp phần tạo điều kiện để các đơn vị bộ binh giải phóng các thành phố, các tỉnh ven biển; đồng thời dùng lực lượng tàu của Đoàn 125 chở đoàn Đặc công 126 và phối hợp với một bộ phận của lực lượng Quân khu V chiến đấu giải phóng quần đảo Trường Sa, góp phần vào thắng lợi vĩ đại và trọn vẹn của dân tộc.
4. Từ 1976 đến nay: Thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, Hải quân nhân dân Việt Nam vừa thực hiện điều chỉnh tổ chức, bố trí, sắp xếp lại lực lượng, chuyển từ nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu sang nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; vừa phải tham gia quản lý, ổn định vùng mới giải phóng, giải quyết nhiều vấn đề sau chiến tranh và làm kinh tế.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.076
Hôm qua : 2.823
Tháng 07 : 4.899
Năm 2024 : 510.245